Để Thương Hiệu Cam Sành Hàm Yên Được Giữ Vững

Cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang) không chỉ nổi tiếng trong tỉnh mà còn nổi tiếng cả nước. Năm 2013 cam sành Hàm Yên đã được vinh danh và lọt vào Top 10 loại trái cây bậc nhất Việt Nam. Để giữ vững thương hiệu cam sành Hàm Yên, toàn huyện đã và đang có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cam sành được trồng ở 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hàm Yên, trong đó có 9 xã, thị trấn nằm trong vùng dự án gồm: Yên Thuận, Yên Phú, Bạch Xa, Minh Khương, Minh Dân, Yên Lâm, Tân Thành, Phù Lưu và thị trấn Tân Yên.
Vụ cam 2013-2014, huyện Hàm Yên vừa được mùa, được giá. Với 4.037,9 ha, trong đó cam cho thu hoạch 2.381,8 ha chiếm 58,9%, năng suất bình quân đạt trên 130 tạ/ha, sản lượng đạt 31.075 tấn quả; tổng thu nhập đạt hơn 310 tỷ đồng (Cam sành Hàm Yên được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và các tỉnh miền Bắc là 13.000 tấn, các tỉnh miền Trung 10.000 tấn, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam là 8.000 tấn).
Giữa năm 2013, cam sành Hàm Yên đã được lọt vào Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu trái cây nổi tiếng Việt Nam và tháng 5-2014, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu.
Cách đây 5 năm, gia đình anh Nông Văn Dực, thôn Nặm Lương, xã Phù Lưu đầu tư hàng trăm triệu đồng để cải tạo toàn bộ diện tích cam đã già cỗi bằng giống cam mới. Với 5 ha, vụ cam 2013-2014 đã cho gia đình anh thu nhập trên 600 triệu đồng.
Anh Dực cho biết đã tham gia, học hỏi các lớp tập huấn về trồng và chăm sóc cam sành. Sau khi được học, do áp dụng đúng kỹ thuật nên vườn cam của gia đình anh luôn đạt trên 75% quả cam đẹp. Hiện gia đình anh đang tập trung chăm sóc để nâng cao chất lượng cam quả, cung cấp sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Anh Nguyễn Ngọc Cương, một thương nhân ở tỉnh Lào Cai cho biết: “Từ năm 2013, tôi đã thu mua cam sành Hàm Yên để mang đi các tỉnh miền Trung tiêu thụ với sản lượng hơn 5.000 tấn.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các tư thương thu mua tốt hơn, quả không bị dập nát, mẫu mã đẹp, Hội cam sành Hàm Yên cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cam đúng quy trình”.
Hiện cây cam đã từng bước xóa nghèo và làm giàu cho người dân nơi đây. Riêng vụ cam năm 2013-2014, từ cam đã có hơn 630 hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng; trong đó có 15 hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng, 24 hộ thu nhập từ 700-900 triệu đồng, 43 hộ có thu nhập từ 500-690 triệu đồng… Cá biệt có hộ thu nhập từ 1,8-2 tỷ đồng như: Hộ ông Trịnh Ngọc Huynh xã Yên Lâm, ông Đỗ Văn Thắng xã Tân Thành, Ông Hà Văn Minh xã Phù Lưu.
Ông Nông Huy Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết, xác định cây cam là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế, năm 2014 huyện sẽ ưu tiên phát triển, mở rộng diện tích trồng cam; phấn đấu đến năm 2015, toàn huyện sẽ có thêm 1.000 ha cam.
UBND huyện sẽ quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ gia đình trồng cam như: Tạo cơ chế thông thoáng, chính sách hỗ trợ cho người dân về khoa học kỹ thuật trong quá trình chăm sóc, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra huyện cũng tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp về đường giao thông đi lại, mặt bằng để tiêu thụ sản phẩm. Với những kết quả và cách làm trên, tin rằng cam sành Hàm Yên ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng.
Có thể bạn quan tâm

Lúa ĐX ở ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch. Dù trên nhiều cánh đồng lớn chưa gặt rộ, mới vào khúc dạo đầu nhưng ẩn số lúa IR50404 đã dần lộ diện. Có nơi gần cả huyện trồng độc nhất giống lúa này, nay bán ra gặp lúc lúa rớt giá than vãn hết lời.

Kỳ đà là loài bò sát dễ nuôi, không tốn nhiều chi phí, đồng thời mang lại hai lợi ích to lớn, đó là: phát triển kinh tế gia đình và bảo tồn được loài động vật hoang dã

Khác với đồng bào các dân tộc thiểu số ở một số tỉnh miền núi như Hà Giang, Cao Bằng, cây ngô là nguồn lương thực chính đã gắn bó từ ngàn đời nay với người dân; ở tỉnh Yên Bái, nguồn lương thực chính là lúa gạo, nên việc trồng ngô không được chú trọng. Do vậy việc chuyển đổi cơ cấu giống từ lúa nương sang trồng ngô là việc không dễ dàng.

Ban đầu, ở vụng Nghi Sơn thuộc xã đảo Nghi Sơn (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) chỉ có một vài lồng bè nuôi cá theo phương thức nuôi cá nhỏ, vỗ béo. Thấy cá lớn nhanh, nguồn thức ăn tại chỗ dồi dào, lợi nhuận cao, nên nhiều hộ đóng bè thả nuôi, dần lan rộng ra thành phong trào.

Nguyễn Ngọc Thức (27 tuổi) là chủ một trang trại bồ câu nổi tiếng ở xã Tân Hạnh Tây, H.Củ Chi (TP.HCM), với lợi nhuận thu về hơn 50 triệu đồng/tháng