Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Dồn Sức Cho Vụ Lúa Đông Xuân

Dồn Sức Cho Vụ Lúa Đông Xuân
Ngày đăng: 28/11/2014

Cùng với các địa phương khác trong tỉnh, hiện nay, tại một số cánh đồng trên địa bàn huyện Long Mỹ, bà con nông dân đang tất bật bơm nước, ngâm ủ giống để chuẩn bị xuống giống vụ lúa Đông xuân 2014-2015.

Theo kế hoạch, vụ Đông xuân năm nay, huyện Long Mỹ sẽ xuống giống 27.000ha, tương đương với cùng kỳ. Lịch thời vụ được chia làm 3 đợt: Đợt 1: từ ngày 27-11 đến 4-12 (nhằm ngày 6 đến 13-10 âm lịch); đợt 2: từ ngày 24 đến 31-12 (nhằm ngày 3 đến 10-11 âm lịch); đợt 3: từ ngày 16 đến 23-1-2015 (nhằm ngày 26-11 đến 4-12 âm lịch).

Dự kiến, trong đợt 1 sẽ xuống giống khoảng 13.200ha, chiếm gần 50% diện tích toàn huyện. Các địa phương tập trung gieo sạ trong đợt 1 bao gồm: thị trấn Long Mỹ, Long Bình, Long Trị, Thuận Hưng, Thuận Hòa, Xà Phiên, Vĩnh Thuận Đông,…

Trưởng phòng Kinh tế huyện Long Mỹ Lê Hoàng Thái cho biết: Là một trong những địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn nhất của tỉnh, chính vì thế, chính quyền địa phương cùng bà con nông dân trên địa bàn huyện đang tập trung dồn sức chuẩn bị từ khâu chọn giống, làm đất để xuống giống đạt hiệu quả cao nhất.

Vào thời điểm này, tại những khu vực quy hoạch cánh đồng lớn và một số nơi có hệ thống đê bao khép kín, trạm bơm kiên cố trên địa bàn huyện Long Mỹ, người dân đang chủ động trong khâu bơm tát, cải tạo đất để tiến hành gieo sạ đúng lịch thời vụ (đợt 1) của ngành nông nghiệp huyện.

Ông Hồ Minh Sơn, người quản lý 3 trạm bơm nước thuộc Hợp tác xã (HTX) Thuận Tiến, ở ấp Bình Thuận, xã Long Bình, cho biết: “Khi có lịch thời vụ của ngành nông nghiệp và thấy nước lũ đang rút dần nên chúng tôi đã họp dân và quyết định bơm nước kể từ ngày 22-11 vừa qua, nếu so với cùng kỳ thì năm nay bơm sớm hơn khoảng 20 ngày. Do nước năm nay ít nên dự kiến mỗi cánh đồng khoảng 100ha sẽ bơm khoảng 5-6 ngày là bà con có thể gieo sạ được”.

Hiện tại, 3 trạm bơm do HTX Thuận Tiến quản lý đều đã tiến hành bơm nước, với diện tích 300ha, ở các ấp Bình Hòa, Bình Hiếu, Bình An và Bình Thạnh của xã Long Bình. Song song với các trạm bơm đi vào hoạt động, hiện bà con nông dân cũng đang tranh thủ vệ sinh đồng ruộng kỹ lưỡng để chuẩn bị xuống giống.

Đang chỉnh sửa mặt ruộng cho bằng phẳng, ông Lê Văn Vũ, ở ấp Bình Hòa, xã Long Bình, cho hay: “Tranh thủ thời tiết thuận lợi, hiện người dân nơi đây đang tập trung nhân lực xuống đồng dọn đất để gieo sạ lúa. Theo kinh nghiệm sản xuất lúa nhiều năm qua của bản thân, do lũ năm nay ít, lượng phù sa bồi đắp cho đồng ruộng không nhiều, tạp chất vẫn còn tồn tại trong môi trường, do vậy, nông dân trồng lúa cần chủ động hơn trong khâu vệ sinh đồng ruộng, nhất là phải kỹ trong việc xử lý rơm rạ. Nếu không làm kỹ sẽ dễ bị ngộ độc hữu cơ, ảnh hưởng đến vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm”. 

Bên cạnh công tác vệ sinh đồng ruộng, việc chọn giống lúa canh tác trong vụ này cũng được ngành chức năng và bà con nông dân đặc biệt quan tâm. Theo đó, ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp huyện đã chủ động khuyến cáo người dân sử dụng các giống lúa cấp xác nhận, giống lúa chất lượng cao như OM 5451, OM 6976, OM 4900, OM 7347…

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên ý thức của người dân về sử dụng giống lúa chất lượng ngày một nâng lên. Qua điều tra nắm tình tình trong dân, hiện lượng giống mà bà con đang có sẽ đảm bảo nhu cầu sản xuất trong vụ này, đặc biệt tỷ lệ sử dụng giống cấp xác nhận đạt trên 84%, tăng 4% so với cùng kỳ.

Đang gieo sạ 7 công lúa của gia đình, ông Phạm Thanh Thương, ở ấp 5, thị trấn Long Mỹ, chia sẻ: “Nhiều năm qua, gia đình tôi không lấy lúa hàng hóa để làm giống mà chuyển sang sử dụng giống cấp xác nhận. Tuy giá có cao gấp đôi nhưng an tâm về chất lượng và hiệu quả mang lại sau này”.

Về cơ cấu giống, nông dân trong huyện chủ yếu chọn một số giống có phẩm chất gạo tốt, dễ xuất khẩu để gieo sạ như: OM 5451, OM 4900 và OM 6976, trong đó, giống OM 5451 chiếm gần 60%, riêng giống IR 50404 chỉ khoảng 4%. Tuy nhiên, việc nông dân cùng sử dụng một giống lúa trong canh tác với diện tích lớn sẽ ít nhiều gây lo lắng cho ngành chức năng. Bởi, theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt, mỗi địa phương không nên sử dụng quá 30% cùng một loại giống trên địa bàn, vì khi có phát sinh dịch bệnh sẽ rất khó phòng trừ.

Phó Trạm Bảo vệ thực vật huyện Long Mỹ Võ Kim Phượng cho hay: Trong những vụ lúa qua, do giống OM 5451 dễ canh tác, năng suất cao và dễ tiêu thụ nên nông dân rất chuộng, từ đó diện tích sử dụng giống này để gieo sạ không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, hiện ngành nông nghiệp huyện đang vận động người dân không nên trồng một loại giống vì sẽ gây ra tình trạng mất cân bằng sinh thái, dễ phát sinh dịch bệnh và khi có bệnh thì khó phòng trừ.

Do đó, bà con nên sử dụng thêm một số giống khác theo khuyến cáo của ngành như: OM 4900 hay OM 6976 nhằm đạt hiệu quả trong sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ.

Ông Lê Hoàng Thái, Trưởng phòng Kinh tế huyện Long Mỹ, cho biết thêm: Để đảm bảo vụ lúa Đông xuân năm nay đạt thắng lợi theo kế hoạch đề ra, ngay từ đầu vụ, ngành chuyên môn đã có sự phối kết hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trong việc cử cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn để cùng nông dân ra đồng, vận động đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp từ khâu gieo sạ đến thu hoạch nhằm làm giảm chi phí, tăng năng suất, mang lại một vụ mùa bội thu cho bà con nông dân.

Ngoài ra, để bảo vệ diện tích lúa Đông xuân, ngành nông nghiệp huyện cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con gieo sạ đúng lịch thời vụ, tuân thủ quy trình “3 giảm, 3 tăng” và nguyên tắc “4 đúng” khi sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Để phòng tránh rầy nâu, đạo ôn, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, ngành vận động người dân thăm đồng thường xuyên, theo dõi bẫy đèn để kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý khi có dịch bệnh xảy ra.

Nguồn bài viết: http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE183237/Don_suc_cho_vu_lua_Dong_xuan.aspx


Có thể bạn quan tâm

Cá Ngựa Tiếp Tục Được Nghiên Cứu Để Cho Ra Dòng Cá F2 Cá Ngựa Tiếp Tục Được Nghiên Cứu Để Cho Ra Dòng Cá F2

Thông tin mới trong quá trình nghiên cứu cá ngựa của nhóm các nhà khoa học phòng Công nghệ nuôi trồng - Viện Hải dương học tại Nha Trang. Cá ngựa đang được tiếp tục nghiên cứu thay đổi màu sắc và lấy thế hệ cá F1 cho ra dòng cá F2. Điều này sẽ hạn chế tối đa việc khai thác cá ngoài tự nhiên.

02/06/2014
Huyện Cái Nước Có Hơn 850 Ha Tôm Nuôi Bị Thiệt Hại Huyện Cái Nước Có Hơn 850 Ha Tôm Nuôi Bị Thiệt Hại

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Cái Nước có hơn 850 ha tôm nuôi bị thiệt hại; trong đó tôm nuôi quảng canh truyền thống 420 ha, quảng canh cải tiến 335 ha và tôm công nghiệp trên 120 ha.

13/05/2014
Đồng Tháp Hội Thảo Mô Hình Nuôi Vịt Thịt An Toàn Sinh Học Đồng Tháp Hội Thảo Mô Hình Nuôi Vịt Thịt An Toàn Sinh Học

Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Đồng Tháp thực hiện mô hình chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học gắn với tiêu thụ. Mô hình nuôi 14.000 con vịt thịt với tổng kinh phí thực hiện trên 385 triệu đồng tại các huyện Cao Lãnh, Tam Nông và Tháp Mười do 19 hộ dân thực hiện.

02/06/2014
Hiệu Quả Của Mô Hình Nuôi Hà Treo Dây Ở Hoàng Tân Hiệu Quả Của Mô Hình Nuôi Hà Treo Dây Ở Hoàng Tân

Trong thời gian qua, nuôi hà treo dây đã trở thành một trong những thế mạnh đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Hoàng Tân (TX Quảng Yên - Quảng Ninh).

14/05/2014
Lai Vung (Đồng Tháp) Được Bao Tiêu Sản Phẩm Nhưng Dưa Lê, Đậu Bắp Nhật Giảm Diện Tích Lai Vung (Đồng Tháp) Được Bao Tiêu Sản Phẩm Nhưng Dưa Lê, Đậu Bắp Nhật Giảm Diện Tích

Dưa lê, đậu bắp Nhật ở xã Tân Hoà, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đang tiếp tục được các công ty bao tiêu sản phẩm, giá cả ổn định. Tuy nhiên, vụ hè thu 2014, diện tích 2 loại hoa màu này đã giảm so trước đây. Cụ thể dưa lê chỉ có 12ha, giảm 20ha so vụ dưa lê Tết 2014; đậu bắp từ đầu năm đến nay xuống giống 22ha, giảm 50% so cùng kỳ năm 2013.

02/06/2014