Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Động Lực Phát Triển Kinh Tế Vườn

Động Lực Phát Triển Kinh Tế Vườn
Ngày đăng: 29/12/2014

Phát huy tiềm năng, lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) đã và đang tập trung phát triển kinh tế vườn, xem đó là động lực để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập của người dân, làm tiền đề để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội.

Xác định phát triển kinh tế vườn là một trong những giải pháp nhằm nâng cao thu nhập của người dân, thời gian qua, huyện Châu Thành A đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế. Những năm gần đây, nhiều hộ còn thực hiện mô hình chuyên canh, xen canh trong các vườn cây để tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Châu Thành A, toàn huyện có khoảng 2.809 mô hình làm ăn có hiệu quả, trong đó có khoảng 120 mô hình thu nhập trên 150 triệu đồng trở lên. Ông Ngô Xuân Hiền, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành A, cho biết: Những mô hình kinh tế hiệu quả này đã góp phần trong việc cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Còn riêng đối với ngành nông nghiệp, những mô hình này là nơi để người dân trao đổi kinh nghiệm, góp phần động viên, khuyến khích cùng nhau sản xuất, nâng cao thu nhập. Đồng thời, giúp ngành nông nghiệp có cơ sở tổng hợp hiện trạng sản xuất, lập quy hoạch, tổ chức lại sản xuất cho sát với điều kiện thực tế của địa phương. Ngoài ra, những mô hình này còn góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập, thực hiện thành công mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Theo thống kê của huyện Châu Thành A, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 3.120ha đất vườn cây ăn trái các loại, phân bố rải rác hầu hết ở các địa phương trên địa bàn huyện. Do mấy năm gần đây, giá cả các loại cây ăn trái đang ở mức cao và ổn định nên nhiều hộ dân ở huyện đã phát triển mạnh kinh tế vườn và mang lại hiệu quả rõ rệt. Với 1ha đất trồng cam mật, trung bình mỗi năm, gia đình anh Lê Hồng Vương, ở ấp Láng Hầm A, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A cung ứng ra thị trường khoảng 30 tấn trái.
Anh Vương, cho hay: “Với diện tích ban đầu 3.000m2, sau một thời gian trồng thấy giá cam luôn ở mức cao và ổn định nên năm 2011, tui quyết định mở rộng vườn thêm 7.000m2 nữa. Mới vụ tháng 7 (âm lịch) vừa qua, tui thu hoạch khoảng 20 tấn trái, với giá bán 13.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lời gần 200 triệu đồng. Đó là chưa kể số lượng trái thu hoạch trái vụ”.
Theo anh Vương, thay vì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thì anh sản xuất theo hướng hàng hóa nên mỗi khi đến vụ thu hoạch, thương lái đến tận vườn thu mua. Không dừng lại ở đó, anh Vương còn nhận cung ứng giống cam mật ra thị trường với số lượng lớn.
Anh Vương chia sẻ: “So với các loại cam khác thì cam mật cho năng suất cao, thời gian sinh trưởng dài, càng về sau thì năng suất càng ổn định, tăng dần trong những năm tiếp theo. Với sự phát triển tốt như hiện nay, theo dự kiến thì trong năm tới, năng suất có thể lên đến khoảng 50 tấn trái. Trong năm tới, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích thêm khoảng 5 công nữa để trồng thêm cam mật”.
Là loại cây trồng bén rễ tại vùng đất này hơn mấy chục năm nay, xoài cát Hòa Lộc đã giúp nhiều hộ dân cải thiện kinh tế gia đình. Với kinh nghiệm 15 năm, anh Nguyễn Văn Dện, ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, cho biết: “Trồng và chăm sóc cây xoài rất khó, quan trọng là chế độ nước tưới, biết bệnh để phòng trị kịp thời. Để chủ động trong sản xuất, gia đình xử lý cho xoài rải vụ và chia thành 2 đợt trong năm.
Với 1ha xoài đang cho trái, dù thời tiết năm nay không thuận lợi nhưng với giá bán 35.000 đồng/kg (mua xô tại vườn), sau khi trừ chi phí, lợi nhuận cũng được khoảng 80 triệu đồng”.
Tuy nhiên, theo nhận định của ngành chức năng thì hiệu quả kinh tế vườn trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương, đa phần sản xuất còn mang tính riêng lẻ, còn xảy ra tình trạng trúng mùa mất giá.
Ông Ngô Xuân Hiền, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành A, cho biết thêm: Khó khăn nhất của nông dân hiện nay là dịch bệnh trên một số loại cây có múi đang có chiều hướng tăng vì diện tích trồng các loại cây đang phát triển mạnh. Vì vậy, để các mô hình phát triển theo hướng bền vững, trong thời gian tới, ngành sẽ đẩy mạnh công tác tập huấn cho người dân, cũng như giới thiệu rộng rãi các mô hình có hiệu quả để cho người dân biết.
Đồng thời, phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể huyện trong việc phát huy vai trò, vận động các hội viên, đoàn viên làm theo các mô hình kinh tế có hiệu quả. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện mô hình trình diễn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp người dân nâng cao năng suất, hạ giá thành sản xuất. Đồng thời, ngành nông nghiệp sẽ làm cầu nối để kêu gọi doanh nghiệp tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương…


Có thể bạn quan tâm

HTX Đồng Nguyên Mạ Không Chết Rét HTX Đồng Nguyên Mạ Không Chết Rét

Vụ đông xuân năm nay khuyến nông cơ sở đã khuyến cáo nông dân gieo mạ đúng kỹ thuật, làm vòm che phủ nilon cho 100% diện tích mạ gieo, đưa nước vào vừa đủ giữ chân ấm thân cây mạ, nhờ đó toàn bộ 150 mẫu mạ TL6 của Đồng Nguyên không diện tích nào bị chết rét.

12/07/2012
Thái Lan Đẩy Mạnh Xuất Khẩu Tôm Sạch Thái Lan Đẩy Mạnh Xuất Khẩu Tôm Sạch

Cơ quan đảm trách nghề tôm cá Thái Lan vừa hoàn tất kế hoạch chiến lược trong đó chú trọng áp dụng công nghệ kỹ thuật sạch trong nuôi trồng và sản xuất tôm cũng như các sản phẩm tôm có chất lượng để tăng cường xuất khẩu.

17/08/2011
Thịt Lợn 'Rớt' Giá Thê Thảm Thịt Lợn 'Rớt' Giá Thê Thảm

Thông tin thịt lợn nhiễm chất siêu nạc tạm lắng thì dịch lợn tai xanh lại bùng phát khiến mặt hàng này rớt giá thê thảm.

20/06/2012
Rầy Nâu, Bệnh Vàng Lùn – Lùn Xoắn Lá Hại Lúa Rầy Nâu, Bệnh Vàng Lùn – Lùn Xoắn Lá Hại Lúa

Theo kết quả theo dõi, rầy nâu trưởng thành vào đèn trên địa bàn TP đã ghi nhận từ đêm 09/08/2011 đến 14/08/2011 mật số rầy vào đèn khá cao, 12.460 con/bẫy/đêm ở Nhật Tân – Bình Chánh, bằng ½ cùng kỳ năm 2010 (24.600 con/bẫy/đêm)

23/08/2011
Mô Hình VAC Mới Thu Lãi Cao Mô Hình VAC Mới Thu Lãi Cao

Mặc dù đã bước qua tuổi 70, nhưng ông Lê Đình Xuân ở Khánh Hòa đã nghiên cứu và xây dựng được mô hình VAC (vườn, ao, chuồng) mới rất hiệu quả: Trồng xoài - thả cá - nuôi lợn rừng.

21/06/2012