Doanh nghiệp, người dân đứng ngồi không yên
Hằng ngày, người dân vẫn phải mua sản phẩm xử lý môi trường, thức ăn... để phục vụ sản xuất nhưng không biết sản phẩm nào tốt hoặc kém chất lượng, gây thiệt hại không nhỏ cho người dân và DN làm ăn chân chính.
Người dân mù mờ thông tin
Liên quan tới vụ làm giả hơn 800 giấy lưu hành sản phẩm tại Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định NTTS (Tổng cục Thủy sản), đến nay đã có 139 DN thủy sản vi phạm bị thu hồi sản phẩm dùng trong NTTS. Tuy nhiên, sản phẩm thủy sản được cấp khống vẫn chưa truy được người chịu thiệt hại là ai. Tổng Thư ký Tổng hội NN&PTNT Việt Nam Nguyễn Trí Ngọc cho biết, sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp gồm thuốc thú y, phân bón, thuốc trừ sâu… được quản lý theo danh mục và qua khâu kiểm nghiệm, đánh giá tiêu chí. Lợi dụng kẽ hở, DN đã tìm mọi cách đưa sản phẩm của mình vào danh mục cho phép một cách nhanh nhất kiếm lời, còn nông dân thiệt đơn, thiệt kép.
Trao đổi về nội dung trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, trong số 72 DN mà Tổng cục Thủy sản công bố “chạy khống” 800 sản phẩm thủy sản, trên địa bàn TP Hà Nội có 3 DN (Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Thế hệ mới (NGBIOTECH); Công ty cổ phần Thú y xanh Việt Nam; Công ty TNHH Biofloc) chủ yếu cung cấp thuốc xử lý môi trường. “Hiện chưa đánh giá được chất lượng của các sản phẩm cấp khống có bảo đảm chất lượng hay không. Để xác định chính thức, Sở NN&PTNT đã thành lập Đoàn kiểm tra gồm Thanh tra Sở, Chi cục Thủy sản phối hợp kiểm tra chất lượng thuốc xử lý môi trường của 3 DN, nếu bảo đảm vẫn có thể lưu hành, còn không đủ điều kiện sẽ tịch thu theo quy định và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng” - ông Đăng cho biết thêm.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Hoàng Tiến Minh cho biết, Hà Nội là một trong những địa phương có diện tích NTTS lớn khoảng 20.000ha, nhưng có 50% theo phương thức công nghiệp, nên việc sử dụng thuốc xử lý môi trường khá nhiều, các sản phẩm thuốc thủy sản chưa được kiểm nghiệm đã lưu hành trên thị trường ít nhiều ảnh hưởng tới sản xuất của người dân, vì bản thân nông dân đã mù mờ thông tin về sản phẩm, họ chỉ mua theo lời quảng cáo của DN, còn chất lượng tin vào sự “công tâm” của người bán.
Ông Ngô Văn Đạt, hộ NTTS ở xã Trung Tú (Ứng Hòa) bức xúc: "Đến vụ nuôi mới, các hộ dân đều mua sản phẩm thuốc xử lý môi trường của DN để cải tạo ao nuôi. Người dân chỉ nghe người bán hướng dẫn và ghi trên bao bì các danh mục sản phẩm, còn chất lượng tin tưởng vào giấy tờ chứng nhận có dấu đỏ của Nhà nước". Nếu các cơ quan quản lý cấp khống cho DN, dù chưa biết chất lượng ra sao, nhưng chắc chắn là ảnh hưởng trực tiếp đến NTTS. Ông Bùi Văn Tại, hộ nuôi thủy sản ở Thanh Oai cũng lo lắng cho biết: "Các loại thuốc, thức ăn thủy sản kém chất lượng bị làm khống thì người dân không biết tin ai. Thực tế, nông dân bỏ tiền ra nhưng phải chịu cay đắng vì có năm nuôi cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân".
Cần siết chặt quản lý
Để tránh sự việc tương tự xảy ra, theo Tổng Thư ký Tổng hội NN&PTNT Việt Nam, dứt khoát phải thay đổi cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trước mắt, cần công bố rõ về 800 sản phẩm thủy sản bị thu hồi để người dân biết và không mua phải sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới NTTS, nhất là trong bối cảnh Ngành Thủy sản Việt Nam đang bị cảnh báo ở các nước nhập khẩu chịu áp lực về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Hoàng Văn Liên, hộ nuôi thủy sản ở Thanh Trì đề nghị, cần kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm thuốc thú y, thức ăn thủy sản để không ảnh hưởng tới sản lượng cũng như năng suất nuôi trồng; đồng thời xử lý nghiêm DN làm ăn gian dối, tịch thu giấy phép kinh doanh.
Rõ ràng, để quản lý chặt chẽ hơn việc nhập khẩu và bán sản phẩm thức ăn thủy sản trên thị trường, lực lượng liên ngành từ trung ương xuống đến tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác kiểm tra, lấy mẫu giám sát chất lượng các sản phẩm mà DN công bố trong danh mục được cấp phép lưu hành trên thị trường. Hiện Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cấp xã giúp nông dân nhận biết về 800 sản phẩm thủy sản cấp khống, qua đó tránh mua nhầm gây thiệt hại về kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
Chính nhờ chủ động trong việc triển khai nhiều biện pháp quản lý hiệu quả mà bước đầu công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có sự chuyển biến tích cực.
Trước thông tin về thương lái Trung Quốc mua cá tra quá lứa để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cạnh tranh về giá xuất khẩu làm ảnh hưởng đến giá cá tra nguyên liệu trong tỉnh, đầu tháng 7/2016, Sở Công Thương Đồng Tháp đến trực tiếp làm việc một số doanh nghiệp thủy sản của tỉnh có xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc để nắm về tình hình này.
Chỉ số độ mặn thực đo tại các vuông tôm nuôi quảng canh các huyện trồng lúa trên đất nuôi tôm đang ở mức 15 - 20‰. Với độ nặm này, người dân trồng lúa cũng như ngành nông nghiệp phải quyết tâm hơn nữa trong công tác rửa mặn khi lịch thời vụ đang đến gần.