Đổ bỏ nhiều tấn hành tây vì chờ tăng giá
Anh Phan Thanh Hùng, tổ 1, khu Đất Mới, phường 7 cho biết, trong vòng 3 tuần trở lại đây, gia đình anh đã phải đổ bỏ khoảng 5 tấn hành do bị hư thối. Ngày 15/6 vừa qua, anh Hùng cũng đã phải gọi thương lái tới bán tháo 4 tấn hành đang có nguy cơ hư hỏng với giá chỉ 500 đồng/kg.
Vụ hành tây Đông Xuân 2014 - 2015, gia đình anh Hùng trồng hơn 8 sào, thu hoạch được khoảng 80 tấn. Vào thời điểm hành được thu giá chỉ 2.000 đồng/kg nên vợ chồng anh quyết định thuê người thu hoạch, đem tất cả cho vào kho tích trữ, chờ tăng giá. Thế nhưng, do thu hoạch trúng mưa nên hành chỉ để được 2 tháng thì xảy ra tình trạng thối rữa, lên mầm trong khi giá chỉ nhích lên được vài trăm đồng so với thời điểm chính vụ.
Chỉ cách một vườn rau bên kia là gia đình ông Nguyễn Thành cũng đang lâm vào hoàn cảnh tương tự. Trong vòng hơn một tháng qua, gia đình ông Thành đã phải đổ bỏ khoảng 2 tấn hành trong tổng số hơn 30 tấn đang trữ trong kho vì hư thối. Gia đình ông Thành vẫn chưa chịu bán hành vì thời điểm này giá đang rất thấp, hành loại 1 có giá cao nhất là 2.900 đồng, loại xấu hơn chỉ vài trăm đồng/kg. Mấy ngày gần đây, giá hành đã nhích lên được thêm vài trăm đồng nên người tích trữ hành đang kỳ vọng trong thời gian tới mặt hàng này sẽ khả quan hơn.
Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa có thống kê cụ thể về sản lượng hành tây bị hư hỏng dẫn đến việc người dân phải đổ bỏ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, chỉ riêng khu vực Đất Mới, phường 7, số hành tây bị hư hỏng đã lên tới hàng chục tấn. Bên cạnh đường vào khu Đất Mới, nhiều đống hành hư hỏng được chủ đổ ủ làm phân xanh, đây là thực trạng đã từng diễn ra trong niên vụ hành 2014.
Gia đình anh Phan Thanh Hùng bán tháo hành tây có nguy cơ hư hỏng với giá 500 đồng/kg
Ông Nguyễn Quang Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân phường 7 cho biết, trong vụ Đông Xuân vừa qua, thống kê riêng tại khu vực Đất Mới có khoảng 200ha hành, tương đương với 2.000 tấn hành củ thương phẩm. Tuy nhiên, năm nay giá hành từ đầu vụ xuống rất thấp nên phần lớn người dân thu hoạch cho vào kho trữ chờ giá lên mới bán. Do gặp thời tiết bất lợi ngay từ lúc mới thu hoạch nên đã dẫn đến hành mới trữ được 2 tháng thì xảy ra hư hỏng, thối rữa hoặc lên mầm. Thực trạng trên chủ yếu rơi vào giống hành Mỹ hoặc Hà Lan, riêng giống hành tây Nhật thì có thể trữ trong kho được lâu hơn.
Theo ông Thuận, so với năm trước, vụ hành tây năm nay người dân thiệt hại ít nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân khiến giá hành tây xuống thấp trong hai năm qua là do người dân đã đổ xô trồng hành tây quá nhiều, không riêng gì Đà Lạt mà các huyện Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng người dân cũng trồng với diện tích rất lớn. “Cung vượt quá cầu đã khiến người nông dân phải gánh thiệt hại như hôm nay mặc dù cơ quan chức năng đã vận động người dân không nên tập trung trồng hành tây quá nhiều. Thế nhưng, thói quen canh tác trong nhiều năm qua đã khiến người dân không dứt được khỏi với cây trồng này mặc dù nó đang có quá nhiều may rủi” - ông Thuận nói.
Trong khi đó, một nông dân chuyên trồng hành tây là bà Nguyễn Thị Thủy, khu Đất Mới cho biết, những năm gần đây làm nông nghiệp khả năng rủi ro rất cao. Trong tất cả các cây trồng của Đà Lạt, khi gặp rủi ro về giá vào thời điểm được thu hoạch thì hành tây, khoai tây là cây có thế mạnh đặc biệt, bởi có thể trữ vào kho được 3 - 4 tháng nhằm chờ cơ hội lên giá, trong khi hầu hết các loại cây trồng còn lại đều không làm được điều này. Đó là lý do chính dù không mặn mà nhưng người dân vẫn chọn hành tây để trồng vào vụ Đông Xuân.
Có thể bạn quan tâm
Diện tích quýt đường tại xã Long Trị (TX Long Mỹ, Hậu Giang) đang bị thu hẹp dần sau nhiều năm dịch bệnh tấn công.
Nhằm phát huy tiềm năng kinh tế ven biển để giúp nhân dân sớm an cư lạc nghiệp, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng được vùng chuyên canh mãng cầu xiêm với diện tích hơn 650ha trên vũng đất nhiễm mặn, tại huyện cù lao Tân Phú Đông, thuộc hạ lưu sông Tiền.
Từ khi cây dừa sáp ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh) được các nhà khoa học áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã mở ra hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị cho loại trái cây đặc sản nổi tiếng cả nước. Nhờ đó, nông dân trồng dừa sáp tăng thu nhập gấp 2-3 lần, nhiều hộ trở thành triệu phú.
Nhằm phát huy tiềm năng kinh tế ven biển để giúp nhân dân sớm an cư lạc nghiệp, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng được vùng chuyên canh mãng cầu xiêm với diện tích hơn 650ha trên vũng đất nhiễm mặn, tại huyện cù lao Tân Phú Đông, thuộc hạ lưu sông Tiền.
Ðến nay, nông dân Hoài Nhơn đã thu hoạch được 4.800 ha lúa Hè Thu, đạt gần 90% diện tích kế hoạch. Mặc dù gặp khó khăn về thời tiết, sâu bệnh..., nhưng nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp chống hạn cũng như chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên năng suất lúa đạt trên 60 tạ/ha, cao hơn gần 0,5 tạ/ha so với cùng vụ năm trước.