Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đầu tư tiền tỷ khởi nghiệp với vườn lan Dendro

Đầu tư tiền tỷ khởi nghiệp với vườn lan Dendro
Ngày đăng: 24/08/2015

Anh Chinh đã gắn với công việc kế toán gần 20 năm, nhưng niềm đam mê thật sự với anh vẫn là nông nghiệp.

Năm 2010, sau khi suy tính, anh quyết định nghỉ việc rồi cùng người em dốc  vốn thành lập công ty kinh doanh cây kiểng tại quận 7, TP HCM. Một thời gian sau, nhận thấy mặt hàng hoa lan ở trong nước không đủ cung cấp cho nhu cầu của thị trường và phải nhập khá nhiều từ Thái Lan, nên anh Chinh bắt đầu nghiên cứu thị trường, tính toán kỹ rồi lập đề án trồng lan với tổng mức đầu tư lên đến 20 tỷ.

Năm 2013, sau khi hoàn thành pháp lý dự án, công ty triển khai đầu tư xây dựng và cuối năm 2014 đưa vào trồng hoa lan trên diện tích 2ha của giai đoạn một với vốn vay 5 tỷ đồng từ ngân hàng. Tự mày mò học hỏi, tham gia các lơp học để nắm vững lý thuyết cơ bản, anh Chinh còn đi tìm những người có kinh nghiệm để nghiên cứu thêm trong thực tế.

Nhận thấy nghề trồng lan của người Thái phát triển rất mạnh, đi trước Việt Nam cả trăm năm, anh Chinh sang tận nơi mua giống về trồng. Vì chưa từng có kinh nghiệm, anh yêu cầu phía cung cấp cử chuyên gia kỹ thuật qua tận vườn để chuyển giao công nghệ cũng như cách chăm sóc vườn cây. “Giữa lý thuyết và thực tế rất khác nhau, hơn nữa nghề trồng lan đòi hỏi kinh nghiệm vì thế tôi chấp nhận trả mức lương cao để thuê chuyên gia kỹ thuật về chăm sóc vườn trong 3 tháng đầu tiên và định kỳ mỗi tháng một lần để giám sát quá trình phát triển của cây con”, anh nói.

Với 2 hecta đầu tiên, anh dành ra gần 3 tỷ để mua cây giống, chủ yếu là giống lan Dendro (loại lan trồng trên giàn); số tiền còn lại dùng xây dựng cơ sở vật chất từ làm giàn, vỉ trồng đến hệ thống phu sương. Hiện nay vườn lan của anh có 250.000 cây với 20 loại khác nhau. Bắt đầu trồng từ tháng 12/2014, đến nay 80.000 cây lan đã cho thu hoạch.

Trồng lan cần nguồn kinh phí lớn, vì thế anh Chinh chọn phương pháp trồng gối đầu để nhanh thu hồi vốn. Từ cây con đến lúc thu hoạch tầm 6 tháng đến một năm. Một tháng, vườn lan của anh cho cắt từ 3 đến 4 đợt. Mỗi bông có giá 600 đồng, cành lan trung bình bán ra ở mức 10.000 đồng. Anh cho biết, sau hai đợt bông đầu là có thể thu hồi được vốn cây giống, còn hai đợt bông sau có thể trả chi phí cho việc đầu tư cơ sở vật chất, công nhân…

Chia sẻ về việc chọn giống lan Dendro để trồng, anh Chinh cho biết: “Ở Việt Nam ít người trồng loại lan này vì khó trồng hơn so với lan Mokara (loại lan trồng dưới đất). Mặc dù cây giống rẻ hơn lan Mokara (60.000 - 70.000 đồng một cây), nhưng tính luôn cây con và chi phí làm giàn trồng thì lan Dendro tiết kiệm chi phí hơn”.

Lan có nhiều loại, nhiều màu, nhưng anh Chinh chủ yếu trồng lan cho hoa màu tím và trắng, vì hai loại màu này rất được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, anh còn đầu tư trồng bằng chậu để bán vào những dịp lễ, Tết.

Khác với những loại lan trồng dưới đất hoặc trồng bằng than, vườn lan của anh Chinh chủ yếu trồng bằng sơ dừa và trồng trên giàn, nên phải đầu tư khá kỹ để xây dựng hệ thống vỉ đựng, chậu, bành. So sánh với việc trồng lan bằng than anh phân tích: “Tôi tận dụng sơ dừa từ miền Tây với mức kinh phí bỏ ra thấp hơn so với việc trồng bằng than. Tuy nhiên, sơ dừa giữ nước lâu, không thoát nhanh như than vì thế cần đặc biệt chú trọng cách tưới để đảm bảo lượng nước cần thiết cho cây”, anh Chinh nói và cho biết thêm lan khá nhạy cảm, nắng trực tiếp sẽ làm cháy lá. Có loại lan cần 40-50% hoặc 80% ánh sáng để trổ bông, vì thế cần phải chọn loại lưới phù hợp với từng loại cây. Đối với những loại sâu bệnh, anh Chinh chủ trương sử dụng thuốc sinh học để bảo vệ môi trường, tuy có đắt hơn nhưng sẽ hạn chế được những rủi ro vì lan rất nhạy cảm. Thuốc trừ sâu thông thường có thể trị tận gốc mầm bệnh nhưng làm lan mất sức và rất khó hồi phục.

Hiện nay vườn lan của anh có 6 công nhân và sẽ đầu tư giai đoạn 2 với 2,3ha còn lại vào quý IV/2015, trong đó có phòng cấy mô hiện đại nghiên cứu sản xuất cây con giống. Quy mô khi hoàn thành dự án là 500.000 cây hoa lan và hàng tháng đưa ra thị trường khoảng 100.000 cành. Với thị trường ổn định hiện nay, Công ty dự kiến khoảng 3 năm sẽ thu hồi vốn.


Có thể bạn quan tâm

Những Vườn Cây Bạc Tỉ Những Vườn Cây Bạc Tỉ

Trong khi nhiều người đang đau đầu với bài toán trồng - chặt thì ở xã Long Trị, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) nhiều người phất lên và trở thành tỉ phú nhờ cây cam xoàn. Trong số đó phải kể đến ông Nguyễn Văn Đen (Sáu Đen - PV) ở ấp 2 của địa phương này.

09/06/2014
Hiệp Sĩ Cứu... Tôm! Hiệp Sĩ Cứu... Tôm!

Bất kể ngày hay đêm, ông Đào Văn Non (ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) vẫn làm việc với đam mê cháy bỏng.

19/05/2014
Dưa Bở Được Giá Dưa Bở Được Giá

Giá bán dao động từ 5000-7000 đ/kg, cao hơn năm ngoái từ 2000-3000 đ/kg, như vậy gần 1 mẫu ruộng trồng dưa bở cũng cho thu hoạch gần 50 triệu đồng cả vụ.

09/06/2014
Lào Cai Và Bắc Giang Xúc Tiến Để Tiêu Thụ Vải Thiều Lào Cai Và Bắc Giang Xúc Tiến Để Tiêu Thụ Vải Thiều

Ngày (7/6), UBND 2 tỉnh Bắc Giang và Lào Cai tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để vải thiều được thông thương thuận lợị.

09/06/2014
Cùng Người Dân Bảo Vệ Đầm Phá Cùng Người Dân Bảo Vệ Đầm Phá

"Quỹ hỗ trợ sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình" (Paraff) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng dự án "Huy động sự tham gia của người dân bảo vệ môi trường phá Tam Giang" tại xã Quảng Thái và Quảng Lợi, huyện Quảng Điền.

09/06/2014