Đồng Nai Gỡ Khó Cho Người Chăn Nuôi

Ngày 6-3, UBND tỉnh Đồng Nai đã có cuộc họp đột xuất nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi trong dịch cúm.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, đánh giá dịch cúm gia cầm đang có hiện tượng lây lan. Sau Trảng Bom và Cẩm Mỹ, huyện Vĩnh Cửu là địa phương thứ 3 của tỉnh xuất hiện dịch trên đàn vịt hơn 20 ngàn con.
Ngăn ngừa dịch lây lan
Điều đáng lo ngại là chủng virus H5N1 vừa phát hiện tại Đồng Nai thuộc nhánh virus lưu hành tại các tỉnh phía Bắc. Trong khi đó, các đàn gà trên địa bàn tỉnh chủ yếu được tiêm phòng vaccine RE5, chỉ có hiệu lực trong phòng cúm nhánh 1.1 vốn phổ biến tại phía Nam.
Trước tình hình trên, ngay từ ngày 6-3, Chi cục Thú y tỉnh đã cử đoàn cán bộ về phối hợp với huyện Vĩnh Cửu triển khai ngay các biện pháp khoanh vùng dập dịch; tăng cường công tác phun thuốc tiêu độc, khử trùng; tiêm phòng, lập các chốt kiểm dịch…
Theo ông Quang, ngay khi phát hiện, chi cục đã tạm ứng 100 ngàn liều vaccine đặc trị chủng cúm này, bước đầu tập trung tiêm phòng cho địa phương xuất hiện ổ dịch và sẽ mở rộng ra toàn tỉnh. “Trong giai đoạn dịch cúm gia cầm vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, không chỉ các trang trại lớn mà các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên chủ động liên hệ với cán bộ thú y ở cơ sở để kịp thời tiêm phòng cho gia cầm. Mỗi lọ vaccine có khoảng 500 liều, những hộ chăn nuôi chỉ vài chục đến vài trăm con có thể cùng nhau mua về sử dụng chung” - ông Quang khuyến cáo.
Theo ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn: “Tuy Sở tăng cường công tác quản lý chặt hoạt động vận chuyển gia cầm sau khi phát sinh ổ dịch nhưng vẫn tạo điều kiện cho các trang trại lớn, an toàn đưa sản phẩm đi tiêu thụ. Hiện toàn tỉnh tập trung tổng lực cho công tác dập dịch và phòng ngừa; tập trung quản lý đối với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gà giống; việc tổ chức tái đàn”.
Hỗ trợ người chăn nuôi
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đồng Nai, cho rằng: “Đồng Nai cần sớm công bố dịch để người chăn nuôi được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước, như: khoanh nợ, giãn nợ… Những trang trại, hộ chăn nuôi có phương án sản xuất hiệu quả vẫn được ngân hàng giải quyết cho vay mới. Đồng Nai đang kiến nghị mở rộng danh sách các ngân hàng được hỗ trợ cho nông dân khi vay vốn.
Ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công thương, nhận xét: “Tuy Đồng Nai có điều kiện tổ chức giết mổ, trữ đông sản phẩm gia cầm nhưng giải pháp này khó khả thi vì người tiêu dùng vẫn có thói quen tiêu thụ thịt “nóng”. Tại trang trại, giá gia cầm liên tục giảm mạnh, trong khi giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng không giảm có phải do tư thương lợi dụng khó khăn để ép giá? Ở đây cần vai trò quản lý của Nhà nước, nhất là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân không quay lưng với sản phẩm an toàn”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh, các trang trại, hộ chăn nuôi không chấp hành việc tiêm phòng và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định sẽ không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Có thể bạn quan tâm

Cao su liên tục rớt giá mạnh khiến từ nông dân cho tới doanh nghiệp điêu đứng, thậm chí phải chặt bỏ hoặc rao bán.

Dù chỉ chăn nuôi heo ở quy mô nhỏ lẻ, nhưng nhiều hộ nông dân tại xã Quảng Trị (huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) đã biết liên kết với nhau để cùng mua cám với số lượng lớn. Sự liên kết này đã giúp họ mua được cám với giá rẻ của đại lý, nên chi phí chăn nuôi giảm và lợi nhuận tăng đáng kể.

Mùa khô hạn, chuồng trại nuôi dê phải khô ráo, sạch sẽ, thông thoáng, tránh được nóng và ẩm ướt. Sàn chuồng phải cách mặt đất từ 50 – 80cm. Chuồng nuôi cần đảm bảo diện tích: Dê đực giống: 1,5 - 2m2, dê thịt 0,6m2. Cần tăng cường vệ sinh chuồng trại, vệ sinh sạch sẽ máng ăn, máng uống hàng ngày, định kỳ phun thuốc sát trùng 2 tuần/lần.

Vịt trời vốn bị coi là loài không có tác dụng. Nhưng vài năm trở lại đây, một số hộ nông dân miền xuôi đã thuần chủng, nuôi loài vật này, thu nhập cao. Cách làm này đã được ông Cầm Văn Luân, bản Chiến, xã Chiềng San (Mường La, Sơn La) học tập, áp dụng xây dựng mô hình nuôi vịt trời hiệu quả.

Năm 2012, Công ty TNHH Trung Đồng (TP.Biên Hòa) nhập lô bò Úc nguyên con đầu tiên về Việt Nam. Tiếp theo đó, không thiếu các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) trong ngành thực phẩm và không trong ngành thực phẩm tham gia nhập và phân phối bò Úc, như: Vissan, Hoàng Anh Gia Lai... “Cơn sốt” nhập bò Úc hiện vẫn lan nhanh.