Để cây mía lên đời
Việc người trồng mía thu hẹp diện tích, chuyển đổi dần sang các cây trồng khác nhằm tránh tình trạng thua lỗ kéo dài đã khiến các doanh nghiệp (DN) chế biến đường trong nước đối mặt với tình trạng “đói” nguyên liệu ngay trước thềm niên vụ mía đường 2015 - 2016.
Không khó để lý giải cho tình hình thu hẹp dần vùng nguyên liệu mía vì có nhiều ruộng mía bị sâu đục thân tàn phá khiến nông dân tốn chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật, nhưng năng suất vẫn giảm.
Thêm vào đó, giá thu mua mía từ các nhà máy (NM) đường năm rồi lại thấp, khoảng trên dưới 750.000 đồng/tấn mía cây (giảm 100.000 đồng - 150.000 đồng tấn so với niên vụ trước); các chính sách như bao tiêu chữ đường, phân lịch thu hoạch, kế hoạch thu mua mía… chưa được các NM đường quan tâm nên người nông dân bị lỗ nặng.
Vậy nên bà con nông dân đã “ngoảnh mặt” với cây mía, chủ động chuyển sang trồng mì, bắp và một số cây trồng khác, với hy vọng mang lại hiệu quả kinh tế khả dĩ hơn.
Ở ngay trong vùng Đông Nam bộ, nông dân tỉnh Đồng Nai trong vụ này cũng đã chặt khoảng 2.000ha mía nguyên liệu để chuyển sang trồng hoa màu, nuôi thủy sản nước lợ…
Tốc độ giảm diện tích trồng mía ở vùng Đông Nam bộ rất lớn, trong khi các DN chế biến đường lại không có vùng nguyên liệu ổn định, nên tình trạng thiếu mía cho sản xuất đường của các NM trong vụ này là điều khó tránh khỏi.
Trước tình trạng “nhỏ dần” vùng mía, nhiều DN đã có những giải pháp nhằm giữ được vùng nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Để đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất của NM, Công ty CP mía đường Thành Thành Công (tỉnh Tây Ninh) đã sang Campuchia thuê đất trồng khoảng 3.000ha mía và niên vụ 2015 - 2016, công ty cũng ký kết hợp bao tiêu sản phẩm với bà con trồng mía ở tỉnh Long An khoảng 2.000ha nữa.
Việc thuê đất trồng mía ở Campuchia hay mua mía từ Long An cũng chỉ là giải pháp tình thế để đáp ứng nhu cầu sản xuất của NM với công suất trên 8.000 tấn mía cây/ngày…
Tin vui cho người trồng mía ở tỉnh Tây Ninh là ngay những ngày đầu của niên vụ sản xuất 2015 - 2016, NM đường Biên Hòa Tây Ninh đã công bố chính sách thu mua mía, với chiều hướng gia tăng giá.
Theo đó, giá thu mua mía cơ bản từ đầu đến cuối vụ chế biến là 900.000 đồng/tấn 10 CCS (chữ đường) tại ruộng.
Ngoài giá thu mua cơ bản, NM còn có chính sách trợ giá mía sạch, trợ giá chữ đường, đảm bảo giá mía tối đa NM thu mua trong vụ này là 1.040.000 đồng/tấn.
Những thông số vừa nêu tuy nhỏ nhưng cũng làm “dịu lòng” nông dân, khi vài niên vụ qua họ lâm cảnh “trắng tay” do “đeo” cây mía trên đồng.
Miền Đông như vậy, còn ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên thực trạng có khác.
Cả khu vực này có 13 tỉnh, thành thì chỉ Gia Lai là “điểm sáng” duy nhất trong việc gắn kết giữa NM đường với người trồng mía.
Chỉ tính riêng phía Đông tỉnh Gia Lai, vùng nguyên liệu của NM đường An Khê (thuộc Công ty CP đường Quảng Ngãi) đã lên đến 26.000ha trong niên vụ sản xuất này, đứng vị trí “quán quân” trong cả nước.
Nên biết trước đây vào năm 2000, khi NM đường An Khê bắt đầu hình thành, cây mía của toàn vùng chỉ vẻn vẹn 2.400ha.
Những năm qua, khi giá cả “trồi sụt”, cây mía vẫn “hiên ngang” tồn tại nhờ mối liên kết giữa NM Đường An Khê và nông dân trồng mía theo chiều sâu, giúp cho nông hộ ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Hòe, Giám đốc NM đường An Khê, cho biết, đối với cánh đồng mẫu lớn, ngoài hỗ trợ thiết bị máy móc để cơ giới hóa, bà con nông dân còn được ưu tiên vốn, vật tư, bã bùn cải tạo đất, thu hoạch, vận chuyển… qua đó giúp người dân tận dụng tối đa quỹ đất, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm để đem lại lợi nhuận cao cho chính người trồng mía.
Trở lại vùng mía miền Đông Nam bộ và ĐBSCL, trước việc nông dân đang chuyển đổi dần từ cây mía sang trồng các cây khác, các địa phương cần sớm có quy hoạch lại ngành sản xuất mía đường theo hướng tạo những điều kiện tốt nhất để người trồng mía vững niềm tin để từ đó nâng cao giá trị cây mía.
Những NM nhỏ có công suất dưới 1.000 tấn mía cây/ngày và vùng nguyên liệu nhỏ lẻ cần sớm cơ cấu lại theo hướng sáp nhập vào các NM lớn hơn.
Việc tổ chức lại sản xuất theo hướng tinh, gọn, hiệu quả là rất cần thiết để tăng sức cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều nhà vườn trồng xoài cát Hòa Lộc nghịch mùa ở vùng Bảy Núi (An Giang) cho biết, hiện tại, thương lái thu mua xoài cát Hòa Lộc giá 20.000 đồng/kg, giảm khoảng 15.000 đồng so với vụ trước nên không có lời.
“Không ai xoá nghèo thay được cho ND, nhưng muốn ND tự vươn lên thì ngoài việc tăng cường đầu tư, hỗ trợ, phải giúp họ thay đổi nếp nghĩ, cách làm lạc hậu bao đời qua”- Chủ tịch Hội ND tỉnh Điện Biên, anh Sùng Chứ Thếnh nói.
Một nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) mới đây cho thấy, có tới hơn 50% số hộ gia đình nông thôn (HGĐNT) chịu các “cú sốc” về thu nhập với nhiều mức độ khác nhau.
20 năm là khoảng thời gian đủ dài để thay đổi cuộc đời con người. Tuy nhiên, ngần ấy thời gian vẫn chưa đủ để làm thay đổi cuộc sống của người dân dưới tán rừng tràm U Minh Hạ. Nhiều hộ có trách nhiệm rất cao trong công tác bảo vệ rừng, nhưng cuộc sống của họ vẫn còn khó khăn nhiều bề.
Giá trị sản xuất thủy sản 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt trên 83.000 tỷ đồng, tăng 2,53% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị nuôi trồng thủy sản ước đạt trên 45.000 tỷ đồng, khai thác đạt trên 38.000 tỷ đồng.