Để Lúa Hương Việt 3 Bay Xa!
Gắn bó quá nửa đời người với mảnh đất xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên). Trong 40 năm có lẻ ấy, ông Nguyễn Văn Biền, hiện là Giám đốc Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương đã chứng kiến bao mùa lúa chín. Với người nông dân xã ông, việc cày sâu, cuốc bẫm thì có thừa, nhưng để thử nghiệm một giống cây trồng mới thì họ còn e dè lắm. Bởi vậy, ông đã tự tìm tòi để đưa giống lúa Hương Việt 3 về với nông dân Thanh Hưng.
Vụ trồng thử nghiệm đầu tiên thành công rực rỡ, càng thôi thúc ông mở rộng thêm diện tích để mong giống lúa dẻo, thơm hương bay xa mãi.
Chúng tôi có mặt tại cánh đồng trồng thử nghiệm lúa Hương Việt 3 thuộc đội 4, xã Thanh Hưng khi bà con nông dân đang thu hoạch lúa. Hòa lẫn với tiếng máy tuốt lúa rào rào, tiếng bà con í ới gọi nhau vận chuyển lúa tới để kịp tuốt mẻ tiếp theo; khung cảnh nhộn nhịp bởi máy không nghỉ mà người cũng không ngơi tay.
Đứng quan sát từng mẻ lúa đã tuốt, ông Biền kể: Sau khi hộ đầu tiên thu hoạch, tôi tiến hành cân thử luôn, kết quả vô cùng khả quan, năng suất đạt 7 tạ/1.000m2 tương đương 7 tấn/ha/vụ. Hôm nay, khi đứng đây, chứng kiến bà con tuốt lúa, hạt lúa mẩy đều, tỷ lệ thóc lép rất ít, tôi thấy vui quá, hạnh phúc quá, như thể vừa trút gánh nặng mà bấy lâu nay đã trót mang.
Đưa chúng tôi về nhà ông (ngay gần đó), bên chén trà “cắm tăm”, ông tiếp tục câu chuyện còn đang dang dở về giống lúa Hương Việt 3. Làm phó chủ tịch xã rồi tới chủ tịch xã Thanh Hưng nhiều năm, trải qua biết bao mùa gặt, gắn bó với “Cánh đồng Mường Thanh vang danh gạo tám”, nhưng hết mùa này, rồi lại mùa tiếp vẫn giống ấy nên độ ngon, độ thơm của hạt gạo tám (Bắc thơm số 7) giảm đi nhiều.
Cuối năm 2012, ông Biền nghỉ hẳn công việc ở xã, ông thấy mình trăn trở nhiều hơn với dự định bấy lâu nay: Tìm một giống lúa mới thay thế có năng suất, chất lượng vượt trội, chống chịu sâu bệnh tốt, để không phụ thuộc nhiều vào thuốc BVTV. Giấc mơ vươn xa hơn rằng chẳng những thứ gạo quý ấy phục vụ nhu cầu trong nước mà có thể sánh vai với gạo Thái Lan xuất khẩu nước ngoài. Chỉ với chừng ấy suy nghĩ thôi, đã đủ làm ông trăn trở suốt 2 năm trời.
Đầu năm 2014, ông Biền về Viện nghiên cứu và Phát triển cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đề nghị giúp giống lúa. Sau khi nghe ông trình bày, Thạc sỹ Vũ Hồng Quảng, là “cha đẻ” của giống lúa Hương Việt 3 đã nhận giúp đỡ. Một cán bộ chuyên ngành trồng trọt được cử lên Điện Biên khảo sát địa hình, thổ nhưỡng. Còn ông thì gõ cửa từng hộ dân đội 4 để vận động trồng thử nghiệm.
Ông kể: Lúc đầu, bà con nông dân đội 4 phản đối dữ lắm, họ bảo lúa ấy cấy ra hỏng hết thì lấy gì ăn? Lúc đấy bắt đền ai? Và nếu có được mùa thì ai mua, hay lại như những dự án trồng ớt, trồng gừng trước đây thu hoạch về để làm cảnh, mà chẳng thấy doanh nghiệp nào mua cho?
Không nản, với cách tuyên truyền theo kiểu “mưa lâu thấm lâu” ông cứ kiên trì vận động để bà con hiểu, thế rồi có 7 trên tổng số 20 hộ của đội 4 nhận cấy thử nghiệm. Vụ mùa 2014, Viện nghiên cứu và Phát triển cây trồng đã cung ứng 100kg giống lúa thuần Hương Việt 3 cho 7 hộ tham gia với diện tích 1ha.
Để có thể nắm chắc phần thắng trong tay và lời hứa chắc nịch với 7 hộ dân rằng vụ mùa này sẽ thành công, ông Biền lặn lội về tận tỉnh Thanh Hóa xem nông dân cấy thử nghiệm giống lúa Hương Việt 3 và thu hoạch với năng suất 3 tạ/sào (sào Trung Bộ bằng 500m2).
Ông bảo đến nay, ở nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã đem Hương Việt 3 cấy đại trà. Giống lúa thuần Hương Việt 3 được Viện nghiên cứu và Phát triển cây trồng nghiên cứu từ năm 2005 cho đến 2012 mới đưa vào trồng thử nghiệm tại tỉnh Thanh Hóa.
Bà Nguyễn Thị Sẫm, hộ tham gia mô hình có năng suất cao nhất đội; đạt 7,2 tạ/1.000m2 chia sẻ: “Qua theo dõi chu kỳ sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa, tôi nhận thấy đây là giống lúa thuần thân cây cứng và khỏe, chống chịu sâu bệnh tốt; nhất là bệnh bạc lá và bệnh vàng lùn. Cây có thời gian sinh trưởng nhanh; đặc biệt từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi chưa phải phun đợt thuốc BVTV nào”.
Theo tài liệu của Viện nghiên cứu và Phát triển cây trồng cung cấp: Lúa Hương Việt 3 có thời gian sinh trưởng dài ngày hơn giống lúa Bắc thơm số 7 từ 7 – 10 ngày. Bởi vậy, vụ mùa có thời gian sinh trưởng từ 103 – 105 ngày, vụ đông xuân từ 132 – 135 ngày; cây cao trung bình từ 103 – 105cm, bông dài 26 – 30cm; hạt chắc đạt 115 – 125 hạt/bông, hạt gạo dài, bóng, dẻo thơm.
Gieo cấy lúa thuần Hương Việt 3 như những giống lúa thông thường, chỉ lưu ý khi lúa đẻ nhánh tối đa từ 6 - 8 dảnh/khóm, thì tiến hành rút nước, phơi ruộng để hạn chế sự đẻ nhánh, tạo điều kiện cho cây lúa cứng; chống chịu tốt với điều kiện khí hậu bất thường và sâu bệnh. Nếu gieo cấy đúng quy trình kỹ thuật năng suất có thể đạt từ 7 – 8,5 tấn/ha.
Tiếp câu chuyện, ông Biền nói thêm: Nếu dân đã tin thì dù có bảo họ đừng làm họ vẫn cứ làm. Để minh chứng cho lời mình nói, ông chìa tay đưa tôi xem danh sách các xã đăng ký mua giống lúa Hương Việt 3 để gieo cấy vụ đông xuân 2014 – 2015, gồm: Thanh Hưng, Thanh Xương, Thanh Yên và Thanh Chăn với diện tích khoảng 30ha. Để có được diện tích gieo cấy “ấn tượng”, người nông dân đã chấp nhận gieo “giống lạ”, ông Biền khẳng định sẽ mua toàn bộ số thóc nông dân cấy được với giá chênh lệch cao hơn thị trường là 1.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, doanh nghiệp của ông bán giống trả chậm và cam kết hỗ trợ công xay xát để gạo đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn.
Từ thành công vụ mùa năm 2014 với năng suất đạt từ 6,8 – 7,2 tạ/1.000m2 và diện tích gieo cấy Hương Việt 3 vụ chiêm xuân 2014 – 2015 khẳng định giống lúa mới đã thực sự tìm được chỗ đứng trong lòng nông dân. Còn đối với ông Biền, niềm vui ấy còn nhân lên gấp bội, khi được ký kết hợp đồng với Tổng Công ty lương thực Miền Bắc - đơn vị nhận thu mua hết số gạo giống lúa Hương Việt 3 sản xuất trong năm 2015. Giải thích về hợp đồng này, ông kể: Phấn khởi bởi vụ mùa thành công mỹ mãn, ông đem ít gạo Hương Việt 3 gửi vào một số siêu thị tại TP. Hà Nội để chào hàng và đã trúng hợp đồng này.
Niềm vui và ước mong hương lúa Hương Việt 3 bay xa của ông Biền đã dần trở thành hiện thực. Đối với ông, niềm mong mỏi lúa Hương Việt 3 sẽ dần thay thế giống lúa địa phương và thành một trong số bộ giống chuẩn để làm phong phú thêm bộ giống, góp phần đưa gạo cánh đồng Mường Thanh bay xa mãi.
Có thể bạn quan tâm
Từ một vùng đất được coi là “điểm nóng” về ma túy, huyện Mộc Châu, đã vươn mình trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, đặc biệt là việc chăn nuôi bò sữa đang mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây. Nhiều hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.
Hội Doanh nhân trẻ Tây Ninh vừa khai trương cửa hàng rau sạch Tani G.A.P (TP.Tây Ninh). Đây là cửa hàng rau sạch đầu tiên ở Tây Ninh.
Công nhân nuôi tôm tại cơ sở nuôi trồng thủy sản AquaScience trên đất liền ở Natal,Brazil. Cơ sở này được điều hành bởi khu nuôi thủy sản Camanor Produtos Marinhos Ltda.,khu nuôi có mức độ sản xuất cao với phương pháp ít thay nước.
Là một phần quan hệ đối tác với Trung tâm Công nghệ nuôi trồng Thủy Sản Việt Nam Đan Mạch (VIDATEC), DHI và cộng tác viên của chúng tôi đã bắt đầu thử nghiệm sáng tạo công nghệ nuôi trồng thủy sản trong một trang trại kinh doanh nuôi cá trê ở miền Nam Việt Nam.
Dù đã vào tuổi xấp xỉ 80, nhưng họ vẫn được hội viên, nông dân (ND) tín nhiệm “bắt” đảm nhận “chức” chi hội trưởng (CHT) chi hội nông dân. Họ trở thành những “già làng” của Hội ND. Với họ, tuổi cao, sức khỏe giảm nhưng nhiệt huyết, uy tín thì không giảm sút.