Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đồng Hành Cùng Người Dân Vùng Khó

Đồng Hành Cùng Người Dân Vùng Khó
Ngày đăng: 11/11/2014

Sau hơn 5 năm triển khai, dự án biến đổi khí hậu (BĐKH) do Đại sứ quán Phần Lan tài trợ đã được Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (thuộc Trường Đại học Nông lâm Huế) triển khai có hiệu quả trên nhiều vùng đất bạc màu của tỉnh Quảng Trị. Từ dự án này, nhiều “vùng đất chết” ở hai huyện Hải Lăng và Triệu Phong đã từng bước hồi sinh và mở ra hướng làm giàu bền vững cho người dân.

Từ năm 2009, Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung đã triển khai giai đoạn 1 của dự án “Nâng cao năng lực thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu cho cộng đồng ở tỉnh Quảng Trị”. Bắt tay vào thực hiện dự án, cán bộ phụ trách đã cùng với người nông dân khảo sát các vùng đất cằn cỗi, bạc màu đang bỏ hoang vì không canh tác được.

Sau thời gian khảo sát, nghiên cứu, đánh giá và triển khai các giải pháp cải tạo đất, đưa vào sản xuất các loại giống cây trồng đã bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Những vùng đất hoang ở các xã Hải Quế, Triệu Vân, Triệu Giang đã được cải tạo để trồng ném, dưa quả, ớt, đậu đen xanh lòng… Sinh kế của người dân vì thế nhờ đó ngày càng được cải thiện.

Ông Nguyễn Trọng Quân, chủ nhóm hộ trồng ném biến đổi khí hậu thôn Kim Long cho biết: “Trước đây nghe trồng ném trên cát hoang này chúng tôi không tin tưởng sẽ thành công.

Tuy nhiên nhờ sự hỗ trợ về giống, phân bón và hướng dẫn phương pháp cải tạo đất, canh tác của cán bộ dự án mà bà con đã mạnh dạn làm và bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Ném trồng trên vùng cát cằn cỗi đạt năng suất, sản lượng và chất lượng không thua kém ở vùng đất thuần thục. Người dân chúng tôi ai cũng phấn khởi vì đã mở ra được hướng làm giàu mới trên vùng cát hoang hóa”.

Giai đoạn này của dự án đã thành công trong việc nâng cao năng lực, kiến thức cho người dân trong sản xuất nông nghiệp thích ứng BĐKH. Cùng với đó, dự án cũng đã triển khai xây dựng thành công một số mô hình điển hình như: Mô hình chăn nuôi lợn tránh lũ lụt, chăn nuôi gà quản lý dịch bệnh; trồng ném, ớt, đậu đen xanh lòng, dưa quả… trên cát bạc màu và mô hình xây nhà tránh bão. Đến nay, các mô hình này đã được nhân rộng không chỉ trong các xã dự án mà còn lan tỏa đến nhiều địa phương lân cận.

Sau thành công của dự án giai đoạn 1, từ năm 2012, giai đoạn 2 của dự án có tên là “Tăng cường khả năng thích ứng và giảm nhẹ BĐKH cho sản xuất nông nghiệp vùng cát tỉnh Quảng Trị” đã được triển khai. Đây là sự tiếp nối những kết quả đã đạt được nhằm tiếp tục các mục tiêu nhân rộng và xây dựng mới một số mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng và giảm nhẹ với BĐKH; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường cho cộng đồng hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững trong bối cảnh BĐKH; vận động và lồng ghép BĐKH vào chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp ở vùng cát.

Trong số các loại cây trồng do dự án hỗ trợ thì cây ném hiện nay là thành công hơn cả với năng suất và giá cả đều tăng cao. Nhiều hộ dân trồng ném ở xã Hải Quế cho biết đã có thu nhập cao từ cây ném gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Phấn chấn sau vụ ném “trúng kép”, ông Nguyễn Tý ở thôn Kim Long cho biết: “Năm nay ném được mùa. Thời điểm này giá ném cũng đang lên rất cao.

Ném cây có giá trên 50.000 đồng/kg, ném củ thì trên 200.000 đồng/kg nhưng cũng không có mà bán. Gia đình tôi trồng 2 sào, tính bình quân mỗi vụ thu hoạch cũng được trên 4 tạ ném nguyên cây, 200 kg ném hạt. Vụ này gia đình tôi thu được tổng cộng khoảng 60 triệu, trừ chi phí cũng còn được trên 30 triệu đồng. Có thể nói cây ném có hiệu quả kinh tế rất cao, đặc biệt đối với vùng cát như ở xã Hải Quế”.

Tại xã Triệu Vân, 65 hộ dân tham gia canh tác đậu đen xanh lòng đã được dự án hỗ trợ về nguồn giống, phân bón, tập huấn KHKT theo quy trình biến đổi khí hậu và đã mang lại hiệu quả cao.

Cùng với số hộ được dự án hỗ trợ, người dân tại địa phương đã mạnh dạn đầu tư trồng xen canh đậu đen xanh lòng trên một số diện tích hoa màu khác để nâng cao thu nhập. Hiện tại xã Triệu Vân đã có khoảng 70% số hộ có tham gia trồng đậu đen xanh lòng với bình quân từ 3-5 sào/hộ, có hộ trồng đến 9 sào.

Anh Hồ Thanh Minh, ở thôn 9, xã Triệu Vân làm 5 sào đậu đen xanh lòng phấn khởi nói: “Liên tiếp 3 năm trở lại đây cây đậu đen xanh lòng vừa trúng mùa vừa trúng giá nên bà con vui lắm.

Hiện tại, giá đậu đen xanh lòng đang dao động từ 32-35.000 đồng/kg, mỗi sào bình quân cho năng suất từ 90-100 kg, tính ra mỗi sào như vậy cho thu nhập trên 3 triệu đồng mà vụ trồng chỉ kéo dài chừng hơn 2 tháng, chi phí sản xuất lại thấp. Đầu ra của loại nông sản này hiện rất ổn, có bao nhiêu thương lái thu hết bấy nhiêu nên bà con rất phấn khởi”.

Ngoài những cây trồng chủ lực như ném, dưa quả, ớt, đậu đen xanh lòng đã mang lại hiệu quả cao và đã được nhân rộng theo hướng canh tác trái vụ thì hiện nay, dự án cũng đã đưa vào nghiên cứu sản xuất, bảo quản giống lạc thích ứng BĐKH. Kết quả của nghiên cứu nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nảy mầm từ đạt trên 90%. Nghiên cứu bảo quản giống lạc đã mở ra hướng sản xuất mới cho người dân vùng cát, đồng thời giúp người dân chủ động được nguồn giống tại chỗ.

Hoạt động nhân rộng mô hình thâm canh lạc trên đất cát có 103 hộ hưởng lợi với diện tích tổng cộng là 7 ha đã được thực hiện tại 2 xã Triệu Vân và Triệu Giang. Kết quả thu hoạch cho thấy năng suất lạc tại xã Triệu Vân là 100–110 kg/sào và xã Triệu Giang là 120-140 kg/sào. Cây lạc đã phát huy được thế mạnh ở vùng đất khô hạn chuyển đổi. Các kỹ thuật can thiệp để giúp lạc thích ứng với xu hướng biến đổi khí hậu tại các xã đã phát huy tác dụng.

Kết thúc giai đoạn 2, dự án cũng đã nhân rộng được mô hình trồng ném trên đất cát Hải Quế và ớt ở cả ba xã dự án (Triệu Giang, Triệu Vân và Hải Quế). Năng suất bình quân của ném củ là 100 kg/sào, ném cây là 100-120 kg/sào mang lại thu nhập 70 triệu đồng/ha.

Đối với mô hình trồng ớt, 198 hộ được dự án hỗ trợ nhân rộng mô hình thu hoạch cho năng suất đạt từ 750-1.000 kg/ sào. Giống ớt S20 và 2048 đưa vào thử nghiệm cây sinh trưởng và phát triển tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh và năng suất cao hơn giống ớt địa phương.

Từ việc thử nghiệm các mô hình và nhân rộng mô hình thâm canh thích ứng và giảm nhẹ BĐKH, thời gian qua dự án cũng đã tích cực giúp nông dân vùng dự án đưa nông sản tiếp cận với thị trường. Nhờ sự nỗ lực đó, vừa qua hai xã Hải Quế và Triệu Giang đã công bố nhãn hiệu sản phẩm ném và đậu đen xanh lòng.

Hai sản phẩm có nhãn mác này chính thức đưa vào sử dụng trên thị trường trong niềm vui phấn khởi của bà con nông dân và chính quyền địa phương. Việc xây dựng nhãn mác vừa có được sự tin cậy, yên tâm của người tiêu dùng khi được kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm vừa giúp cho nông sản dễ dàng tiếp cận với các thị trường tiềm năng như siêu thị và khắp cả nước.

Nguồn bài viết: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=87&modid=390&ItemID=88133


Có thể bạn quan tâm

Tạm Ngưng Cung Cấp Cá Tra Bố Mẹ Ra Thị Trường Tạm Ngưng Cung Cấp Cá Tra Bố Mẹ Ra Thị Trường

Do hiện nay cá tra tra giống tại ĐBSCL đang có xu hướng giảm nên trong thời gian tới Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 (RIA 2) sẽ tạm ngưng cung cấp cá tra giống bố mẹ ra thị trường và chưa cho biết thời gian khi nào cung cấp trở lại.

21/02/2013
Tập Huấn Kỹ Thuật Ương Nuôi Cá Chẽm (Lates Calcarifer) Ở Hậu Giang Tập Huấn Kỹ Thuật Ương Nuôi Cá Chẽm (Lates Calcarifer) Ở Hậu Giang

Ngày 19/02/2013, tại hội trường khu căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ thuộc ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang trong khuôn khổ thực hiện đề tài “Nghiên cứu phát triển kỹ thuật nuôi cá chẽm trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”. Khoa Thủy Sản - Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Chi cục Thủy sản Hậu Giang tổ chức buổi tập huấn “Kỹ thuật ương nuôi cá chẽm” cho hơn 30 cán bộ kỹ thuật và nông dân các xã Hỏa Tiến, Tân Tiến, Hỏa Lựu, Vĩnh Viễn A.

22/02/2013
Giá Cá Nước Ngọt Bán Tại Ao, Hồ Cao Ở Đồng Nai Giá Cá Nước Ngọt Bán Tại Ao, Hồ Cao Ở Đồng Nai

Một số nông dân tại các vùng nuôi cá nước ngọt lớn thuộc TP. Biên Hòa, các huyện Định Quán và Trảng Bom cho hay, giá cá nước ngọt, như: chép, điêu hồng, lóc, rô đồng bán tại bè, ao, hồ đang giữ khá cao. Cụ thể, cá chép khoảng 45 - 46 ngàn đồng/kg, điêu hồng 40 - 42 ngàn đồng/kg, rô đồng từ 35 - 36 ngàn đồng/kg…

23/02/2013
Chăn Nuôi Bò Sữa Làm Giàu Cho Nông Dân Chăn Nuôi Bò Sữa Làm Giàu Cho Nông Dân

Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, nghề chăn nuôi bò sữa đang phát triển mạnh ở một số huyện và trở thành nghề làm giàu cho một bộ phận người dân ngoại thành Hà Nội. Tổng đàn bò sữa của toàn thành phố hiện có 10.868 con với sản lượng sữa đạt 92,6 tấn/ngày.

24/02/2013
Giá Cá Tra Tăng Trở Lại Giá Cá Tra Tăng Trở Lại

Sau Tết Nguyên đán, giá cá tra để chế biến xuất khẩu tại ĐBSCL có chiều hướng tăng nhẹ trở lại. Các doanh nghiệp cho rằng giá cá tra tăng, một phần là do nguồn cá đang dần khan hiếm do nhiều người nuôi tại khu vực này đã “treo ao”.

25/02/2013