Dự Án Nuôi Bò Hiệu Quả Kinh Tế Cao
Dự án chăn nuôi bò thịt được triển khai thực hiện đầu tiên tại 2 xã Phong Thạnh và Tân Phong (huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) từ nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương. Qua hơn 2 năm thực hiện, dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thêm thu nhập cho nông dân.
Để đảm bảo người dân trong vùng dự án có được giống bò tốt, Hội Nông dân xã Phong Thạnh và Tân Phong đã chủ động đến các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang… để tìm hiểu kỹ con giống rồi về giới thiệu với những hộ được vay vốn nuôi bò. Nhờ cách làm này mà đàn bò trong vùng dự án ít xảy ra dịch bệnh và phát triển rất tốt.
Ông Nguyễn Xuân Tươi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Giá Rai cho biết: “Trước khi triển khai nguồn vốn để thực hiện dự án, Hội Nông dân huyện đã thành lập đoàn xuống cơ sở khảo sát xem có phù hợp để thực hiện dự án hay không.
Cùng với đó, Hội phân công cán bộ phụ trách tìm nguồn bò giống để hướng dẫn bà con mua, tránh tình trạng nguồn giống không rõ ràng, gây thiệt hại cho người nuôi. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương với 650 triệu đồng, mỗi hộ trong vùng dự án được vay vốn mua từ 1 hoặc 2 con (giá từ 13 - 14 triệu đồng/con bò giống). Sau 2 năm thả nuôi đến khi xuất bán, mỗi hộ thu lãi từ 10 - 12 triệu đồng/con bò”.
Lúc đầu dự án triển khai nuôi bò thịt, thế nhưng nhiều hộ nuôi đã nhận ra lợi nhuận từ việc cung cấp bò giống cao hơn nhiều so với việc bán bò thịt. Khi đến kỳ hạn hoàn vốn, nhiều hộ không bán bò mà xuất tiền gia đình trả lại cho Hội Nông dân để tiếp tục phát triển mô hình nuôi bò giống. Nhờ vậy, nguồn vốn được thu hồi rất nhanh và tạo điều kiện tái đầu tư cho những hộ nông dân khác.
Ông Nguyễn Văn Hiểu (ấp 19, xã Phong Thạnh) chia sẻ: “Gia đình tôi rất phấn khởi khi được hỗ trợ vay vốn mua 2 con bò giống. Lúc trước tôi nuôi cá sấu, nhưng do giá cả bấp bênh nên thường bị thua lỗ. Bây giờ nuôi bò tôi thấy ổn định hơn, mà cũng không cực lắm. Tôi có nhiều thời gian làm những việc khác tăng thêm nguồn thu cho gia đình”.
Để dự án nuôi bò phát huy hiệu quả cũng như tránh những tổn thất cho người nuôi (vì vốn đầu tư ban đầu khá lớn), thời gian tới, các ngành chức năng cần mở các lớp tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi bò cho người nuôi…
Related news
Người nuôi cua ở Cà Mau đang đứng ngồi không yên khi giá cua liên tục xuống thấp. Hiện giá cua đã giảm khoảng 30 – 40% so với vài tháng trước.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 7 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu (XK) cua ghẹ của Việt Nam đạt hơn 60,7 triệu USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Hiện thị trường XK cũng đã được mở rộng hơn, các sản phẩm cua ghẹ của Việt Nam đã xuất sang được 34 thị trường.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)- chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về sự phát triển của ngành thủy sản hiện nay.
ĐBSCL đạt được nhiều thành tựu trong sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa gạo là khâu đột phá.
Tuy phải cạnh trạnh khốc liệt với nhiều loại trái cây nhập khẩu với mẫu mã đẹp và giá cả ổn định hơn nhưng trái cây nội vẫn chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.