Diện tích lúa thu đông vượt kế hoạch
Theo định hướng, diện tích sản xuất lúa vụ thu đông năm 2015 của tỉnh Đồng Tháp là 100.000ha. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của ngành chức năng, đến giữa tháng 7, toàn tỉnh đã xuống giống được 120.000ha, bằng 120% kế hoạch, nhiều hơn so với diện tích xuống giống vụ thu đông cùng kỳ năm trước gần 24.000ha (tăng 25%).
Các huyện, thị, thành phố có diện tích xuống giống vượt so với kế hoạch là: TP.Sa Đéc, huyện Cao Lãnh, Lấp Vò, Tháp Mười, Tân Hồng và huyện Hồng Ngự.
Diện tích xuống giống lúa vụ thu đông vẫn đạt mức cao, điều này được lý giải bởi giá lúa đôi lúc xuống thấp nhưng vẫn chưa thấp hơn mức giá thành. Trái lại, sau một thời gian rớt giá, lúa thu đông đột ngột tăng giá trở lại đã không ít lần giúp người nông dân trúng vụ. Mặt khác, lúa gạo là mặt hàng ảnh hưởng đến an ninh lương thực Quốc gia, vì vậy được Nhà nước bảo hộ thông qua hình thức thu mua tạm trữ.
Hầu hết diện tích sản xuất lúa thu đông đều nằm trong vùng có đê bao, cộng với việc các ngành chức năng dự báo nước lũ về thấp, khả năng bị thiệt hại do lũ gây ra rất thấp.
Trở lại bài toán về thu nhập, nếu nông dân không canh tác cây lúa trong mùa vụ này sẽ mất đi nguồn thu, nên dù giá lúa không hấp dẫn nhưng người dân vẫn xuống giống trên diện tích lớn với mong muốn lấy công làm lời. Trong khi vụ thu đông chi phí sản xuất cũng tương đối thấp so với vụ hè thu.
Dù được dự báo nước lũ năm nay về ít, cộng với kỹ thuật, trình độ thâm canh tính toán mùa vụ của người dân khá cao đã phần nào vơi đi áp lực về lũ đối với diện tích nằm ngoài vùng sản xuất an toàn. Nhưng “dự báo” chỉ dừng lại mức độ tham khảo, việc nắm bắt thời tiết, diễn biến lũ lụt vẫn chưa bao giờ dễ dàng.
Năm 2014, nông dân xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự đã đánh cược với thời tiết khi gieo sạ ngoài vùng đê bao an toàn, hậu quả 78ha diện tích sản xuất bị nhấn chìm, thiệt hại lên đến 1,7 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Chi Cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh thông tin, hiện nay diện tích sản xuất có dấu hiệu thiếu an toàn khi lũ về các huyện Tân Hồng, Tháp Mười...
Tuy nhiên, đến giờ này một số diện tích lúa thu đông bắt đầu thu hoạch cộng với mực nước lũ về ít đến trước ngày 15/8 âm lịch nên các diện tích sản xuất hầu như không bị ảnh hưởng. Song, bà Ánh cũng lưu ý, không ai dám chắc sự “đỏng đảnh” của thời tiết.
Ông Trần Văn Em - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười cho hay: “Dù được khuyến cáo không nên sản xuất ở những vùng đê bao không an toàn nhưng bà con vẫn thực hiện. Do họ dựa vào kinh nghiệm thực tế cũng như dự báo mực nước lũ để sản xuất. Tuy vậy áp lực sẽ không hề nhỏ bởi diễn biến mực nước lũ không thể đoán định được chính xác”.
Trước thực trạng dư thừa nguồn cung lúa gạo ở trong nước cũng như trên phạm vi toàn thế giới, người dân được khuyến khích trồng những sản phẩm thay thế nhằm giảm áp lực đầu ra quá lớn (đặc biệt là lúa vụ thu đông). Việc sản xuất vượt kế hoạch có thể làm “nóng” thêm việc cung thừa, trong khi thiếu thị trường tiêu thụ. Bài toán về giá lại tiếp tục gây sức ép cho sản xuất lúa gạo và người dân sẽ đau đầu khi giá lúa được thu mua với mức thấp.
Theo thống kê của ngành chức năng, 6 tháng đầu năm, tình hình xuất khẩu gạo giảm cả khối lượng và chất lượng. Khối lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước tính 122.129 tấn với trị giá gần 45,2 triệu USD, giảm 3,22% về khối lượng và 5,18% về trị giá so với cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân là do trong các tháng đầu năm 2015, gạo xuất khẩu của Việt Nam bị cạnh tranh bởi gạo cùng loại của các nước xuất khẩu trong khu vực, điều này cũng ảnh hưởng mạnh đến giá lúa và tình hình tiêu thụ lúa trong nước.
Trước áp lực trên, ngoài công tác bảo vệ diện tích sản xuất, nhiều địa phương tìm đến giải pháp là liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Ông Trần Văn Em chia sẻ: “Thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp và mang lại những kết quả tốt. Song, trong mùa vụ thu đông này, số lượng doanh nghiệp liên kết không lớn, dù nông dân sản xuất các loại giống ngắn ngày, phục vụ nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp...”.
Có thể bạn quan tâm
Theo kết quả điều tra vừa công bố của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), có đến 91% số nông dân vùng ĐBSCL sản xuất lúa thu đông có lãi, chỉ 1% bị thua lỗ và 8% hòa vốn.
Thực hiện “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong 2 năm qua, tỉnh Bình Dương có nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, cho doanh thu 3 tỷ đồng/ha/năm.
Ngoài các loại rau tươi theo mùa, một số hoa quả như mãng cầu, vải, xoài, chôm chôm... cũng đang có nhu cầu cao tại thị trường này.
Nhiều nông dân không dám ăn rau họ trồng để bán mà phải trồng riêng để ăn. Bởi vì rau họ ăn thì không phun thuốc, còn rau đem bán thì có phun thuốc.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, trong mấy ngày qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, như: Trảng Bom, Thống Nhất, Long Khánh… xảy ra mưa lớn kèm lốc xoáy gây thiệt hại về nhà cửa, nhiều diện tích cây trồng, rau màu bị gãy đổ, ngập úng… Mưa dông kèm lốc xoáy cũng thường xuyên xảy ra từ đầu mùa mưa và dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới càng khiến người dân lo lắng.