Động Lực Sản Xuất Xa Bờ
Được phân bổ đóng mới 10 phương tiện sản xuất trên các vùng biển xa theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là Nghị định 67) là cơ sở để TP.Hội An nâng cao về chất cho nghề cá.
Đóng mới 2 tàu vỏ thép
Triển khai Nghị định 67, TP.Hội An được UBND tỉnh phân cấp đóng mới 10 tàu cá, trong đó có 2 tàu vỏ thép. Đến thời điểm này, TP.Hội An đã phân bổ cho phường Cẩm Nam đóng mới 1 tàu vỏ thép khai thác hải sản và phường Cửa Đại 1 tàu vỏ thép thực hiện dịch vụ hậu cần trên biển.
Khi nhận được thông tin này, ông Nguyễn Đình Châu (khối Châu Trung, phường Cẩm Nam, chủ tàu cá QNa-93489 có công suất 120CV) liền đến UBND phường để đăng ký. “Khi nghe tin ngư dân được vay 95% vốn để đóng mới tàu vỏ thép mà chỉ phải trả 1% lãi suất, gia đình tôi rất phấn khởi.
Tôi liền đến UBND phường hỏi thủ tục vay vốn và đăng ký vay theo Nghị định 67 của Chính phủ. Đây là cơ hội hiếm có để gia đình tôi có thể sở hữu được một phương tiện khai thác hải sản hiện đại” - ông Châu nói.
Trong số 31 hồ sơ đăng ký đóng mới tàu cá của ngư dân trên địa bàn TP.Hội An, đến thời điểm này chỉ có 1 hồ sơ đăng ký đóng mới tàu vỏ thép thực hiện dịch vụ hậu cần trên biển. Đó là hồ sơ của ngư dân Nguyễn Mên (khối Phước Hòa, phường Cửa Đại).
“Gia đình tôi có truyền thống thu mua hải sản trên biển. “Nghề rỗi giúp chúng tôi chủ động được nguồn nguyên liệu hải sản. Điều này đem lại thuận lợi kép, thứ nhất là không bị tư thương ép giá, thứ hai giúp ngư dân địa phương tăng thời gian bám biển, giảm chi phí cập bờ.
Nếu được vay vốn đóng mới tàu vỏ thép thực hiện hậu cần trên biển, chúng tôi sẽ có điều kiện để nâng tầm sản xuất, vừa tăng thu nhập cho gia đình vừa gián tiếp hỗ trợ quá trình đánh bắt trên biển của ngư dân được thuận lợi hơn” - ông Mên nói.
Trong số 10 tàu cá được phân cấp đóng mới của TP.Hội An, phường Cửa Đại được phân bổ đến 5 chiếc, trong đó có 4 tàu khai thác và một tàu thực hiện hậu cần. Ông Lê Công Sỹ - Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết: “Sở hữu hơn 20 tàu khai thác xa bờ, mỗi năm sản lượng khai thác hải sản của ngư dân trên địa bàn đạt hơn 3.500 tấn, đem lại giá trị kinh tế tương đối cao.
Việc được phân bổ thêm 5 tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ là rất đáng kỳ vọng. Quan trọng nhất là có tàu hậu cần trên biển sẽ giúp ngư dân tăng hiệu quả mỗi chuyến biển, qua đó nâng tầm sản xuất của ngư dân”.
Chủ động triển khai
Ông Phạm Công Định - Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm Nam cho biết, phương tiện đánh bắt và sản lượng khai thác hải sản của ngư dân đều tăng trong thời gian gần đây là tín hiệu đáng mừng của ngành thủy sản địa phương. Được phân bổ một tàu vỏ thép tham gia sản xuất ở các vùng biển xa của Tổ quốc sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất cho ngư dân.
“Để góp phần đưa Nghị định 67 của Chính phủ vào thực tiễn đời sống của ngư dân, đến thời điểm này, phường đã phối hợp với Phòng Kinh tế TP.Hội An tổ chức tập huấn, giúp ngư dân nắm chắc những nội dung cụ thể của nghị định. Qua tập huấn, các mẫu tàu vỏ thép, các cơ sở đóng tàu vỏ thép được tham gia triển khai Nghị định 67 theo quy định của Chính phủ đều được ngư dân nắm chắc.
Các nguyên tắc tín dụng, thủ tục để được vay vốn của các ngân hàng thương mại cũng đã được ngư dân hiểu rõ. Bởi vậy, chúng tôi rất tin tưởng việc đóng tàu vỏ thép sẽ giúp ngư dân sản xuất hiệu quả hơn ở các ngư trường truyền thống” - ông Định nói.
Ông Huỳnh Viết Hùng, cán bộ phụ trách (Phòng Kinh tế TP.Hội An) khẳng định: “Các nội dung cơ bản của Nghị định 67 như chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá, chính sách cho vay vốn lưu động, nguyên tắc thực hiện tín dụng, tài sản thế chấp, chính sách bảo hiểm, chính sách ưu đãi thuế đều được thông tin cụ thể đến ngư dân qua 4 lớp tập huấn được tổ chức nghiêm túc trong thời gian qua.
Điều cơ bản nhất vào thời điểm này chỉ là các ngân hàng thương mại sẽ giải ngân giúp ngư dân thực hiện đóng mới tàu cá mà thôi”.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, rút kinh nghiệm từ thất bại của dự án đánh bắt xa bờ trước đây, thành phố đang triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện hiệu quả Nghị định 67. Theo đó, Hội An giao trách nhiệm cụ thể cho các địa phương ven biển rà soát tất cả nhu cầu đóng mới của ngư dân để gửi hồ sơ đến phòng Kinh tế TP.Hội An.
Phòng Kinh tế TP.Hội An sẽ tổng hợp và căn cứ vào các thông tư hướng dẫn triển khai nghị định để tham mưu thành phố “khung” lại các hồ sơ đạt yêu cầu. “Nghị định 67 là chìa khóa để mở nút thắt về vốn giúp ngư dân đóng tàu vỏ thép, tăng năng lực khai thác hải sản.
Đây là động lực để phát triển bền vững nghề cá, khai thác hiệu quả ngư trường truyền thống là Hoàng Sa và Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Những ngư dân có khát khao bám biển lớn, vạch rõ tính hiệu quả khi vay vốn đóng tàu cá sẽ là những nhân tố được thành phố xét nhận hỗ trợ vay vốn theo nghị định” - ông Dũng nói.
Có thể bạn quan tâm
Tại Đồng Tháp, sản phẩm nấm chủ lực là nấm rơm. Nhiều năm qua, nấm rơm đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, giúp nông dân tăng thu nhập. Với nhu cầu hiện tại của thị trường đối với các sản phẩm nấm mới (nấm bào ngư, nấm linh chi), hiện nhiều nông dân tiến tới trồng thử nghiệm các chủng loại này, bước đầu mang lại kết quả khả quan.
Như báo Gia Lai đã phản ánh, có 70 ha bắp của người dân xã Đông, huyện Kbang bị thiệt hại do trồng giống NK67, là sản phẩm của Công ty Syngenta Việt Nam. Vụ việc chưa giải quyết xong thì tại xã Lơ Ku không chỉ giống bắp NK67 mà giống NK66 là sản phẩm khác của Công ty này cũng gây nhiều thiệt hại cho nông dân.
Trong khi các cấp, ngành đang nỗ lực khống chế dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm thì hoạt động của các điểm dịch vụ tắm lợn vẫn diễn ra công khai dọc QL 1A, gây mất vệ sinh. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao này lại nằm ngoài vòng kiểm soát của cơ quan chức năng.
Đến nay, diện tích vườn đạt 18.538ha, trong đó vườn chuyên canh chiếm 14.312ha, vườn không chuyên 4.121ha, dừa 450ha, vườn tạp chỉ còn 105ha. Những tháng đầu năm sản lượng đã đạt 195.645 tấn, giá một số trái cây như sầu riêng, bưởi da xanh, vú sữa, sa pô… ổn định ở mức cao.
Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm khá lớn và chiếm tỷ lệ cao so với các địa phương khác trong cả nước. Trong khi đó, các hồ nuôi tôm chủ yếu đều sử dụng động cơ điện và tiêu tốn một lượng điện năng rất lớn. Trước thực trạng đó, được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Carbon Trust (Anh Quốc), Sở Công thương đã triển khai dự án "Tăng cường năng lực về lập kế hoạch năng lượng bền vững ở miền Trung" (CESEP) tại vùng nuôi tôm cao triều xã Quảng Công (Quảng Điền).