Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đồng Tháp Chủ Động Phòng, Chống Dịch Bệnh Cho Vật Nuôi Thời Điểm Chuyển Mùa

Đồng Tháp Chủ Động Phòng, Chống Dịch Bệnh Cho Vật Nuôi Thời Điểm Chuyển Mùa
Ngày đăng: 24/05/2014

Thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm (GSGC) phát sinh và có nguy cơ lây lan thành dịch. Theo Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp, đây là thời điểm người chăn nuôi phải chủ động thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Hiện nay, thời tiết diễn biến rất phức tạp, đặc biệt ở giai đoạn giao mùa, khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều sẽ khiến vật nuôi không kịp thích nghi nên rất dễ bị nhiễm bệnh. Mùa mưa, mưa lớn kéo dài sẽ là nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên đàn GSGC như: tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn, lở mồm long móng...

Điều đáng lo ngại là trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều điểm giết mổ GSGC chưa tập trung, tình trạng mua bán, giết mổ GSGC không đảm bảo vệ sinh vẫn còn diễn ra khá phổ biến, ảnh hưởng không tốt đến đàn vật nuôi vì dễ lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, một bộ phận người chăn nuôi còn có thói quen khi GSGC bị dịch bệnh chết thường đem vứt xác xuống sông, kênh rạch... nên dịch bệnh luôn tiềm ẩn, có thể lây lan ra diện rộng.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn GSGC trong thời điểm chuyển mùa, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y và UBND các huyện, thị, thành tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống. Trong đó, chú ý công tác tiêm phòng vắc-xin các loại dịch bệnh nguy hiểm và thường xuyên tổ chức tiêu độc sát trùng chuồng trại.

Ông Võ Trọng Phước - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Thời gian qua, Chi cục Thú y đã yêu cầu các Trạm Thú y, Trạm Kiểm dịch các huyện, thị, thành trong tỉnh tăng cường công tác kiểm dịch, thực hiện đúng quy trình kiểm dịch, quy trình kiểm soát giết mổ; chú trọng công tác kiểm tra lâm sàng, kiểm tra động vật, sản phẩm động vật nhập vào địa phương, nhằm phát hiện sớm dịch bệnh xảy ra và có các biện pháp chủ động, xử lý kịp thời.

Mặt khác, Chi cục đã yêu cầu ngành thú y các huyện, thị, thành thường xuyên hỗ trợ người chăn nuôi tiêm vắc-xin phòng, chống các loại dịch bệnh GSGC hay phát sinh trong mùa mưa”.

Đến nay, ngành thú y hoàn thành việc tiêm vắc-xin lở mồm long móng, dịch tả, cúm gia cầm cho đàn GSGC trên địa bàn tỉnh. Đối với đàn trâu, bò, toàn tỉnh đã tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng cho hơn 9.000 con, chiếm 29%/tổng đàn. Đối với đàn heo, ngành đã tiêm vắc-xin phòng bệnh tai xanh hơn 13.600 con, chiếm 8,08%/tổng đàn; dịch tả heo là 74.000 con, chiếm 44,29%/tổng đàn.

Bên cạnh đó, ngành thú y còn vận động người chăn nuôi tiêm phòng các loại vắc-xin phòng, chống dịch bệnh khác cho đàn GSGC như: tai xanh, tụ huyết trùng, phó thương hàn... Đối với đàn gia cầm, đã tiêm phòng 1,5 triệu liều vắc-xin dịch tả cho đàn vịt; tiêm phòng cúm đợt I/2014 được gần 364.000 con gà, chiếm 68,49% tổng đàn.

Nhằm phòng tránh các loại dịch bệnh có thể xảy ra trên đàn GSGC thời điểm chuyển mùa, ông Phước yêu cầu: “Các Trạm Thú y địa phương cần tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình vệ sinh chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ, giảm mật độ nuôi, có biện pháp làm thoáng chuồng nuôi; thường xuyên thu gom, vận chuyển phân, các chất thải ra khỏi khu vực chăn nuôi và xử lý an toàn trước khi đưa ra môi trường.”

Chi cục Thú y khuyến cáo người chăn nuôi nên áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; tăng thêm khẩu phần ăn đảm bảo chất dinh dưỡng cho đàn GSGC; thường xuyên kiểm tra, theo dõi vật nuôi nếu phát hiện đàn GSGC có dấu hiệu bất thường thì báo ngay cho cán bộ thú y xã phường, chính quyền địa phương để có những biện pháp xử lý kịp thời, không tự ý chữa trị hoặc vứt xác GSGC ra các sông, kênh, mương dẫn nước.


Có thể bạn quan tâm

Thêm Tỉnh Bạc Liêu Bùng Phát Dịch Tai Xanh Thêm Tỉnh Bạc Liêu Bùng Phát Dịch Tai Xanh

Báo cáo mới nhất của Cục Thú y (Bộ NNPTNT) về tình hình dịch bệnh cho hay, đã có thêm một tỉnh nữa bùng phát dịch tai xanh, đó là tỉnh Bạc Liêu.

14/06/2012
Bí Đỏ Đạt Năng Suất 600kg/sào Bí Đỏ Đạt Năng Suất 600kg/sào

Vụ xuân 2012, hợp tác xã nông nghiệp thôn Ngô Cương (xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình) đã triển khai gieo trồng 21 mẫu bí đỏ siêu cao sản (siêu hạt).

14/06/2012
Xuất Khẩu Nhuyễn Thể Hai Mảnh Vỏ Không Mấy Khả Quan Xuất Khẩu Nhuyễn Thể Hai Mảnh Vỏ Không Mấy Khả Quan

Nhuyễn thể hai mảnh vỏ vốn được xem là thế mạnh thứ ba của thủy sản Việt Nam. Nhưng theo số liệu tính đến ngày 15/4/2012 của VASEP thì đến thời điểm này thế mạnh thứ ba ấy chưa thật sự phát huy.

15/06/2012
Diện Tích Tôm Nhiễm Bệnh Tăng Nhanh Diện Tích Tôm Nhiễm Bệnh Tăng Nhanh

Hiện nay, tại vùng nuôi tôm tập trung của xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) ở các thôn Phan Hiền, Huỳnh Thượng, Huỳnh Xá Hạ dịch bệnh đã bắt đầu phát sinh và lây lan nhanh chóng. Chỉ từ một ít hồ nuôi tôm bị nhiễm bệnh ban đầu, đến nay trên toàn địa bàn đã có 53 hồ với tổng diện tích trên 22 ha bị nhiễm bệnh gây thiệt hại trên 500 triệu đồng cho các hộ nuôi tôm.

15/06/2012
Thoát Nghèo Nhờ Dê Thoát Nghèo Nhờ Dê

Là một tỉnh miền núi có rất nhiều lợi thế về đồng cỏ, nghề nuôi dê ở Tuyên Quang hình thành từ lâu, nhưng mới chỉ dừng lại ở phương thức nuôi quảng canh, chăn thả tự do. Năm 2009, Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang đã triển khai dự án Dự án nuôi dê lai tập trung và phân tán. Sau 4 năm thực hiện, đến nay đàn dê đã được cải tạo, nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi theo lối quảng canh, thả rong của bà con.

15/06/2012