Để có một vụ lúa bội thu
Trước tình hình trên, tỉnh đã có nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ cùng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị để dập dịch, phòng trừ sâu bệnh, bảo đảm một vụ mùa thắng lợi.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ kiểm tra sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa tại huyện Cẩm Khê.
Có mặt tại xã Sông Lô, thành phố Việt Trì, nơi mà cách đây gần hai tháng cánh đồng lúa được dự báo sẽ mất mùa do sâu bệnh gây hại. Nhìn những thửa ruộng vàng ươm, bông lúa nặng trĩu hạt đang vào vụ thu hoạch, bà Hoàng Thị Dung ở khu 3 vui mừng cho biết:
“Lúc đầu chúng tôi cũng xác định toàn bộ diện tích này sẽ mất trắng do sâu cuốn lá, sâu đục thân hoành hành. Song nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ khuyến nông, cán bộ bảo vệ thực vật, vì vậy, chỉ sau vài ngày phun thuốc phòng trừ và theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, toàn bộ diện tích lúa của gia đình đã được cứu chữa kịp thời, sinh trưởng tốt”.
Chủ tịch UBND xã Sông Lô Nguyễn Văn Tảo chia sẻ:
“Chưa năm nào sâu bệnh diễn biến phức tạp như năm nay, nhất là sâu cuốn lá nhỏ phát sinh mật độ cao, mức độ gây hại gấp nhiều lần so với những năm trước. Để giúp bà con không rơi vào cảnh “trắng tay” do mất mùa, xã đã cử cán bộ trực tiếp xuống từng thửa ruộng cùng bà con nông dân dập dịch.
Đồng thời hướng dẫn bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, xã cũng chủ động liên hệ với các đơn vị cung ứng thuốc bảo vệ thực vật chậm trả cho người dân, bảo đảm thuốc chất lượng, sử dụng theo phương châm phun đúng, phun đủ và hiệu quả. Nhờ đó toàn bộ diện tích lúa của xã đã được cứu kịp thời, năng suất ước đạt 1,8 tạ/sào, cao hơn vụ mùa năm trước”.
Tại các xã Hương Nộn, huyện Tam Nông và xã Phương Xá, huyện Cẩm Khê, mặc dù mới đầu vụ thu hoạch nhưng bà con đã thu hoạch gần xong lúa mùa. Do tổ chức gieo trồng sớm cho nên vụ lúa năm nay, xã thu hoạch lúa trước những địa phương khác trong tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Tâm, khu 5, xã Hương Nộn cho biết, năm nay thời tiết diễn biến bất thường, đúng vào lúc sâu bệnh nhiều thì trời liên tục đổ mưa khiến cho việc phòng trừ gặp rất nhiều khó khăn. Cứ phun thuốc trừ sâu xong là trời lại mưa, nhiều lúc nghĩ năm nay chắc chắn sẽ mất trắng.
Rất may trong thời gian này, chính quyền huyện và địa phương liên tục có mặt giúp bà con cách phòng trừ sâu bệnh hiệu quả. Như nhà tôi có 3 sào hiện đã gặt xong, năng suất đạt đến 2 tạ/sào, cũng cao như năm trước.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông Phan Văn Tài cho biết, toàn huyện có gần 1.700 ha, trong đó hầu hết diện tích lúa đều bị sâu cuốn lá và sâu đục thân gây hại, nhiều diện tích bị nhiễm nặng có nguy cơ mất trắng.
Huyện đã quyết liệt chỉ đạo phun thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo và hướng dẫn của tỉnh. Nhờ vậy, các xã lựa chọn được đúng loại thuốc để phòng, chống hiệu quả sâu bệnh gây hại, bảo đảm được năng xuất, chất lượng cây trồng. Riêng vụ lúa mùa năm 2015, dự kiến năng suất lúa toàn huyện đạt bình quân 54,5 tạ/ha, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ, trong vụ mùa này, toàn tỉnh có 22.400 ha trong số 33.300 ha lúa bị nhiễm bệnh, trong đó có hơn mười nghìn ha bị nhiễm nặng với mật độ từ 400 - 700 con/m2.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải cho biết, trước diễn biến phức tạp của thời tiết và sâu bệnh hại lúa, Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp bằng mọi biện pháp phải bảo đảm phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, không để mất mùa.
Trong thời gian này, tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo với các thành viên là đại diện các sở, ngành trực tiếp xuống đồng ruộng cùng bà con tìm biện pháp dập dịch. Đồng thời yêu cầu, nếu thời tiết tiếp tục có mưa kéo dài, phun thuốc không hiệu quả, các địa phương huy động nhân lực cùng bà con xuống đồng ngắt bỏ lá có sâu để tiêu hủy tại ruộng để giảm mật độ, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất và tránh gây hại trên lúa.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn bà con lựa chọn, hướng dẫn sử dụng thuốc và kiểm soát chất lượng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng những loại thuốc trong danh mục cấm sử dụng; tăng cường công tác kiểm tra, làm tốt công tác dự báo sâu bệnh và hướng dẫn bà con biện pháp phòng trừ theo đúng kỹ thuật.
Nhiều địa phương còn bỏ kinh phí hỗ trợ người dân mua thuốc bảo vệ thực vật giúp bà con phòng trừ sâu bệnh hiệu quả.
Với công tác chỉ đạo quyết liệt, kịp thời và triển khai các giải pháp kịp thời, nhiều vùng lúa ở Phú Thọ đã đứng vững trước dịch bệnh.
Các trà lúa trên địa bàn hiện phát triển tốt, đang giai đoạn chắc xanh, đỏ đuôi và chín, nhiều nơi đã thu hoạch. Theo đánh giá ban đầu, vụ mùa này, Phú Thọ tiếp tục có khả năng lại được mùa với năng suất bình quân đạt hơn 54 tạ/ha.
Có thể bạn quan tâm
Với khoảng 5.000 ha, Bình Minh và Bình Tân là hai huyện trồng khoai lang nhiều nhất ở tỉnh Vĩnh Long, hàng năm sản xuất trên 200 ngàn tấn các giống khoai nổi tiếng như khoai nghệ, khoai đỏ, tím nhật, lục ngạn, bí đỏ...
Thị trường xuất khẩu đang tiến triển khả quan thì nguồn nguyên liệu và thiếu vốn đang đẩy nhiều doanh nghiệp và hộ nuôi vào cảnh “treo” ao và nhà máy ngừng hoạt động.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Tỏa cho biết: Những năm 2000 trở về trước, gia đình ông chủ yếu sống đựa vào nghề nông, trồng cây lúa, cây ngô, vất vả làm lụng nhưng nguồn thu nhập chẳng được là bao, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn thiếu thốn
Phối hợp với doanh nghiệp, Hội Nông dân (ND), Hội Phụ nữ... dạy những nghề ND cần; vừa hỗ trợ đầu vào và bao tiêu đầu ra các sản phẩm ND làm ra là mô hình ở huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa.
Hàm Yên (Tuyên Quang) tuy mới chỉ trải qua 3 mùa chọi trâu nhưng đã nức tiếng bởi những con trâu chọi khổng lồ có giá trên nửa tỷ đồng. Và nghề săn trâu chọi bắt đầu xuất hiện ở xứ cam sành một cách đầy thú vị.