Do đâu nông dân vẫn chưa mặn mà với cây mắc ca?
Dân chưa yên tâm trồng mắc ca
Ông Ngô Văn Xá (ở thôn Hà Lòng, xã Kdang, huyện Đak Đoa) trồng gần 350 cây giống mắc ca trên diện tích 1 ha năm 2012, qua sự chuyển giao kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai. Một số cây trong vườn đã bắt đầu đậu quả. Vườn mắc ca của ông Xá sinh trưởng và phát triển tương đối tốt nhưng 3 năm qua thị trường sản phẩm cây mắc ca rất mơ hồ, chưa có cơ sở thu mua nào trên địa bàn. Không có thông tin cụ thể gì về sản phẩm đầu ra khiến ông Xá rất lo lắng. Để tránh bị trắng tay trong trường hợp cây mắc ca thất bại, ông Xá đã đem trồng thêm cà phê vào vườn mắc ca, phá vỡ cam kết khi nhận đầu tư của dự án.
Khác với gia đình ông Xá, hộ ông Nguyễn Tiến Sơn (thôn 3, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah) năm 2009 trồng xen 300 cây mắc ca trong vườn cà phê vối 19 năm tuổi với khoảng cách 8 mét hàng x 8 mét cây, sử dụng giống mua tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên. Năm 2014 đã cho thu bói khoảng 80 kg quả khô. Năm 2015 này 100% cây ra hoa, 60% cây đậu quả dự kiến tháng 8 thu hoạch, năng suất ước đạt 2 kg/cây. Tuy nhiên số quả khô của gia đình ông thu hoạch năm 2014 không có ai mua nên cuối năm 2014 ông đã phá bỏ 100 cây mắc ca để lấy đất trồng tiêu.
Tại Hội thảo “Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên”, diễn ra ngày 7-2-2015 tại Lâm Đồng, theo các nhà chuyên môn, cây mắc ca được đánh giá là có tiềm năng về thị trường, có người khẳng định là cây tỷ đô.
Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến trái chiều cho rằng: Không phải ngẫu nhiên mà trên thế giới đến nay diện tích cây mắc ca chỉ mới đạt 80.000 ha, trong đó Việt Nam đã có đến 10.000 ha, song tiêu thụ như thế nào vẫn còn bỏ ngỏ. Vì thế đã tác động đến tâm lý hoang mang của người trồng mắc ca ở Gia Lai. Đến nay rất nhiều vườn ươm giống mắc ca được đầu tư bày bán cây giống, nhiều người tâm lý trồng thử, “họ có mình có” muốn mở rộng diện tích, song cũng có người nơm nớp lo lắng sau khi đã “lỡ trồng” .
Năng suất chưa được khảo nghiệm
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 12/17 huyện, thị xã, thành phố có trồng cây mắc ca trong đó khoảng hơn 100 ha trồng thuần mật độ 360 cây/ha và trồng xen 115 ha mật độ 150 cây/ha với 10 loại giống được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận còn lại 3 loại là H2, QN1 và 788 chưa được công nhận. Cây mắc ca trồng ở các địa phương trong tỉnh chủ yếu trên đất đỏ bazan, một số diện tích trồng trên đất pha cát, địa hình thuận lợi, độ dốc khoảng 15%. Cây mắc ca tương đối thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại các địa phương trồng mắc ca trong tỉnh, tỷ lệ cây sống cao, sâu bệnh hầu như không có. Thời gian trồng đến khi thu bói khoảng 3-5 năm.
Tuy nhiên hầu hết các hộ gia đình trồng cây mắc ca đều cảm thấy không yên tâm với loại cây này bởi 2 lý do: tỷ lệ ra hoa và đậu quả rất chênh lệch. Hộ ông Đoàn Hữu Công (ở xã Đak Rong, huyện Kbang) trồng xen 3 ha cây mắc ca năm 2010, năm 2014 thu bói được 140 kg quả khô, năm 2015 có 90% cây ra hoa nhưng chỉ 30% cây đậu quả. Trong khi diện tích 2,5 ha của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đak Rong trồng năm 2012 gần đó có khoảng 30% cây ra hoa chỉ 5% cây đậu quả.
Ngoài tỷ lệ đậu quả thấp, đầu ra cho quả mắc ca cũng rất bấp bênh. Nhiều hộ dân trồng mắc ca thu quả bói song không biết bán cho ai, có bán cũng chỉ những người mua lẻ tẻ để ươm giống. Kbang là địa phương có diện tích cây mắc ca nhiều nhất, lên đến 104 ha.
Hiện nay, Công ty TNHH Vinamacca và Du lịch Đức Anh địa chỉ TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak, thông qua chính quyền địa phương đang triển khai liên kết với các hộ dân tại địa phương, đưa cây mắc ca vào trồng xen vào diện tích cây cà phê, đất trồng màu và trồng thuần với phương thức doanh nghiệp đầu tư ứng trước 40% giá trị giống cây, sau 4 năm người dân sẽ thanh toán cho doanh nghiệp sản phẩm là hạt mắc ca. Tuy nhiên, giá cả thế nào hay chỉ kinh doanh cây giống mà bỏ ngỏ bao tiêu sản phẩm vẫn là câu hỏi.
Người dân Tây Nguyên chưa quên bài học về ngành dâu tằm tơ rầm rộ một thời. Với áp lực quy hoạch vùng nguyên liệu khiến không ít hộ dân khóc dở vay tiền trồng dâu rồi bí đầu ra khiến lâm nợ. Cây dâu ngắn ngày dễ chuyển đổi, cây mắc ca là loại cây lâu năm. Do đó, ông Văn Phú Bộ-Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Sở vừa kiến nghị UBND tỉnh khuyến cáo cây mắc ca chưa phổ biến đối với nông dân các vùng trong tỉnh, chưa có số liệu thống kê tin cậy về năng suất, quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế độ dinh dưỡng cũng như chọn giống phù hợp. Do đó không khuyến khích trồng đại trà.
Có thể bạn quan tâm
Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất cây trồng, nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế đã góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Nhiều mô hình, cách làm mới đã được triển khai. Việc trồng bí áp dụng công nhệ làm giàn leo, bước đầu đã đem lại những kết quả khả quan, mở ra hướng đi mới cho người trồng bí.
Năm 2013, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Phú Yên phối hợp Trạm Khuyến nông Khuyến ngư huyện Tây Hòa triển khai mô hình nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm tại 4 hộ với quy mô 0,3 ha.
Đồng Tâm là xã nghèo, vùng sâu, xa của huyện Đồng Phú (Bình Phước). Điều là cây trồng chủ lực đem lại lợi ích kinh tế chính cho nông dân trong xã. Tuy nhiên, khoảng 3-4 năm trở lại đây, cây tầm gửi xuất hiện và sống ký sinh trên cây điều, chủ yếu ở cây điều 10 năm tuổi với diện tích gây hại khoảng 200 ha.
Tôm thẻ chân trắng hiện là đối tượng con nuôi chủ lực của vùng nuôi mặn lợ của tỉnh Nam Định với tổng diện tích 486ha bởi dễ nuôi, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao và thị trường tiêu thụ rộng.
Xuân Trường, xã vùng ven Đà Lạt là nơi có diện tích cà phê Arabica, giống cà phê cao cấp lên tới 1.100 ha. Dù gắn bó với cây cà phê cao cấp đã nhiều năm nhưng nông dân ở đây chưa bao giờ ứng dụng những chuẩn quốc tế trong trồng và chăm sóc cà phê.