Để Phát Triển Bền Vững Cà Phê Mường Ảng
Được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện tự nhiên, Mường Ảng là vùng đất thích hợp cho cây cà phê sinh trưởng và phát triển, nuôi dưỡng nên những hạt cà phê mang hương vị thơm ngon đặc biệt.
Với những tiềm năng, lợi thế vượt trội, huyện Mường Ảng vẫn xác định cà phê là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương. Nhưng để khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển cà phê bền vững và đảm bảo lợi ích cho người trồng cà phê ở Mường Ảng vẫn còn không ít gian nan...
Bài 1: Không chỉ là cây “một vốn, bốn lời”
Hơn 60 năm được phát hiện và đưa vào trồng tại Nông trường Mường Ảng, sau những biến cố thăng trầm cùng lịch sử thị trường tiêu thụ, cách đây chưa đầy chục năm, cây cà phê trên đất “Mường Khoe” Mường Ảng đã thực sự khoe sắc nhờ hương vị đặc biệt của mình. Nhiều hộ nông dân không chỉ thoát nghèo mà cuộc sống đã thực sự thay da đổi thịt nhờ trồng cà phê.
Phát triển nhanh về diện tích, năng suất
Là người tâm huyết và cũng trăn trở với cây cà phê, ông Hà Văn Quân, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng liệt kê những con số ấn tượng liên quan đến cây cà phê ngay bắt đầu câu chuyện với chúng tôi: Trước khi thành lập huyện Mường Ảng (năm 2007), diện tích cà phê trên địa bàn là 388ha, trong đó chủ yếu là diện tích cà phê do Công ty Cây công nghiệp Điện Biên quản lý, giao khoán cho công nhân; trồng mới hàng năm chỉ từ 20 - 40ha.
Từ khi thành lập huyện đến nay, xác định cà phê là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương đây cũng là cơ sở quyết định đưa diện tích cà phê trên địa bàn tăng nhanh chóng. Minh chứng cho điều đó là mỗi năm, toàn huyện trồng mới từ 250 - 500ha. Tính đến thời điểm này, tổng diện tích cà phê đạt 3.118ha (trong đó, chỉ tính riêng cà phê kinh doanh 1.407ha và diện tích cà phê trồng mới của năm 2012 đạt 535ha.
Không chỉ phát triển nhanh về diện tích, cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, các ngành chức năng, đến nay phần lớn nông dân trong huyện đã biết áp dụng KHKT trong việc thâm canh, tăng năng suất, tăng sản lượng ngay từ việc tập trung đầu tư từ khâu phát dọn, đào hố đến lựa chọn cây giống, kỹ thuật trồng; trồng cây che bóng; chăm sóc theo từng giai đoạn sinh trưởng... để tạo ra các vườn cà phê sinh trưởng phát triển tốt và cho năng suất, sản lượng ổn định. Năng suất cà phê trấu trung bình đạt 31 tạ/ha, tăng từ 8 – 10 tạ/ha so với khoảng 5 năm về trước...
Đến những triệu phú cà phê
Cùng với việc được mùa, qua nhiều năm giá cà phê Mường Ảng nhích dần và đạt đỉnh là trên 70.000 đồng/kg (vào mùa thu hoạch năm 2011) thì Mường Ảng đã xuất hiện không ít triệu phú cà phê khi trừ chi phí, thu về 700 800 triệu đồng mỗi vụ.
Nắm bắt được thời cơ làm kinh tế từ cây cà phê, nhiều gia đình mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, mạnh dạn đầu tư, tận dụng từng diện tích nhỏ nhất để đưa vào trồng cà phê và có trên 2.000 hộ trồng cà phê, người nhiều thì vài chục héc ta và người ít thì dăm ba nghìn mét vuông.
Cứ như vậy, với năng suất khá ổn định, giá cả hợp lý, mỗi năm huyện nghèo Mường Ảng có doanh thu từ cây cà phê trên chục tỷ đồng!
Doanh nghiệp Đại Bách của ông Phùng Bá Năm dưới chân núi Pha Đén hay Doanh nghiệp Cà phê Nguyễn Ngọc Tứ ở bản Hua Nguống (xã Ảng Cang)... cũng đi lên bắt đầu từ những cây cà phê nặng quả, thơm hương này.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cà phê vào chính vụ thu hoạch, ông Phùng Bá Năm, Giám đốc Doanh nghiệp Đại Bách nói trong niềm vui: Doanh nghiệp có 7 - 8 cán bộ, công nhân viên đang chăm sóc, thu hoạch 42ha cà phê thuộc địa phận tại các xã Ẳng Nưa, Ngối Cáy và Ẳng Tở phần lớn đều trong giai đoạn kinh doanh. Mỗi năm thu về hơn tỷ đồng từ hoạt động sản xuất, kinh doanh cà phê. Từ công việc trồng mới, chăm sóc, bón lót... đều sử dụng lao động địa phương.
Để quá trình chăm sóc, thu hái đảm bảo theo tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng năm doanh nghiệp đều phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn quy trình kỹ thuật, phát hiện phòng trừ sâu bệnh... trên cây cà phê cho cán bộ, công nhân viên và người lao động gắn bó với doanh nghiệp.
Nhờ đó mà lao động được nâng cao nhận thức gắn trách nhiệm trong quá trình chăm sóc, thu hái cà phê. Với diện tích cà phê lớn nên mỗi ngày doanh nghiệp sử dụng cả trăm lao động, đặc biệt vào vụ thu hái thì có ngày phải thuê gần nghìn nhân công. Với cách trả tiền công theo giá trị sản phẩm, có lao động đạt ngày công trên 200.000 đồng/người/ngày.
Như vậy, việc phát triển vùng cà phê Mường Ảng không chỉ góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng, vật nuôi mà còn giải quyết hiệu quả lao động nông thôn cho địa phương và các vùng lân cận. Nhờ đó, mà cuộc sống của người dân cũng ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Chị Lò Thị Lún, bản Co Sáng (xã Ẳng Nưa) cho biết: Hơn 5 năm làm việc cho Doanh nghiệp Đại Bách, từ chỗ cuộc sống khốn khó, cái đói nghèo đeo bám, nhờ có việc làm ổn định quanh năm từ cây cà phê nên gia đình đã mua được ti vi để xem, sắm xe máy để đi... Không những thế, mình làm tốt thì doanh nghiệp động viên, thưởng thêm vào những ngày thu hái cà phê vào chính vụ. Không chỉ mình mà bà con trong bản đều xin vào doanh nghiệp để có việc làm, khi nông nhàn, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, mặc dù ngành chuyên môn đã sâu sát trong việc kiểm soát hoạt động chăn nuôi, mua bán động vật hoang dã, tuy nhiên tình trạng gây nuôi, kê khai chưa đúng quy định pháp luật vẫn còn diễn ra, gây khó khăn cho cơ quan chức năng lẫn người nuôi.
Giá bán giảm mạnh đã làm kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông - lâm - thủy sản “bốc hơi” 1,82 tỉ USD trong 10 tháng đầu năm
Giá trị sản xuất trên mỗi diện tích canh tác thấp, các khoản vay không đủ trang trải, nông sản chủ lực phát triển tự phát… là những nút thắt khiến nông nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh với thế giới trong bối cảnh hội nhập.
Nhiều doanh nghiệp lớn bắt đầu tham gia vào chuỗi cung ứng giết mổ và phân phối thịt bò về tận các địa phương, khiến số lượng bò nhập khẩu từ Australia đã tăng gần 6 lần trong thời gian từ 2012-2014.
Với xu hướng tăng trưởng âm như hiện nay, xuất khẩu thủy sản năm 2015 của Việt Nam được dự báo giảm 15% so với 2014.