Điện Quá Tải, Người Nuôi Tôm… Làm Liều
Những tháng cuối năm 2013 đến nay, giá tôm nguyên liệu trên thị trường tăng cao đã kích thích bà con nông dân ấp Hoàng Lân, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước (Cà Mau) mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp.
Từ đó xảy ra tình trạng điện quá tải, người nuôi tôm “làm liều” tự ý dùng keo dán sắt đổ vào cầu dao, mục đích không cho cầu dao tự động ngắt điện khi quá tải. Việc làm trên dẫn đến hư hỏng máy biến thế và làm thiệt hại cho ngành điện hàng chục triệu đồng.
Nếu như năm 2013, diện tích tôm nuôi công nghiệp ở xã Tân Hưng Đông chỉ có trên dưới 40 ha, chủ yếu tập trung ở ấp Láng Tượng thì đến thời điểm này đã phát triển lên trên 120 ha, ở hầu hết các ấp trên địa bàn xã. Hiện nay, bà con vẫn đang tiếp tục mở rộng thêm diện tích nuôi tôm công nghiệp. Chính vì việc nuôi tôm ồ ạt, không theo quy hoạch làm cho lưới điện luôn trong tình trạng quá tải.
Để tiết kiệm chi phí sản xuất trong nuôi tôm công nghiệp, hầu hết người dân chọn phương án dùng điện thắp sáng để chạy quạt tạo ô-xy cho tôm nuôi thay vì phải đầu tư vốn để hạ thế. Từ đó, làm cho lưới điện ở nông thôn luôn nằm trong tình trạng quá tải, cầu cao tại các trạm biến áp thường xuyên phải ngắt điện. Khi điện bị ngắt, gây thiếu điện cho cả người nuôi tôm lẫn điện sinh hoạt.
Ông Trần Phương Yêm, ấp Hoàng Lân, xã Tân Hưng Đông, bức xúc: Kể từ khi mô hình nuôi tôm công nghiệp mở rộng, điện thắp sáng nơi đây rất yếu và cầu dao của trạm biến áp liên tục tự động ngắt điện. Mỗi ngày có đến hàng chục lần, thời gian chủ yếu từ 18 giờ cho đến sáng hôm sau.
Mỗi lần ngắt điện, người dân phải đến trạm biến áp kéo cầu dao lên. Tình trạng này diễn ra liên tục hằng ngày nên người dân nơi đây đã “làm liều”, dùng keo dán sắt đổ vào cầu dao với mục đích không cho cầu dao tự động ngắt điện khi quá tải.
Việc làm trên đã gây hư máy biến thế dẫn đến mất điện trên diện rộng trong nhiều ngày. Sau khi sự cố xảy ra, Điện lực Cái Nước tiến hành khắc phục để cung cấp điện cho người dân sử dụng, nhưng sau đó, người dân lại tiếp tục đổ keo dán sắt lần thứ hai. Rất may ngành điện phát hiện kịp thời và cắt điện để bảo vệ an toàn cho lưới điện cũng như máy biến thế.
Chỉ chưa đầy một tuần, tại Trạm biến áp Lung Gộc thuộc ấp Hoàng Lân, xã Tân Hưng Đông có đến 2 lần bị người dân đổ keo dán sắt vào cầu dao, làm thiệt hại cho ngành điện hàng chục triệu đồng.
Đề cập đến hành vi tự ý đổ keo dán sắt vào cầu dao, ông Nguyễn Bá Tại, Phó Giám đốc Điện lực Cái Nước, cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, đơn vị đã có công văn gởi UBND xã Tân Hưng Đông, báo có tình trạng nêu trên và phối hợp với Công an xã điều tra để xử lý.
Ông Lê Kha Nưa, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông, bày tỏ: Mặc dù xã đã chỉ đạo cho các ngành, đoàn thể và trưởng ban Nhân dân các ấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền sử dụng điện an toàn, nhưng ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, đã tự ý đổ keo dán sắt vào cầu dao gây thiệt hại cho ngành điện. Hiện UBND xã Tân Hưng Đông chỉ đạo cho công an vào cuộc điều tra làm rõ và sẽ xử lý đúng theo quy định pháp luật, nhằm giáo dục, răn đe về ý thức sử dụng điện an toàn đối với người dân trên địa bàn.
Hành vi tự ý đổ keo dán sắt vào cầu dao của người dân ấp Hoàng Lân không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây thiệt hại cho ngành điện và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn điện. Người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và sử dụng điện một cách an toàn, không nên “làm liều”, tự ý đổ keo dán sắt vào cầu dao làm hư hỏng thiết bị điện.
Bên cạnh đó, ngành điện và các ngành có liên quan cũng nên xem xét tìm phương án hữu hiệu giúp người dân có được nguồn điện ổn định để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Có thể bạn quan tâm
Cơ quan chức năng đã kiểm tra nguồn gốc một số loại cá bày bán tại các chợ đầu mối trên địa bàn TP. Hà Nội nhưng tiểu thương không đưa ra được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các loại cá, trong đó có cá tầm.
Ngày 8/7, ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, Cục vừa lấy mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm đối với mướp đắng, rau ngót tiêu thụ tại 7 chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Trong 2 năm qua, diện tích trồng mít Thái ở huyện Cái Bè (Tiền Giang) tăng mạnh nên nguồn cung loại mít này cho thị trường ngày càng lớn. Chính vì vậy, hơn tháng nay giá mít Thái đã giảm hơn 17.000 đồng/kg.
Trong Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban chỉ đạo 127 TP.Hà Nội (chiều 10/7), ông Nguyễn Văn Hồng - Phó cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội khẳng định: không có cá tầm nhập lậu qua sân bay Nội Bài.
Với 50m2 trong khuôn viên nhà ở, nông dân giỏi Phan Văn Chia (phường Long Sơn, TX. Tân Châu - An Giang) thiết kế hơn 20 chuồng lớn, nhỏ vừa nuôi trăn sinh sản, vừa bán con giống và bán trăn thịt.