Để Nuôi Thỏ Trở Thành Mỏ Vàng
Hiện nay, thỏ là vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ trong tỉnh Bắc Giang. Thêm vào đó, đầu tháng 6-2013, Công ty dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản khởi công xây dựng nhà máy Công nghệ sinh học KONISHI Việt Nam tại KCN Quế Võ (Bắc Ninh) với công suất chế biến, tiêu thụ 2 triệu con thỏ thương phẩm/năm, mở ra triển vọng cho nghề chăn nuôi thỏ ở Bắc Giang.
Nguồn lợi sinh sôi
Năm 2006, anh Dương Trí Tuệ, người gốc xã Nội Hoàng (Yên Dũng) tới thôn 3, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) lập nghiệp. Thời gian đầu gia đình anh nuôi 50 con thỏ sinh sản. Anh Tuệ cho biết, thỏ là loài vật dễ nuôi, có thể tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho thỏ, vốn đầu tư thấp, quay vòng nhanh, phù hợp điều kiện chăn nuôi nông hộ. Một năm thỏ có thể đẻ 6 đến 7 lứa, mỗi lứa từ 6 đến 7 con.
Sau ba tháng nuôi, trọng lượng đạt 2,5 - 3 kg/con. Thịt chứa nhiều chất dinh dưỡng, lông và da để làm áo, mũ, đồ thủ công mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao. Sau gần 7 năm chăn nuôi thuận lợi, đến nay, đàn thỏ của gia đình anh lên tới gần 5 nghìn con, trong đó thỏ bố mẹ đạt gần 600 con, lớn nhất tỉnh.
Mỗi tháng gia đình anh xuất bán trung bình 2 tấn thỏ giống và thương phẩm ra thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Yên Bái, Thanh Hoá, Nghệ An… Trừ chi phí, anh thu lãi hơn 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên với thu nhập hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Hiện anh Tuệ đang đầu tư xây dựng thêm hai trang trại nuôi thỏ nữa tại xã Hương Sơn (Lạng Giang) và xã Tân Tiến (TP Bắc Giang).
Với 150 con thỏ bố mẹ, gia đình anh Hoàng Bạch Dương - Chủ nhiệm HTX Quyết Tiến, thôn Nghĩa Vũ, xã Nghĩa Trung (Việt Yên), mỗi tháng xuất bán gần 300 thỏ giống, 100 thỏ thương phẩm, lãi hơn 280 triệu đồng/năm. Hiện con giống của gia đình anh được các hộ nuôi trong tỉnh đánh giá có tỷ lệ sống cao và sinh trưởng tốt.
Vì thế người ở nhiều tỉnh, thành khác cũng tìm đến đây mua giống. Từ kinh nghiệm thực tế, anh Dương nhận tư vấn miễn phí, cung cấp một số bài thuốc chữa bệnh thông thường cho thỏ do chính anh đúc kết. Năm 2008 vùng này chỉ có gia đình anh nuôi thỏ, đến nay đã có hàng chục hộ làm theo.
Cơ hội cho người nuôi thỏ
Tháng 2-2011, Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Bình (Giám đốc trại thỏ Việt - Nhật Ninh Bình), chủ nhiệm Dự án sản xuất, cung cấp thỏ trắng thương phẩm (giống New Zeland) cho Công ty Dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản đã khảo sát và quyết định thành lập hai vùng chăn nuôi thỏ nguyên liệu tại Bắc Giang (đặt tên là vùng số 6 và số 7).
Theo đó, dự án đã tài trợ hơn 1,2 tỷ đồng để phát triển đàn thỏ cho các vùng này. Đến nay, Bắc Giang có 35 hộ chăn nuôi tham gia dự án với số lượng thỏ sinh sản đạt hơn 5 nghìn con (gấp gần 5 lần so với cam kết ban đầu).
Sau khi kiểm tra thực tế ở các tỉnh tham gia dự án, đặc biệt là các vùng chăn nuôi ở Bắc Giang, ông Kazuyuki Yamane, Tổng Giám đốc Công ty KONISHI Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác của các hộ nuôi thỏ tại Bắc Giang. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để hãng dược phẩm này đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Ông Kazuyuki Yamane, Tổng Giám đốc Công ty KONISHI tại Việt Nam (thứ 4 từ trái sang) thăm trang trại nuôi thỏ của gia đình anh Hoàng Bạch Dương (tháng 5-2013).
Ngày 7-6-2013, hãng dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản khởi công xây dựng Nhà máy công nghệ sinh học tại Khu công nghiệp Quế Võ - Bắc Ninh. Nhà máy chuyên sản xuất dược phẩm với nguồn nguyên liệu chiết xuất từ da thỏ trắng (giống thỏ New Zealand), công suất tiêu thụ 3.700 con/ngày (giai đoạn I), dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 4-2014.
Theo giáo sư Đinh Văn Bình, do các hộ tại Bắc Giang đã cam kết, thực hiện tốt việc triển khai vùng nguyên liệu nên thời gian tới, dự án sẽ tăng thêm hai vùng nuôi thỏ, nâng thị phần cung cấp thỏ của Bắc Giang cho nhà máy lên 40%.
Theo cách tính của ông Bình, bình quân một tháng mỗi thỏ nái cho 2 con đạt tiêu chuẩn thì Bắc Giang cần có đàn thỏ sinh sản hơn 25 nghìn con mới đủ 40% lượng thỏ khi nhà máy đi vào hoạt động. “Dự án sẽ chịu trách nhiệm cung cấp con giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và thu mua toàn bộ số thỏ đạt tiêu chuẩn” - Ông Bình khẳng định.
Tránh “vết xe đổ”
Thực tế cho thấy, do lợi nhuận cao nên hiện nay nhiều cơ sở đã ồ ạt xuất bán con giống không bảo đảm chất lượng ra thị trường, dẫn đến tỷ lệ thỏ sống thấp, tăng trưởng kém. Nhiều người lợi dụng nguồn cung khan hiếm, đẩy giá thỏ giống lên cao (có thời điểm lên tới 180 nghìn đồng/kg). Bên cạnh đó việc phòng, chống dịch bệnh chưa được quan tâm nên có không ít hộ lao đao vì thỏ chết.
Để tránh đi vào “vết xe đổ” của các vật nuôi khác như nhím, chồn nhung đen… cơ quan chức năng cần định hướng, giúp đỡ các hộ chăn nuôi thỏ trên địa bàn; hỗ trợ xây dựng các mô hình khuyến nông hiệu quả về chăn nuôi thỏ phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế, tránh tăng đàn tràn lan. Kiểm soát chất lượng giống; hỗ trợ đào tạo kỹ thuật, ứng dụng các biện pháp chăn nuôi tiên tiến cho các hộ; trợ giúp thông tin về thị trường, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Đặc biệt, các hộ chăn nuôi thỏ cần giữ chữ tín trong việc cam kết cung cấp thỏ thương phẩm cho các nhà máy chế biến; tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá cả, đánh mất thị trường và thương hiệu. Hướng chăn nuôi thỏ mở ra với nhiều thuận lợi, nhưng cũng có rất nhiều vấn đề đòi hỏi người chăn nuôi, nhà quản lý, doanh nghiệp thu mua có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa để nguồn lợi từ thỏ trở thành “mỏ vàng” để các bên cùng khai thác.
Theo Phòng chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT), toàn tỉnh có khoảng 260 hộ nuôi thỏ với tổng đàn hơn 19 nghìn con, tập trung ở các huyện Lục Ngạn, Hiệp Hoà, Tân Yên, Sơn Động và Việt Yên. Từ đầu năm đến nay, giá thỏ thương phẩm ổn định ở mức 60 - 70 nghìn đồng/kg, thỏ giống 120 nghìn đồng/kg. Người chăn nuôi lãi khoảng 20 nghìn đồng/kg.
Có thể bạn quan tâm
Toàn tỉnh hiện có 1.309 tàu cá, trong đó có 1.234 tàu đăng ký, đăng kiểm (tổng công suất 169.745 CV; tổng số thuyền viên 6.990 người); trong đó tàu cá đánh bắt xa bờ 493 tàu; sản lượng thủy sản khai thác 8.868 tấn (trong đó tôm 1.386 tấn, cá và thủy sản khác 7.482 tấn).
Về xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn, Bình Định) những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, chúng tôi thật ấn tượng với không khí nhộn nhịp chuẩn bị đón xuân mới của người dân địa phương. Năm nay nhân dân Tam Quan Bắc ăn Tết vui nhờ nghề cá đạt hiệu quả kinh tế cao.
Đã qua mùa nước lớn, sông Tiền vẫn mênh mang, khoáng đạt như sóng lụa dạt dào bao quanh xứ lụa Tân Châu (An Giang). Tưởng vẫn còn nghe đâu đây câu hò :“Bên nàng mặc lãnh Mỹ A, Đưa đò sang chợ, tưởng xa hóa gần...”. Những bè nuôi cá lồng quây quần thành từng cụm rải rác hai bờ sông từ lâu đã thành một phần không thể thiếu để hoàn thiện bức tranh sông nước sống động.
Đời ngư dân quanh năm lấy thuyền làm bạn, xem biển là nhà và đánh bắt hải sản cốt sao vò gạo gia đình không bị vơi. Thế nhưng, nhiều khi biển "nổi sóng" lại khiến họ lắm phen lao đao, đơn cử như Xuân Giáp Ngọ năm nay…
Mặc dù sản lượng, giá cá ngừ thấp nhưng những ngày giáp Tết Nguyên đán, ngư dân TP Tuy Hòa vẫn hồ hởi, tấp nập cho tàu cập bến, vận chuyển cá lên bờ bán cho các thương lái.