Dồn Vốn Vào Nông - Ngư Nghiệp
Các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng đang dồn sức tăng trưởng tín dụng tại các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là nông nghiệp, ngư nghiệp…
Ưu đãi với nông nghiệp công nghệ cao
Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức triển khai cho vay thí điểm đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đối tượng vay vốn là các doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết trong sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp; các doanh nghiệp được Bộ NNPTNT cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các hộ nông dân, hợp tác xã đại diện cho nông dân thực hiện ký kết hợp đồng liên kết theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ NNPTNT phê duyệt gắn với các dự án liên kết cụ thể.
Lãi suất cho vay tối đa đối với các dự án vay là 7%/năm đối với ngắn hạn, trung hạn là 10%/năm và dài hạn là 10,5%/năm. Mức cho vay do ngân hàng thương mại và khách hàng thỏa thuận trên cơ sở nhu cầu vay vốn đã được UBND tỉnh, thành phố đề xuất nhưng tối đa bằng 70% giá trị của phương án, dự án vay vốn phục vụ cho các mô hình sản xuất. Thời gian thực hiện cho vay thí điểm là 2 năm.
Thêm hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp
Để giúp ngư dân thực hiện mục tiêu đóng tàu vỏ sắt trọng tải lớn, công suất lớn, đáp ứng hoạt động vươn xa khai thác thuỷ sản dài ngày của ngư dân, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã công bố dự kiến dành nguồn vốn với tổng trị giá 3.000 tỷ đồng.
BIDV đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có chính sách đặc biệt hỗ trợ vốn triển khai thực hiện mô hình Cảng dịch vụ nghề cá trên biển, cho vay đóng mới hệ thống tàu trọng tải lớn cung cấp dịch vụ trên biển cho các tàu cá đánh bắt xa bờ như cung cấp xăng dầu, lương thực, y tế…
Tính từ đầu năm đến cuối tháng 4.2014, tín dụng nông nghiệp tăng 2%. Nợ xấu trong lĩnh vực này là 2,83%.
Theo giải thích của lãnh đạo BIDV, chính sách đầu tư, nâng cấp các cơ sở đóng tàu hiện hữu, cải tạo cơ sở hạ tầng của hệ thống thiết bị đóng tàu tại các cảng biển, các vùng ven biển... vừa khơi dậy một trong những nghề truyền thống của cha ông tại các vùng biển có từ xưa, vừa hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị cho ngư dân trong hoạt động đánh bắt thuỷ hải sản.
Hiện nay các cơ sở sửa chữa tàu thuyền đã và đang hoạt động song chưa được đầu tư tốt. Nếu đầu tư nâng cấp năng lực cho các công ty này sẽ góp phần hỗ trợ ngư dân mỗi khi tàu bị hỏng hoặc cần sửa chữa... Trong chuỗi hỗ trợ nông dân, thực hiện chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP, Agribank chi nhánh An Giang và chi nhánh Nhà Bè đã ký kết hợp đồng nguyên tắc cấp tín dụng trị giá hơn 331 tỷ đồng cho 3 doanh nghiệp.
Sáng 2.6, trả lời báo chí về gói hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ đóng mới và cải hoán tàu cá, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước cùng với các ngân hàng thương mại có thể dành nguồn vốn cỡ khoảng 10.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay đến ngư dân từ phía ngân hàng là 5%; Chính phủ sẽ hỗ trợ thêm 2%, nghĩa là ngư dân chỉ phải trả 3%.
Khuyến khích chính quyền địa phương các cấp, từ nguồn ngân sách của địa phương có thể hỗ trợ cho ngư dân của tỉnh một số phần trăm nữa để tạo thêm điều kiện cho ngư dân. Điểm đặc biệt của Dự thảo này là tất cả các con tàu đóng mới đều được bảo hiểm và Chính phủ sẽ hỗ trợ ngư dân 70% chi phí bảo hiểm. “Thời hạn cho vay sẽ tiến hành trong khoảng từ 10-15 năm. Chúng tôi cho rằng, thời hạn này là đủ để hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi bám biển” - ông Bình nói.
Cũng theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NNPTNT chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ về gói ưu tiên này. Về phía Ngân hàng Nhà nước, nguồn tiền đã sẵn sàng và có thể giải ngân bất cứ khi nào khi có đầy đủ cơ sở pháp lý của Chính phủ.
Có thể bạn quan tâm
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, hiện nay lúa trà sớm đã chín sữa, trà trung trỗ - chín sữa, trà muộn làm đòng - trỗ bông. Bọ rầy đang phát sinh gây hại với mật độ trung bình 200 - 300 con/m2, cao 700 - 1.000 con/m2, ổ cục bộ 2.000 - 3.000 con/m2.
Thông tư quy định rõ biện pháp xử lý đối với các mẫu thủy sản nuôi phát hiện dư lượng vượt giới hạn tối đa cho phép. Cụ thể, nếu phát hiện tại thời điểm chuẩn bị hoặc đang thu hoạch, cơ quan giám sát có văn bản tạm đình chỉ thu hoạch, xác định nguyên nhân và yêu cầu cơ sở thực hiện biện pháp khắc phục.
Mặc dù vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã sản xuất được nhiều loại giống lúa gắn mác chất lượng cao, song thu nhập của người trồng lúa vẫn rất thấp. Nguyên nhân được nhìn nhận ban đầu là do khâu sản xuất giống, thu mua và xuất khẩu còn nhiều bất cập.
Bọ xít đen (Black rice bug) là loại dịch hại ít quan trọng ở Việt Nam. Theo ghi nhận, bọ xít đen đơi khi xuất hiện và gây hại trong vụ HT vào giai đoạn lúa đẻ nhánh đến làm đòng.
Hầu hết địa phương đã cấp phép ồ ạt, hoặc làm ngơ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hàng loạt cơ sở chế biến ngay trên vùng nguyên liệu mà doanh nghiệp có trước đã đầu tư và quản lý theo hệ thống, dẫn đến tổng công suất chế biến cao hơn nhiều lần so với khả năng cung ứng nguyên liệu.