Đột phá trong chăn nuôi bò sữa ở Tiên Du
Ông Lê Đắc Quý, thôn Thượng là một trong những hộ nuôi bò sữa lớn nhất xã Cảnh Hưng. Ông Quý cho biết: “Gia đình tôi nuôi bò sữa từ những năm 1997, lúc đầu chỉ dám nuôi 2-3 con. Ưu việt của nuôi bò sữa là ổn định, cho thu nhập đều nên hiện gia đình tăng đàn lên 14 con. Để bảo đảm hiệu quả việc tiêu thụ, gia đình đầu tư mua máy vắt sữa và máy bảo quản. Thời điểm này, giá sữa ổn định không còn bấp bênh như những năm trước. Mỗi ngày bình quân một con bò cho khoảng 20 đến 22 kg sữa tươi với giá khoảng từ 12.000-14.000 đồng/kg”.
Cũng giống như ông Quý, gia đình anh Lê Đắc Tân, xã Cảnh Hưng nuôi 7 con bò, bê sữa, theo dự án phát triển bò của địa phương. Theo anh Tân thì nuôi bò sữa so với chăn nuôi khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện trung bình mỗi ngày gia đình anh thu khoảng 140 kg sữa, với giá bán 14.000 đồng/kg (sữa loại 1). Ngoài việc thu nhập chính từ nguồn sữa tươi, các hộ chăn nuôi còn có thêm thu nhập từ việc bán bê và bò đực: Bê có giá bán từ 7 đến 8 triệu đồng một con và bò đực nuôi bán giá hơn 40 triệu đồng một con.
Với mức giá như hiện nay bò sữa đang mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và ổn định hơn hẳn so với các đối tượng nuôi khác. Tuy nhiên giá giống mỗi con bò sữa là khá cao, khoảng 60 đến 70 triệu đồng một con, việc nhân lên số lượng bò gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là do bò tự sinh sản rồi giữ lại. Các hộ chăn nuôi mong muốn có thêm chính sách hỗ trợ về vốn cho việc chăn nuôi bò sữa được phát triển, giúp cho nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Chăn nuôi bò sữa ở Cảnh Hưng như một “nút mở” cho chủ trương thoát nghèo của người nông dân. Chủ tịch UBND xã Cảnh Hưng Nguyễn Bá Điền nhìn nhận: Nắm bắt nhu cầu sữa của thị trường, phát huy lợi thế vùng đất bãi của địa phương có thể trồng cỏ, ngô, đậu tương làm nguồn thức ăn cho bò nên chăn nuôi bò sữa của Cảnh Hưng đã phát triển mạnh về số lượng.
Xã chú trọng nâng cao chất lượng chăn nuôi với nhiều biện pháp như: Thường xuyên tiêm phòng vacine phòng trừ bệnh, tuyên truyền hướng dẫn người dân chăm sóc, vắt sữa đúng quy trình kỹ thuật. Để chăn nuôi bò sữa phát triển ổn định và bền vững, UBND xã đã liên hệ và ký kết với các công ty sữa để tìm đầu ra ổn định cho nguồn sữa. Hiện ở xã có 3 điểm thu mua do các công ty sữa đầu tư máy móc, chuyển giao công nghệ tại chỗ để thu mua sữa cho người dân, vì vậy lượng sữa sản xuất được tiêu thụ toàn bộ. Toàn xã có gần 100 hộ chăn nuôi bò sữa với 298 con bò sữa. Nhiều hộ nuôi từ 10-15 con cho thu nhập từ 400-500 triệu đồng/năm.
Theo ông Nguyễn Huy Ngà, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tiên Du thì chăn nuôi bò sữa đang là một trong những thế mạnh của địa phương. Hiện nay số lượng, chất lượng bò sữa của huyện vẫn đứng đầu tỉnh với 411 con , tăng gần 200 con so với năm 2010, chủ yếu tập trung ở xã Cảnh Hưng, một số ít ở Minh Đạo, Tri Phương (hai địa phương này phát triển mạnh về bò thịt). Sản lượng sữa năm 2014 đạt 1.480 tấn, tăng 788 tấn so với năm 2010. Nhờ chăn nuôi bò sữa mà kinh tế các gia đình phát triển đáng kể.
Qua thực tế, việc phát triển đàn bò sữa ở Tiên Du cho hiệu quả kinh tế rõ rệt. Theo tính toán thì một con bò sữa hiện nay có thể cho thu nhập tới 80 triệu đồng/năm. Ngoài sản lượng sữa hàng năm từ 4-4,5 tấn/con, mỗi năm bò đẻ một lần giúp cho người dân có thêm con giống, thêm thu nhập khi bán bò ra thị trường. Hiện tại, sản phẩm sữa của các hộ dân được Công ty Cổ phần sữa Vinamilk thu mua toàn bộ, đầu ra được đảm bảo, giá cả ổn định, người dân có điều kiện yên tâm phát triển chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Đến thời điểm này, ở các xã Thanh Mai, Thanh Vận, Mai Lạp và Hòa Mục huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, sâu ong gây hại cây mỡ đã lan trên diện rộng, địa phương đang thực hiện các biện pháp diệt trừ.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa của lãnh đạo huyện Mộc Hóa (Long An), trong tháng 4 vừa qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện phối hợp với Trạm Khuyến nông tổ chức hội thảo tổng kết mô hình luân canh mè trên đất trồng lúa vụ Xuân-Hè, tại ấp Hương Trang, xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa.
Từ vài năm nay, cây thanh hao đã trở nên quen thuộc với nông dân xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình).
Mô hình cánh đồng mía mẫu lớn được Nhà máy Đường An Khê bắt đầu triển khai tại 4 huyện, thị xã phía Đông tỉnh Gia Lai vào niên vụ 2012 - 2013. Từ 320 ha thí điểm, đến nay, diện tích mía áp dụng theo mô hình đã lên đến hơn 1.000 ha và không ngừng được nhân rộng bởi hiệu quả rõ rệt mà nó mang lại.
Ngay tại Thủ đô cũng có những vùng trồng nhãn quả to, cùi dày, ngọt lại ra trái mùa. Tuy nhiên, do công tác thông tin, nhiều người dân vẫn chưa biết đến “nhãn trái mùa” hay “nhãn chín muộn” mà còn lầm tưởng là “nhãn Trung Quốc”...