Điểm sáng mô hình câu lạc bộ nuôi hàu ở Vân Đồn Quảng Ninh
Sau hơn một năm đi vào hoạt động, CLB nuôi hàu Thái Bình Dương đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hội viên, góp phần phát triển nghề nuôi hàu theo hướng bền vững.
Sau trận dịch năm 2012 khiến cho hàng nghìn ha tu hài bị chết hàng loạt, người dân huyện Vân Đồn đã chuyển dần sang nuôi hàu, một loài nhuyễn thể 2 mảnh, có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, đồng thời cũng là loài có thể tạo ra sản lượng lớn. Với 1 - 2 vạn lồng mỗi năm, một hộ nuôi hàu có thể thu hoạch từ 50 - 100 tấn, doanh thu từ 500 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, do các hộ làm ăn riêng lẻ nên phần lợi nhuận thường không ổn định bởi chi phí cho con giống, vật tư cao, thất thoát do yếu tố thời tiết, dịch bệnh và nhất là bị tư thương ép giá.
Với mục đích tạo nơi để các hộ nuôi hàu cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, mở rộng thị trường, hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại, anh Trần Văn Thiên (thị trấn Cái Rồng) đã đề xuất ý tưởng thành lập CLB nuôi hàu Thái Bình Dương.
Ý tưởng này ngay sau đó đã nhận được sự ủng hộ và tự nguyện tham gia của đông đảo hộ nuôi hàu trên địa bàn thị trấn.
Anh Trần Văn Thiên (bên trái), Chủ tịch CLB nuôi hàu Thái Bình Dương trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi hàu với hội viên CLB.
Tháng 7-2014, Hội Nông dân thị trấn Cái Rồng phối hợp với UBND thị trấn tổ chức lễ ra mắt CLB nuôi hàu Thái Bình Dương. CLB có đầy đủ quy chế, hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, mọi vấn đề đưa ra bàn bạc có sự thống nhất của các thành viên và hoạt động dưới sự quản lý, giám sát của Hội Nông dân thị trấn. Mỗi tháng, CLB tổ chức họp hội viên một lần nhằm đánh giá kết quả, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh.
Do đặc thù của nghề, nhiều khi anh em thành viên không thể tập trung đông đủ, những thành viên vắng mặt sẽ được Ban Chủ nhiệm phản ánh lại nội dung sinh hoạt. Quan trọng hơn cả, tham gia CLB, các thành viên được tạo điều kiện trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình nuôi hàu, từ phương thức nuôi, chọn bãi nuôi, nguồn cung cấp giống, hỗ trợ giống, thời vụ thả giống cho đến kỹ thuật nuôi…
Các thành viên cũng sẽ được kết nối với các thành phần kinh tế, liên kết mua bán sản phẩm, trao đổi hàng hoá cho sản xuất kinh doanh hàu, tìm các đối tác liên doanh trong sản xuất, tìm phương án xử lý nếu như có dịch bệnh xảy ra.
Bên cạnh đó, các hội viên sẽ được chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất kinh doanh và liên hệ thị trường trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, thống nhất bảo vệ chất lượng, giá cả đầu vào và đầu ra cho mọi thành viên trong CLB, đồng thời tận dụng mọi điều kiện sẵn có để đầu tư cho sản xuất.
Anh Trần Văn Thiên, Chủ tịch CLB cho biết: Ngay sau khi CLB thành lập, chúng tôi đã tập hợp các hội viên trong việc cùng mua vật tư, con giống.
Với số lượng mua lớn nên giá thành đầu vào đã được giảm 10 - 15%. Việc tiêu thụ sản phẩm cũng không tiến hành ồ ạt như trước đây theo kiểu “mạnh ai người ấy bán” mà được tổ chức hợp lý nên không còn hiện tượng tư thương ép giá, giá bán luôn ổn định từ 10.000 - 13.000 đồng/kg, thay vì 9.000 - 10.000 đồng/kg như trước đây.
Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành viên trong CLB nuôi hàu đã được ổn định, các hội viên yên tâm sản xuất và phát triển.
Được biết, năm 2014, sản lượng hàu thương phẩm tiêu thụ của CLB đạt 750 tấn (chiếm tới trên 50% hàu thương phẩm của toàn huyện); 8 tháng năm 2015, CLB có thêm 8 hộ sản xuất tham gia, nâng tổng số hội viên lên 20 người, đưa sản lượng hàu thương phẩm của CLB đã đạt khoảng 1.000 tấn.
Qua đó, đảm bảo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài những lợi ích thiết thực trong sản xuất kinh doanh, CLB còn là nơi để các thành viên cùng chia sẻ những khó khăn, rủi ro, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống, vận động nhau cùng xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh, tôn trọng và chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và địa phương.
Nhận xét về hiệu quả của CLB, ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khẳng định: CLB nuôi hàu Thái Bình Dương đã đưa việc nuôi hàu tại thị trấn Cái Rồng ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành điểm sáng trên địa bàn toàn tỉnh trong việc nâng cao năng lực sản xuất hàng hoá của các hộ nông dân và góp phần hiệu quả trong chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm hàu Cái Rồng của Vân Đồn.
Có thể bạn quan tâm
Đứng cạnh hệ thống tạo ôxy trên ao nuôi tôm, anh Tính bất ngờ bị cánh quạt của thiết bị này quấn lấy quần lôi luôn vào trong. Tai nạn khiến nông dân 27 tuổi phải nhập viện trong tình trạng chỗ ấy đầm đìa máu
Công ty Vĩnh Hoàn, Đồng Tháp chính thức sử dụng công nghệ tiên tiến chiết xuất collagen từ da cá tra với quy mô 7,2 tấn bột phẩm/năm.
Thương lái thu mua tôm ở các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu… đang đổ về vùng tôm Trà Vinh tận thu tôm sú nguyên liệu, đẩy giá tôm tăng cao
Gia đình ông Trần Văn Sáng (ấp 6B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) đang sở hữu một cây cóc “lạ” với nhiều chùm trái nặng trĩu. Cây cóc “siêu” trái này khoảng 30 năm tuổi, trái rất sai và kết thành từng chùm, mỗi chùm từ 150-1.100 trái (nhiều gấp 15-55 lần so với cóc xanh địa phương)
Nhằm khẳng định vị thế là trung tâm của 4 huyên vùng cao phía Bắc, BCH Đảng bộ huyên Yên Minh xây dựng Nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh thực hiên chương trình giảm nghèo giai đoạn 2010-2015 với mục tiêu đến năm 2015 thoát khỏi 62 huyên nghèo của cả nước