Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đến Lượt Tôm Hùm Rớt Đài Vì Bí Đầu Ra

Đến Lượt Tôm Hùm Rớt Đài Vì Bí Đầu Ra
Ngày đăng: 17/06/2012

Đến ngày 14.6, tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà – nơi nuôi tôm hùm nhiều nhất nước, giá tôm hùm thương phẩm loại 1 chỉ còn 800.000 đồng/kg, so với trước đây khoảng 2,8 triệu đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất từ nhiều năm nay.

Tôm hùm lâu nay chủ yếu được xuất tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây thương lái Trung Quốc bỗng dưng quay lưng, giảm “ăn” hàng khiến tôm rùm rớt giá thê thảm, người nuôi lao đao.

Giá tôm hùm giảm khiến người nuôi lao đao. Trong ảnh: tôm hùm thương phẩm nuôi tại phường Cam Phú, Cam Ranh, Khánh Hoà.

Tính chuyện bỏ nghề

Toàn huyện Vạn Ninh hiện có khoảng 9.000 lồng của 1.200 hộ dân nuôi tôm hùm, sản lượng bình quân mỗi năm đạt gần 400 tấn. Ông Đặng Tri Thông, cán bộ phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Vạn Ninh cho hay, năm ngoái bình quân giá tôm hùm loại 1 trên 2 triệu đồng/kg (có thời điểm 2,8 triệu đồng/kg), vì vậy nhiều hộ đã thả nuôi thêm, đẩy số lồng bè tăng khoảng 5%. Thế nhưng đến đầu năm nay giá tôm hùm giảm còn 1,1 – 1,5 triệu đồng và hiện nay chỉ 800.000 đồng/kg.

“Trong khi đó vụ nuôi năm nay giá thức ăn, tôm giống... đều tăng từ 15 – 20%. Cộng thêm vào đó, dịch bệnh nhiều còn làm hao hụt từ 30 – 50% lượng tôm, nên người nuôi càng thua lỗ nặng. Toàn huyện đạt sản lượng 180 tấn tôm hùm, bằng năm ngoái nhưng giá trị thì chỉ bằng 40%, chủ yếu do giá quá thấp”, ông Thông nói.

Còn ông Nguyễn Văn Tâm ở xã Vạn Thạnh, chủ của lồng bè nuôi gần 2.000 con tôm hùm nói hiện các đầu nậu xem hàng rất kỹ. Giá 1 kg tôm hùm chỉ 800.000 – 900.000 đồng/kg nhưng tôm phải đúng kích cỡ, đẹp, không gãy càng, không có chấm đen... mới được giá đó. Ông Tâm than: “Đến nay tôi đã đầu tư hơn 700 triệu đồng vào bè tôm. Tôm đã lớn, mỗi ngày cần mấy triệu đồng thức ăn, biết bị ép giá, lỗ nhưng vẫn phải bán để có tiền mua thức ăn và trị bệnh cho tôm, nếu không càng lỗ nặng”.

Chủ một bè nuôi tôm hùm khác, ông Hồ Ngọc Tuấn thì tính toán với chi phí đầu vào hiện nay (riêng tôm giống đã lên đến 300.000 đồng/con), thì giá tôm hùm thương phẩm khoảng 1,5 triệu đồng/kg người nuôi mới có lãi. “Giá thấp như hiện nay thì lỗ nặng. Bởi vậy, nhiều người đang chờ đợi bán hết lứa tôm này rồi từ giã nghề”, ông Tuấn buồn bã cho biết.

Phụ thuộc vào Trung Quốc

Chi cục trưởng chi cục Nuôi trồng thuỷ sản tỉnh Khánh Hoà, ông Hoàng Kim Khánh cho biết, toàn tỉnh có hơn 20.000 lồng nuôi tôm hùm. Từ đầu năm đến nay, riêng dịch bệnh đã gây thiệt hại khoảng 60 tỉ đồng. Đã vậy, giá tôm hùm lại giảm liên tục. Lý giải về nguyên nhân, theo ông Khánh, do tôm hùm chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, vì thế khi thương lái “ăn” cầm chừng liền tác động lên giá. Mặt khác, một số thương lái lợi dụng việc dịch bệnh tôm để ép giá. “Bởi dân không bán thì tôm bị bệnh, hao hụt dần, lỗ càng lỗ thêm”, ông Khánh giải thích thêm.

Ông Võ Thiên Lăng, chủ tịch hội Nghề cá Khánh Hoà kiêm phó chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cũng cho biết, tôm hùm chủ yếu được nuôi tại Phú Yên và Khánh Hoà. Tuy nhiên, chỉ một phần rất ít tôm hùm được tiêu thụ tại các nhà hàng cao cấp trong nước, số còn lại đều xuất sống sang Trung Quốc theo dạng tiểu ngạch. Ông Lăng nói: “Nếu không xuất tiểu ngạch thì tôm hùm không có đầu ra. Bởi đến nay chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào đứng ra thu mua, ký hợp đồng xuất khẩu chính ngạch với người nuôi. Tôm hùm hàng năm mang về hàng ngàn tỉ đồng nhưng chúng ta đang phụ thuộc đầu ra bên Trung Quốc”.

Phó phòng kinh tế thành phố Cam Ranh Trần Văn Ớt cũng thừa nhận hiện việc mua tôm hùm đều do đầu nậu, thương lái đảm trách. “Tôm hùm là đặc sản, giá trị mỗi con có khi bằng 1 chỉ vàng, hay bằng một con heo. Thế nhưng mỗi khi dịch bệnh, rớt giá nông dân mất hàng tỉ đồng”, ông Ớt nói.

Như đánh bạc

Hiện nay nhiều nông dân ở Khánh Hoà chưa dám thả nuôi lứa tôm hùm mới. Lý do là tôm hùm giống vẫn chưa sản xuất được, phải đánh ngoài tự nhiên nên giá ngày càng cao; thức ăn và chi phí các loại cũng tăng cao trong khi đầu ra chưa biết thế nào nên dân e ngại. Nhiều người nuôi tôm hùm nói: nuôi mà không tính được đầu ra thì giống như đi đánh bạc.

Có thể bạn quan tâm

Dồn Vốn Cho Nông Thôn Mới Dồn Vốn Cho Nông Thôn Mới

Theo ông Nguyễn Hữu Định, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, tuy rất khó khăn về nguồn vốn ngân sách, nhưng Đồng Nai luôn ưu tiên vốn cho xây dựng nông thôn mới. Tỉnh cũng rất linh động trong việc huy động mọi nguồn lực đầu tư cho nông thôn mới.

14/08/2014
Bán Mía Sớm Để Nhẹ Gánh Bán Mía Sớm Để Nhẹ Gánh

Đây là tâm sự của hầu hết nông dân trồng mía đã và đang bán mía chục, bởi theo họ, với tình hình giá cả bấp bênh như hiện nay, việc bán mía trong lúc này sẽ cầm chắc lợi nhuận và giảm bớt được gánh nặng nếu như để mía thu hoạch vào thời điểm chính vụ.

14/08/2014
Định Hướng Phát Triển Cây Cao Su Tại 3 Huyện Phía Nam Định Hướng Phát Triển Cây Cao Su Tại 3 Huyện Phía Nam

Ba huyện phía Nam (Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên) là vùng có diện tích cây cao su tiểu điền lớn nhất tỉnh Lâm Đồng. Trước tình trạng người dân tại một số tỉnh chặt bỏ cây cao su, chính quyền nơi đây đã khuyến cáo người dân nên giữ vững diện tích đã trồng và vẫn định hướng phát triển loại cây trồng đa mục đích này.

14/08/2014
Tu Tra Có Trang Trại 1.600 Con Bò Sữa Tu Tra Có Trang Trại 1.600 Con Bò Sữa

Tính chung trên tổng mức vốn đầu tư 142 tỷ đồng, hàng năm trang trại sẽ sản xuất, cung cấp cho người chăn nuôi khoảng 200 - 300 con bò sữa Holstein giống thuần (giống bò Hà Lan cho sữa năng suất cao); ngoài ra còn là nơi chế biến phân hữu cơ vi sinh, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp địa phương.

14/08/2014
Trồng Bí Đỏ Sau Vụ Gặt Trồng Bí Đỏ Sau Vụ Gặt

Nằm trong mô hình thâm canh gối vụ, phát triển diện tích rau màu vụ đông xuân sau vụ gặt, nông dân một số xã ở Hạ Hòa đã và đang trồng thành công giống bí đỏ F1-868 ngay trên thửa ruộng đã gặt lúa. Hiệu quả kinh tế và thu nhập từ giống bí này bước đầu đã được khẳng định.

14/08/2014