Đột Phá Từ Cây Măng Tây Xanh

Măng tây xanh được xem là loại rau cao cấp, có giá trị dinh dưỡng cao. Để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, UBND tỉnh đã có định hướng sẽ thực hiện đề án phát triển và tiêu thụ cây măng tây xanh trên địa bàn TP. Bạc Liêu.
Vùng đất giàu tiềm năng
Những năm gần đây, cây măng tây xanh đã xuất hiện nhiều ở TP. Bạc Liêu. Loại măng này cho năng suất cao, phẩm chất tốt, bảo quản được lâu và thương lái mua tại rẫy với giá khá cao (măng chia làm 3 loại, giá từ 35.000 - 100.000 đồng/kg).
Năm 2008, TP. Bạc Liêu đã trồng thử 6ha (gồm 49 hộ trồng) trên địa bàn 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông. Bước đầu cho thấy, cây măng tây rất thích hợp với vùng đất ở đây. Thời gian gieo trồng cho đến ngày cây cho măng khoảng 6 tháng. Từ đó, liên tục mỗi ngày, người dân có thể thu hoạch măng đều đặn. Năm 2012, 15 hộ dân tại xã Hiệp Thành đã được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất măng tây xanh an toàn. Bình quân mỗi hộ thu hoạch 7 - 8 tấn/ha/năm, có hộ đạt 12 tấn/ha/năm.
Nhiều nghiên cứu cho thấy măng tây xanh là loại rau cao cấp có hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa nhiều vitamin (K, C, A, B6, B1), đặc biệt là rất giàu dược tính… Điều quan trọng là giá trị kinh tế từ cây măng tây xanh đem lại khá cao. Tiêu biểu như hộ ông Lý Cẩm (ấp Giồng Giữa, xã Hiệp Thành) đã đầu tư trồng măng tây xanh trên 1ha. Bên cạnh sự cần cù lao động, ông Cẩm luôn học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, nên hiện nay, với 1ha trồng măng tây, mỗi ngày ông Cẩm thu nhập hơn 1 triệu đồng.
Phát triển thương hiệu cho măng tây
Hai xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông là vùng trồng rau màu trọng điểm của tỉnh với sản lượng khá cao. Đặc biệt, măng tây xanh lại rất phù hợp với vùng đất này. Tuy nhiên, do hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ, chưa có điện 3 pha phục vụ sản xuất… nên đã gây khó khăn cho việc trồng cây măng tây. Bên cạnh đó, người dân vẫn còn sản xuất theo tập quán, quy mô nhỏ lẻ, không có sự liên kết, vốn ít nên sản lượng không ổn định. Ngoài ra, dịch bệnh đã bắt đầu phát sinh, do cạnh tranh nên nông dân đã khai thác quá mức, làm ảnh hưởng đến cây giống, và cây trồng cũng phát triển kém…
Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND TP. Bạc Liêu, ngành Nông nghiệp khảo sát, tìm hiểu và có kế hoạch cụ thể để phát triển sản xuất và tiêu thụ cây măng tây theo hướng bền vững. Đề án sẽ được triển khai từ năm 2014 - 2018 trên diện tích 110ha ở 2 xã Vĩnh Trạch Đông và Hiệp Thành. Nông dân tham gia mô hình phát triển cây măng tây của tỉnh sẽ được tập huấn và ứng dụng đồng bộ các kỹ thuật trong thâm canh sản xuất theo VietGAP, cho năng suất từ 10 - 15 tấn/ha/năm. Đồng thời, tỉnh sẽ đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ công tác ngăn mặn, trữ nước ngọt; xây trạm bơm nước chống ngập; cơ giới hóa sản xuất, hoàn thiện hệ thống bơm tưới nước… Thành lập, phát triển tổ hợp tác nhằm giúp người dân liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, sơ chế, thu gom và tiêu thụ…
Khi được UBND xã vận động tham gia đề án, bà con 2 xã Vĩnh Trạch Đông và Hiệp Thành rất vui vì họ nhận thức được rằng, măng tây xanh chính là niềm hy vọng làm giàu cho gia đình. Ông Võ Hoàng Sang và anh Huỳnh Văn Lến (ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành) đều háo hức tham gia đề án với hy vọng sẽ được hỗ trợ về kỹ thuật lẫn vốn đầu tư. Bởi đầu tư ban đầu trong sản xuất măng tây khá cao (trên 100 triệu đồng/ha).
Ông Lê Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu, cho biết: “Thành phố xác định trồng cây măng tây là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Đây được xem là tiền đề cho sự chuyển đổi, phát triển những cây trồng mới có giá trị kinh tế cao. Qua đó, góp phần tăng thu nhập cho người dân theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Không chỉ giúp người dân về kỹ thuật, vốn, mục tiêu của địa phương là đảm bảo đầu ra cho sản phẩm măng tây bằng thương hiệu, uy tín, trở thành nguồn xuất khẩu dồi dào…”.
Có thể bạn quan tâm

Sau khi đưa vào hoạt động, “Trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Agriteck Japan” sẽ cho thu hoạch khoảng 135.000 quả mỗi năm. Bên cạnh, đơn vị này còn kinh doanh trên nhiều lĩnh vực chế biến các loại thịt, trứng, sữa bò với quy mô từ 1 - 2 tấn mỗi năm.

Nhằm đáp ứng nhu cầu chế biến cho nhà máy, Công ty cổ phần Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định (BDSTAR, nhà máy đặt tại xã Mỹ Hiệp - huyện Phù Mỹ) đã triển khai nhiều giải pháp mở rộng vùng nguyên liệu tại các địa phương trong tỉnh. Hiện nay, BDSTAR đang tiến hành khảo nghiệm các giống mì mới với tiềm năng năng suất từ 30-50 tấn/ha để cung ứng hom giống miễn phí cho nông dân sản xuất…

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, diện tích nuôi tôm nước lợ vụ nuôi năm 2015 trong nửa tháng đầu năm nay đã thả nuôi 762 ha, tập trung tại huyện Trần Đề, Long Phú và Cù Lao Dung. Tiến độ thả nuôi chậm, bằng 26% so với cùng kỳ do huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu chưa thả nuôi. Thiệt hại tôm nước lợ 26 ha ở huyện Trần Đề và Long Phú, bằng 3,4% diện tích thả.

Tham dự Hội nghị có các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT và đơn vị thuộc sở các tỉnh/thành phố phía Nam từ Đà Nẵng trở vào, các Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, III và các cơ quan báo đài. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám tới dự và chỉ đạo hội nghị.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp, người nuôi cua trong hồ đất ở xã Hòa Tâm trúng vụ cua nuôi “mót” (tăng vụ). Chị Nguyễn Thị Sang, nuôi cua ở xã Hòa Tâm cho biết, người nuôi cua đang thu hoạch rộ vụ nuôi “mót”. Mỗi hồ rộng 6 sào (3.000m2), thu hoạch từ 1 đến 1,2 tạ cua với giá bán từ 80.000 đến 90.000 đồng/kg, thu nhập bình quân 9 triệu đồng.