Trồng bưởi da xanh không dùng phân, thuốc hóa học, cho quả quanh năm
Rời TP Hồ Chí Minh khi đang có công việc ổn định, anh Nguyễn Văn Đảm đã lên Tây Nguyên tìm đất phù hợp để sản xuất bưởi da xanh theo hướng hữu cơ.
Vườn bưởi da xanh của anh Đảm được bọc quả để tránh côn trùng chính hút. Ảnh: Đinh Lâm.
Tìm đất sạch sản xuất bưởi hữu cơ
Anh Nguyễn Văn Đảm, sinh năm 1981, tốt nghiệp kỹ sư Hàng hải, đã lênh đênh trên biển 2 năm, rồi chuyển qua làm hàng hóa, trái cây xuất khẩu nhưng lại rẽ hướng chọn sang sản xuất nông nghiệp bằng mô hình trồng bưởi da xanh hữu cơ.
Xuất phát từ công việc làm hàng hóa xuất khẩu, anh Đảm nhận thấy bưởi da xanh có nhiều giá trị và thị trường xuất khẩu ưa chuộng, tiềm năng.
Từ đó, anh Đảm tìm hiểu nhiều thông tin về giống bưởi này. Anh lặn lội đến những vườn bưởi quy mô lớn nổi tiếng trong nước để học cách trồng, chăm sóc. Sau khi định hướng và lựa chọn sản xuất bưởi theo cách riêng của mình, anh Đảm rong ruổi dọc các tỉnh Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đăk Nông để tìm đất bắt đầu khởi nghiệp. Thấy vùng đất ở thôn Đức Long, xã Đăk Săk, huyện Đăk Mil có nhiều lợi thế, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, cây cối xanh tốt, anh Đảm đã lấy mẫu đất, nước gửi cơ quan chức năng ở TP Hồ Chí Minh kiểm định và kết quả đạt chuẩn, đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
“Thông số kiểm tra cho thấy nhiều yếu tố thuận lợi để trồng bưởi da xanh nhưng khi đi tham khảo người dân xung quanh thì ai cũng can bảo trồng bưởi chua, không ngon. Dựa vào kết quả kiểm tra nước, đất tôi tin tưởng mình làm được”, anh Đảm chia sẻ.
Tháng 8/2015, anh Đảm mua 5 ha đất và bắt tay vào sản xuất. Xác định từ đầu sản xuất bưởi da xanh hữu cơ nên vườn bưởi anh để cỏ mọc tự nhiên, chỉ cắt khi cỏ quá cao, phân bón được ủ hoai mục với men vi sinh. Ngoài ra, anh còn ủ đậu tương với men để làm phân bón. Anh dùng vôi xịt lên cây để hạn chế côn trùng chích hút và xua đuổi côn trùng bằng cách treo long não ở thân mỗi cây.
Anh Đảm cho hay, qua tìm hiểu anh nhận thấy xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu và bền vững trong nông nghiệp. Do đó anh chọn hướng này vì an toàn cho người sản xuất và người sử dụng sản phẩm.
Thu quả ngọt
Năm 2018 bưởi bắt đầu cho quả bói. Anh Đảm gửi sản phẩm lên một số siêu thị, cửa hàng TP Hồ Chí Minh để khách hàng đánh giá kiểm tra chất lượng. Kết quả được khách hàng hài lòng và đặt hàng. Anh Đảm chia sẻ: Để hạn chế bưởi da xanh bị côn trùng chích hút, khi trái bưởi bằng ngón tay cái tôi dùng bao bọc kín. Khi tỉ lệ côn trùng mật độ lớn thì dùng hạt na ngâm rượu hay dùng giấm, gừng, tỏi, ớt giã nhỏ phun lên cây để xua đuổi".
Vườn bưởi nhà anh Đảm còn sử dụng lông não để xua đuổi côn trùng. Ảnh: Đinh Lâm.
Anh Đảm chia sẻ kinh nghiệm, bộ rễ cây quan trọng nhất, rễ tốt cây sẽ hấp thụ được nhiều chất từ đất, xử lý đất tốt, cây sẽ phát triển và chất lượng quả được nâng cao. Bưởi da xanh là loại cây khó tính, cho quả đẹp nhưng chưa chắc đã bán được nếu quả bị chua hoặc sần, vì thế người trồng phải hiểu về bưởi mới làm được.
Sử dụng phân từ đậu nành ủ để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Ảnh: Đinh Lâm.
Vườn của anh Đảm hiện có nhiều lứa quả trên cùng 1 cây, quả 5 tháng tuổi, loại 3 tháng, quả mới đậu, hoa. Cách để bưởi ra quả được thực hiện sau mỗi đợt ra đọt của cây. Mỗi năm có 4 - 5 đợt bưởi tháo đọt cũng là dịp "siết” để cây cho quả quanh năm, đây là cách làm rất hay để rải vụ.
Với vườn bưởi 5 ha, anh Đảm trồng 1.500 cây, vụ bưởi năm nay dự kiến thu được 30 tấn quả. Với giá bán từ 30-70 ngàn đồng/kg thì năm nay anh có thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng.
Vườn bưởi của gia đình anh Đảm đã đạt tiêu chuẩn 3 sao xếp hạng sản phẩm OCOP của huyện Đăk Mil. Hiện anh đang làm hồ sơ để chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ USDA của Mỹ và đăng ký mã vạch, truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhằm phục vụ quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều năm trồng lúa chỉ đủ ăn, một nông dân ở xã Thạnh Trị (Kiến Tường, Long An), đã chuyển sang trồng chanh, tắc và đổi đời nhờ 2 loại cây mới này.
Liên kết trồng dưa lưới, người trồng không phải lo bao tiêu sản phẩm, được tư vấn kỹ thuật trồng, được mua vật tư sản xuất trả chậm, lợi nhuận đạt 2,4 tỷ đồng/h
Việc tưới phân, phun thuốc cho 800 gốc bưởi chỉ cần ông Cơ nhấn nút là tự động thực hiện, vừa tiết kiệm chi phí thuê nhân công, vừa tiết kiệm tối đa phân, thuốc