Hậu Giang thắt chặt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, nếu như những năm trước đây, tình hình khai thác thủy sản mang tính tận diệt của người dân trong tỉnh diễn biến khá phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, số vụ vi phạm không ngừng gia tăng thì đến nay tình trạng đó đã giảm đáng kể.
Tín hiệu khả quan
Đi ghe cào nhiều năm, ông Nguyễn Thanh Hồng, ở khu vực 2, phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, tâm sự: “Đánh bắt bằng hình thức ghe cào tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi, có khi dính nhiều cá, tép và cũng có lúc chạy lỗ cả tiền xăng. Trên thực tế, không ít lần tôi được cán bộ địa phương nhắc nhở về việc đánh bắt cho đúng quy định, góp phần gìn giữ sản lượng cá non tự nhiên. Đồng thời thực hiện nghiêm việc đăng ký đầy đủ giấy tờ khi sử dụng phương tiện đánh bắt cá”.
Lâu nay, ở một số địa bàn trong tỉnh như huyện Châu Thành, Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy được xem là điểm “nóng” của tình trạng khai thác cá non trái phép bằng xung điện, đặt lờ dây, dớn hay lưới chụp. Thế nhưng mới đây, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với một số cơ quan chức năng địa phương tiến hành kiểm tra nhiều phương tiện ghe cào đang hoạt động trên các tuyến sông lớn thuộc các địa bàn kể trên thì không còn phát hiện người dân dùng dynamo để đánh bắt cá trái phép. Đây được xem là một tín hiệu khả quan trong công tác giữ gìn và chống suy kiệt nguồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên.
Đang chuẩn bị thu lưới về nhà, anh Lê Văn Bình, ở khu vực 2, phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Đúng là việc sử dụng xung điện để đánh bắt sẽ thu được nhiều cá hơn khai thác thông thường, nhưng rất nguy hiểm. Nếu sơ xuất, người dân có thể bị thiệt hại về người lẫn của”. Theo anh Bình, vài năm trở lại đây, tình trạng khan hiếm nguồn lợi thủy sản ngày càng trầm trọng. Trong đó, một số loài thủy sản quen thuộc như cá mè vinh, cá chốt, cá sặc, tôm, tép… ngày càng ít dần.
Mỗi ngày, anh Bình bắt đầu một chuyến cào từ sáng sớm đến giữa trưa, nhưng có khi chỉ được vài ký cá, tép các loại. Tuy nhiên, anh vẫn chịu khó kết hợp làm thuê, làm mướn thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình, chứ chưa từng nghĩ sẽ đánh bắt thủy sản trái phép, dù cho giá cá đồng, cá sông tự nhiên hiện đang ở mức khá cao.
Tăng cường bảo vệ
Trong buổi kiểm tra phương tiện ghe cào tại địa phương vào thời điểm giữa tháng 7 vừa qua, thiếu tá Phùng Văn Thi, Phó Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông - trật tự cơ động, Công an huyện Châu Thành, thông tin: So với một số địa phương lân cận, Châu Thành là địa điểm lý tưởng để ghe cào hoạt động, với đa dạng chủ ghe đến từ các nơi khác nhau, như: Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh, thành phố Cần Thơ. Hầu hết là những hộ nghèo, không có đất sản xuất và chủ yếu sống bằng nghề cào cá trên sông.
“Trong những tháng đầu năm 2016, đơn vị đã kết hợp với đoàn liên ngành mở 4 đợt kiểm tra đột xuất trên các nhánh sông Hậu, Cái Côn, Mái Dầm thì bên cạnh một số người dân chấp hành tốt Luật Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vẫn còn không ít chủ ghe cố tình vi phạm. Trước mắt, ngành chức năng địa phương sẽ tiến hành nhiều biện pháp xử lý mang tính răn đe như tịch thu phương tiện đánh bắt trái phép, đồng thời mời họ đến cơ quan nhắc nhở, lập biên bản xử lý hành chính và ký biên bản cam kết chấp hành đúng luật khai thác nguồn lợi thủy sản. Về lâu dài, rất cần sự liên kết giữa các ngành chức năng nhằm tiếp tục thắt chặt hơn nữa trong công tác quản lý, góp phần nâng cao ý thức cho người dân”, ông Thi đề xuất.
Ông Nguyễn Thành Đông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hậu Giang, cho hay: Để người dân nhận thức sâu, rộng trong việc gìn giữ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đồng thời thắt chặt, rà soát và tiến hành kiểm tra chặt chẽ, đột xuất để kịp thời ngăn chặn mọi hành vi khai thác thủy sản trái phép trong dân. Đặc biệt, gần bước vào mùa nước nổi và mùa sinh sản của cá, tôm nên các địa phương cần tăng cường kiểm tra các hình thức, phương tiện khai thác tận diệt như xung điện, đặt lờ dây, dớn trên đồng ruộng…
Thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành 13 cuộc kiểm tra liên ngành đối với phương tiện ghe cào ở một số địa phương trong tỉnh như huyện Châu Thành, Châu Thành A, thị xã Ngã Bảy và các trường hợp khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt như xuyệt điện, đặt dớn bắt cá ở huyện Vị Thủy, thành phố Vị Thanh. Riêng đối tượng ghe cào đã phát hiện và tịch thu, xử phạt 9 trường hợp sử dụng dynamo, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, từ đây đến cuối năm 2016, Chi cục Thủy sản Hậu Giang sẽ tiếp tục mở nhiều đợt kiểm tra đột xuất nhằm duy trì công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Có thể bạn quan tâm
Chưa năm nào, tình hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) bị thiệt hại nặng nề như năm nay, số hộ thua lỗ đến 90%.
Vài năm trở lại đây, cùng phát triển cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả và chăn nuôi đại gia súc thì chăn nuôi thủy sản cũng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đã và đang dần trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn và góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo và làm giàu.
Phú Tân (Cà Mau) là huyện có thế mạnh về nuôi thuỷ sản, với hơn 39.000 ha đất sản xuất. Trong đó, có hơn 16.000 ha tôm nuôi quảng canh cải tiến, gần 2.400 ha ao đầm nuôi tôm công nghiệp, hơn 20.600 ha đất nuôi tôm quảng canh truyền thống, nuôi sinh thái kết hợp đa cây, con đã tạo ra nguồn tôm nguyên liệu phong phú, dồi dào. Ðể nâng cao chất lượng sản phẩm, thời gian qua, huyện Phú Tân kết hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, trong đó chú trọng các mô hình sản xuất sạch và bền vững.