Đổi mới công nghệ để tăng sức cạnh tranh cho nông sản
Mấu chốt để giải quyết vấn đề này không gì khác ngoài đẩy nhanh công nghệ cao vào sản xuất.
Theo nghiên cứu, khoa học nông lâm Việt Nam mới chỉ đóng góp 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp, thấp hơn nhiều so mức 80 - 90% của các nước phát triển.
Với tỷ lệ cống hiến của khoa học nông nghiệp chỉ tăng 1%/năm, sau 50 năm nữa, nông nghiệp Việt Nam mới đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới.
Cạnh tranh yếu vì… manh mún
Khảo sát tại các siêu thị và các cửa hàng bán lẻ, không ít người tiêu dùng Việt chấp nhận sử dụng hoa quả ngoại với giá "cắt cổ".
Nguyên nhân vì niềm tin người tiêu dùng đang nghiêng về phía hoa quả ngoại. Các loại hoa quả nội có giá "bèo" bị thờ ơ, còn các loại trái cây ngoại giá cao lại được quan tâm.
Điển hình như trái na Việt đang vào mùa, có giá chỉ trên dưới 20.000 đồng/kg, vẫn ế dài. Còn na Thái có giá trên 100.000 đồng/kg lại "cháy hàng".
Tình trạng này không chỉ xảy ra với các loại hoa quả đặc thù của nước ngoài, mà ngay cả các loại trái cây có thế mạnh của Việt Nam như: xoài, chuối, chôm chôm, thanh long… cũng tương tự và đang được nhập khẩu với số lượng lớn, giá bán cao.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã chi ra hơn 250 triệu USD để nhập khẩu rau quả (tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2014). Trong đó có hơn 4 triệu tấn ngô, một loại lương thực có thế mạnh truyền thống của Việt Nam.
Phải đẩy nhanh công nghệ cao vào sản xuất
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến hoa quả nội "lép vế" hàng ngoại: Vì chất lượng hoa quả ngoại tốt, vì hội nhập, thuế giảm, khiến giá cả trái cây ngoại nhập phù hợp hơn…
Nhưng quan trọng nhất, vẫn là vì công nghệ sản xuất lạc hậu, khiến sức cạnh tranh của nông sản Việt yếu.
Gs.Ts. Bùi Trí Bửu - chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, cho rằng:
"Hội nhập càng sâu, rộng thì nông sản Việt càng chịu nhiều sức ép của cạnh tranh. Vì vậy, Khoa học & Công nghệ sẽ đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Công nghệ cao sẽ là đòn bẩy cho sức cạnh tranh của nông sản Việt".
Thực tế này đòi hỏi cả "4 nhà" (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông và nhà khoa học) cần có những giải pháp để nâng cao hiệu quả ứng dụng Khoa học & Công nghệ vào sản xuất nông sản.
Nâng công nghệ, tăng cạnh tranh
Ts. Trần Ngọc Hùng - Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học - Viện nghiên cứu Rau quả Việt Nam, cho biết: "Việc nâng cao công nghệ chế biến giúp giá trị nông sản tăng lên nhiều lần. Ví dụ với khoai lang, nếu bán thô có giá trên dưới 5.000 đồng/kg thì sau khi ép thành nước uống, giá trị tăng gấp 7 - 10 lần". "
Ngoài ra, các công nghệ cao như: sử dụng màng bao sinh học, tinh dầu tự nhiên, các phương pháp vật lý (xông hơi, điều chỉnh độ ẩm…), giúp bảo quản các loại hoa quả (như vải, cam, nhãn…) có thể tươi lâu đến 4 tháng", ông Hùng, tiếp tục.
Nhưng theo các nhà khoa học, nghiên cứu có nhiều, nhưng để có lợi, phù hợp với thực tế, đến được với người nông dân còn ít, bởi nhiều lý do như: nhân lực, kinh phí, giải pháp, thời gian…
"Sở dĩ các công nghệ chưa đến được với người dân, là vì các nghiên cứu khoa học còn xa vời, không phù hợp thực tế sản xuất. Thêm nữa, là vì kinh tế người dân còn quá khó khăn, không đủ khả năng tiếp cận công nghệ cao. Điều này cần nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ từ phía Nhà nước, các bộ, ngành liên quan", Ts. Đặng Văn Đông, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Rau quả, cho hay.
Đứng trước đòi hỏi về nâng cao công nghệ để tăng sức cạnh tranh cho nông sản, Việt Nam đã lên kế hoạch xây dựng 10 khu công nghiệp công nghệ cao, dựa vào đặc điểm, lợi thế của từng vùng.
Điển hình như: các vùng cà phê công nghệ cao tại Tây Nguyên, Tây Bắc, Bắc Trung bộ; vùng thanh long tại Bình Thuận; các vùng rau tại Hà Nội, Hải Phòng, Tp.HCM, Lâm Đồng…
Giá trị hàng hóa không chỉ phụ thuộc vào công nghệ, chất lượng sản phẩm. Mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố như: thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ…
Nhưng rõ ràng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp có một vai trò hết sức quan trọng để nông sản Việt không còn "vô danh" trên bản đồ nông sản thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Tháng 12-2014, từ nguồn vốn của Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo thuộc các thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ninh, 17 hộ nghèo, cận nghèo ở thôn Hồng Phong, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên được hỗ trợ 5 con lợn giống/hộ (tương đương 6 triệu đồng) để phát triển sản xuất. Đến nay, mô hình đã cho thấy những kết quả đáng khích lệ, có 8 hộ nghèo đăng ký thoát nghèo vào cuối năm nay.
Sau một thời gian du nhập vào Việt Nam, không chỉ được nuôi nhốt tại các vườn thú phục vụ nhu cầu tham quan, chăn nuôi đà điểu đã trở thành một nghề mang lại thu nhập khá cho nhiều trang trại và nông hộ.
Nắng nóng kéo dài, người chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang hết sức lo lắng bởi tình trạng khô hạn ở các ao đầm, suy giảm tốc độ tăng trọng và nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Sáng 24/6, tại xã Ea Trol (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), Trung tâm Dạy nghề hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) đã tổ chức khai giảng lớp nghề nuôi và phòng trị bệnh trâu bò cho 31 nông dân trên địa bàn xã.
Hiện nay, do nắng nóng kéo dài, một số địa phương lại xuất hiện mưa dông nên nhiều vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên vẫn bất ổn. Tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi diễn biến phức tạp khiến người nuôi không an tâm.