Dọn đường xuất khẩu nhãn chín muộn sang Mỹ
Là một trong bốn loại cây ăn quả chủ lực nằm trong đề án phát triển cây ăn quả đặc sản của Hà Nội, nhãn chín muộn là đặc sản của đất Hà thành, giúp nông dân vươn lên làm giàu. Đặc biệt, từ khi vải, nhãn Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, Hà Nội đang chuẩn bị các bước cần thiết để xuất khẩu nhãn chín muộn sang thị trường này.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, nhãn chín muộn là loại cây ăn quả trồng trong vườn nhà dân, lâu nay phục vụ nhu cầu thị trường Hà Nội. Với hương vị thơm ngon, giòn ngọt, cùi dày, quả lại to đẹp nên giá trị kinh tế khá cao. Từ những ưu điểm đó, khi xây dựng đề án phát triển cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao, Hà Nội đã chọn nhãn chín muộn là một trong những loại quả chủ chốt.
Năm 2011, Sở NN&PTNT giao Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội rà soát, quy hoạch vùng sản xuất nhãn chín muộn tập trung dọc vùng bãi Sông Đáy, chủ yếu ở xã Đại Thành (Quốc Oai) và An Thượng (Hoài Đức), sau đó nhân rộng ra địa phương lân cận. Đến nay, toàn thành phố có trên 120ha nhãn chín muộn trồng tập trung, trong đó, khoảng 20ha đã được cấp giấy chứng nhận VietGap.
Theo Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh nhãn chín muộn Hoài Đức Triệu Tiến Ích, đến nay, 60 hội viên Hội Sản xuất và Kinh doanh nhãn chín muộn Hoài Đức trồng 50ha nhãn muộn, mỗi năm cho thu hoạch 300 - 400 tấn. Hiện hầu hết diện tích do Hội quản lý được Sở NN&PTNT hỗ trợ, sản xuất theo quy trình VietGap, bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.
Năm 2014, huyện Hoài Đức xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể "Nhãn chín muộn Hoài Đức". Đến nay, huyện đã được công nhận 2 mã vùng chỉ dẫn địa lý, nhận diện sản phẩm nhãn chín muộn ở xã Song Phương và An Thượng. Đây là thuận lợi cho cây trồng đặc sản này hội tụ các yếu tố để tiếp cận vươn tới các thị trường nhập khẩu khó tính.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, được sự hỗ trợ của thành phố, Hội Sản xuất và Kinh doanh nhãn chín muộn Hoài Đức đã đưa nhãn chín muộn vào tỉnh Bình Dương chiếu xạ để bảo đảm đủ điều kiện xuất sang Mỹ. Hiện giá nhãn chín muộn bán tại vườn là 30.000 - 45.000 đồng/kg, nếu tiếp cận thành công thị trường Mỹ, giá bán có thể cao gấp 9 - 10 lần. Dự kiến đầu tháng 9, các vườn trồng nhãn chín muộn trên địa bàn thành phố đồng loạt thu hoạch, dự kiến năng suất 12 - 15 tấn/ha.
Đầu ra của quả nhãn muộn khá thuận lợi vì không bị cạnh tranh so với nhãn chính vụ và thương lái tìm đến tận vườn để thu mua. Để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm quả nhãn chín muộn, các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp tích cực với các hộ trồng nhãn, doanh nghiệp, siêu thị để từng bước tạo dựng thị trường ổn định, đồng thời tiến hành các hoạt động xúc tiến xuất khẩu.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ, khi nhãn chín muộn Hà Nội đủ các điều kiện để xuất sang Mỹ, thành phố tập trung phân vùng để có lượng hàng ổn định xuất khẩu. Muốn vậy, phải tuân theo những quy trình gắt gao, sản xuất nhãn muộn hướng tới ứng dụng khoa học công nghệ cao, hình thành vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa trên quy mô lớn.
Có thể bạn quan tâm
Ở các nước phát triển, nông dân thường dùng những chậu cá nhỏ, bể nuôi, hoặc hồ nuôi cá để vận dụng làm mô hình sản xuất rau theo phương pháp thủy canh.
Cùng với trồng trọt, huyện Tam Nông đã và đang tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng giá trị, hiệu quả, tập trung ở các hộ có điều kiện về mặt bằng, đầu tư vốn, ứng dụng kỹ thuật giống, thức ăn, phòng trị bệnh. Theo số liệu điều tra đầu năm 2013 toàn huyện có trên 213.100 con trâu, bò giảm gần 30% so với năm 2008; đàn lợn 30 ngàn con, tăng gần 1.900 con; đàn gia cầm có 780 ngàn con, tăng gần 150 ngàn con.
Thời gian gần đây người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, giá nguyên liệu đầu vào tăng trong khi giá các sản phẩm chăn nuôi giảm. Trung tâm Giống vật nuôi Phú Thọ đã có nhiều giải pháp thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng sản xuất giống vật nuôi, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp người chăn nuôi giảm bớt khó khăn.
Sản phẩm gạo Ngọc Trân Điện Bàn do Công ty CP Tập đoàn Điện Bàn chế biến và cung ứng vừa được chào bán ra thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng.
Trước tình hình trên, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành đã hướng dẫn một số biện pháp phòng trừ sâu bệnh ở cuối vụ hè thu. Theo đó, đối với rầy nâu, rầy lưng trắng, nông dân cần thường xuyên thăm đồng vạch gốc lúa và quan sát kỹ trên từng đám ruộng.