Đổi Đời Nhờ… Mạng
Thông qua CLB internet nông dân, nhiều nông dân tỉnh nhà đã tìm được hướng phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Từ những nông dân quanh năm quanh quẩn bên ruộng đồng, họ đã tiếp cận được với nhiều kiến thức mới chỉ qua một cú nhấp chuột…
Từ phụ hồ trở thành ông chủ trại nấm
Áo thôi ướt đẫm mồ hôi, chân tay cũng không còn bị xi măng bám chặt, ông Bùi Văn Hoàng, ở thôn 1, xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) hiện nay chỉ cần bỏ ra khoảng 1 giờ mỗi ngày để thu hoạch nấm bào ngư. Cười tươi rói bên trại nấm bào ngư và nấm linh chi đang đến kỳ thu hoạch, ông Hoàng bộc bạch: “Trước làm phụ hồ, cả ngày vất vả mà thu nhập chỉ khoảng 200 nghìn. Còn giờ, mới nửa tháng thu nấm sò, tôi đã bỏ túi 6 triệu đồng”.
50 tuổi, ông Hoàng gắn với nghề phụ hồ ngót nghét mấy chục năm. Những tưởng, cái nghề nặng nhọc đó sẽ theo ông cho đến khi con cái học xong đại học. Nhưng rồi, qua một lần đến với CLB internet nông dân xã Nghĩa Dõng, được cán bộ Hội giới thiệu cách tìm kiếm mô hình mới trên mạng internet, cuộc đời ông Hoàng đã rẽ hướng. “Nhiều lần muốn chuyển đổi nghề, mà không biết phải làm gì, làm ở đâu. May mà được cán bộ Hội hướng dẫn cách lên mạng, tìm mô hình. Và tôi ấn tượng ngay với mô hình trồng nấm linh chi, nấm sò”, ông Hoàng chia sẻ lý do đổi nghề.
Đầu năm 2013, sau khi gom góp được 10 triệu đồng, ông khăn gói ra Yên Mô, Ninh Bình- địa chỉ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn mà ông tìm được trên internet để học nghề. Kết thúc khóa học 3 tháng, ông Hoàng quay trở về quê, đầu tư trang trại, bắt tay vào việc trồng nấm. Hiện giờ, trại nấm linh chi của ông đã cho thu hoạch lứa đầu tiên, giúp ông có được gần 40 triệu đồng. Trại nấm bào ngư, loại nấm được ông trồng thêm để “lấy ngắn, nuôi dài” cũng mang về cho ông 25-30kg nấm mỗi ngày.
Học cách làm giàu từ internet
Hào hứng chia sẻ những gương nông dân đã tìm được hướng đi nhờ biết cách chọn lọc, tìm kiếm thông tin trên mạng, ông Trương Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Dõng cho biết: “Đâu chỉ riêng anh Hoàng, mà cả chục hộ dân ở xóm Làng Cầu của xã, cũng nhờ học từ internet mà phất lên”.
Xóm Làng Cầu là một xóm thuần nông và được mệnh danh là “ốc đảo” khi con đường độc đạo để ra đến trung tâm xã thường xuyên bị lầy lội, ngập nước. Chính vì lẽ đó, chuyện vận động được người dân bỏ dở việc đồng áng, lặn lội đến CLB internet nông dân không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng rồi, thông qua các cuộc gặp mặt nông dân sản xuất giỏi, Hội Nông dân xã Nghĩa Dõng đã khéo léo lồng ghép, giới thiệu tường tận cách sử dụng internet để tìm kiếm thông tin về khoa học kỹ thuật, mô hình kinh tế mới đến bà con nông dân.
Ông Lương Dễ, một nông dân sản xuất giỏi của xóm Làng Cầu, thông qua CLB Internet nông dân đã lựa chọn in ấn tài liệu về nuôi bò vỗ béo để áp dụng. Được mệnh danh là một “chiến sĩ nông dân” tuổi 60 với thành tích sản xuất được gần 200 bao lúa mỗi vụ, nên ông Dễ học hỏi và áp dụng mô hình này rất nhanh. Trăm nghe không bằng mắt thấy, chứng kiến ông Dễ nhờ sử dụng kiến thức trên internet mà nuôi được bò vỗ béo và luôn được thương lái trả giá từ 35-38 triệu đồng mỗi con, gần chục hộ dân của xóm Làng Cầu bắt đầu học theo.
Với số lượt người đến truy cập tại CLB internet nông dân lên đến hơn 1.200 lượt mỗi năm, CLB internet nông dân Nghĩa Dõng đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy của bà con nông dân. Được truy cập miễn phí, hướng dẫn tận tình và in tài liệu không tốn tiền, nên bà con nông dân chẳng những không mất gì, mà còn có cơ hội “đổi đời” khi biết chọn lọc từ internet hướng đi phù hợp để phát triển kinh tế.
Nguồn bài viết: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201411/doi-doi-nho-mang-2351180/
Có thể bạn quan tâm
Sau nhiều lần mất trắng vốn vì tôm bị dịch bệnh, anh Phan Thanh Thánh ở Bình Định đã tìm tòi, đầu tư bể lọc nước sạch làm từ san hô, than hoạt tính, cát sạch để nuôi tôm trên cát, thu lãi gần tỷ đồng một năm.
Đường dây nóng của Báo Quảng Nam vừa nhận thông tin phản ánh của một người dân về việc UBND xã Điện Tiến cho phép tư nhân khai thác tận thu nguồn đất tại các cánh đồng thuộc thôn 1 Châu Bí làm ảnh hưởng đến tầng đất canh tác lúa. Thực hư của vấn đề này ra sao?
Nhiều người cho rằng, nuôi ong là một nghề rất thú vị nhưng chỉ thích hợp ở khu vực nông thôn, miền núi nơi có không gian rộng và nhiều cây cối. Điều này chưa hẳn đúng, minh chứng là ngay ở phường Tích Lương (T.P Thái Nguyên) hiện đang có nhiều mô hình đầu tư nuôi ong lấy mật đạt hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2015, Trạm Khuyến nông huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) triển khai mô hình chăn nuôi dê sinh sản tại 2 xã Bình Sơn và Phước Sơn, gồm 10 hộ nông dân tham gia.
Sau 3 năm thành lập, Tổ liên kết nuôi gà thả vườn Ninh Sim (Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã giúp đỡ thành viên sản xuất có hiệu quả. Nhưng nỗi lo lớn nhất của tổ hiện nay là đầu ra cho sản phẩm.