Đâu Là Lối Ra Cho Cá Rô Hậu Giang?
Chi phí đắt đỏ, thiếu thị trường tiêu thụ là những áp lực đang đè nặng trên vai người nuôi cá rô Hậu Giang (cá rô đầu vuông), khiến người dân thiếu mặn mà với loại đặc sản này.
Thị trường tiêu thụ hẹp, trong khi chi phí đầu vào cao là những áp lực mà người nuôi cá rô Hậu Giang đang gặp phải.
Không thể phủ nhận, vài năm trước, cá rô Hậu Giang là loại thủy sản làm giàu cho nhiều hộ dân. Nhưng giờ đây, người nuôi cá có ý định “treo” ao vì áp lực nhiều.
Thương lái cho biết, hiện nay, thị trường tiêu thụ cá rô hẹp, chủ yếu bỏ mối cho các chợ trong nước, xa hơn là các tỉnh lân cận ở Campuchia. Đặc biệt, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng thịt cá nên hạn chế sử dụng. Đây là nguyên nhân khiến giá cá giảm mạnh. Giá cá rô thu mua tại ao nuôi chỉ ở mức 22.000-24.000 đồng/kg, giảm từ 5.000-7.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2013.
Một số hộ nuôi cá rô cho rằng ngoài giá bán thấp thì nguyên nhân khiến họ thua lỗ nặng là do áp lực giá thức ăn tăng mạnh. Ông Phạm Ái Việt, ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, cho biết: “Khoảng hai năm trước, giá một bao thức ăn chỉ ở mức 235.000-278.000 đồng/bao nhưng hiện nay đã vượt mức 370.000-380.000 đồng/bao. Đó là chưa kể đến tiền thuốc, chi phí chăm sóc khi cá bệnh. Tính trung bình, mỗi 1.000m2 diện tích ao nuôi cá phải tốn gần 38 triệu đồng tiền thức ăn. Như vậy, với 0,7ha hiện tại của gia đình thì tính riêng tiền thức ăn đã lên đến 266 triệu đồng (chưa kể chi phí khác)”.
Mặt khác, người dân phản ánh, thời gian gần đây chất lượng thức ăn cũng giảm sút. Cùng mật độ thả nuôi, mức tiêu tốn thức ăn tăng từ 1,5kg cho 1kg cá vọt lên 2kg, thậm chí 3-4kg. Như vậy, nếu không kể về kỹ thuật nuôi thì chứng tỏ thức ăn thừa tạp chất nhưng thiếu đạm. Do đó, dù giá cá có tăng lên mức 26.000-27.000 đồng/kg thì thời gian nuôi kéo dài cũng đủ khiến người nuôi bị lỗ nặng.
Bên cạnh đó, người nuôi gặp khó một phần cũng do thiếu vốn. Từ đó, muốn làm ăn lớn buộc phải vay ngân hàng. Tuy nhiên, lãi suất quá cao nên khi thu hoạch xong thì người nuôi vẫn hoàn tay trắng. Ông Huỳnh Văn Chiếu, ở ấp 7, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, chia sẻ khó khăn: “Khi đầu tư nuôi cá trên 0,4ha thì gia đình tôi phải vay gần 300 triệu đồng mới đủ vốn, mức lãi suất là 11%/năm. Vậy nên, kể cả tiền thức ăn, tiền con giống và tiền lãi thì sau khi thu hoạch, bán cá thì chỉ hoàn vốn”.
Thông tin từ Trạm Khuyến nông huyện Vị Thủy, cá rô đã dần bị thu hẹp về diện tích cũng như số lượng. Hiện, các cơ sở thức ăn không còn bao tiêu thức ăn như trước. Các hộ nuôi thường xuyên bị thua lỗ nên nguồn vốn nội lực đã cạn dần, khả năng tái đầu tư là rất thấp.
Một số hộ đã treo ao trong thời gian dài, thậm chí còn lấp ao hoặc chuyển đổi sang nuôi ba ba, lươn, rắn ri voi,… Nhiều hộ lỗ lã đã bỏ đi nơi khác, chỉ còn số ít hộ cố cựu vẫn giữ vững diện tích.
Chuyển đổi sang các loại vật nuôi khác dù chỉ mang tính tình thế nhưng nhiều hộ nuôi cá rô vẫn phải chấp nhận. Tuy nhiên, cá rô Hậu Giang đã trở thành một thương hiệu, do đó địa phương cần có chiến lược phát triển để khẳng định giá trị vật nuôi này.
Việc cân nhắc tìm hướng đi mới cho vật nuôi đầy tiềm năng là việc làm cần thiết hiện nay. Tuy nhiên, muốn vực dậy nghề cần có sự trợ giúp từ nhiều phía. Ông Nguyễn Văn Vui, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, cho biết: “Vị Thủy đang tập trung mọi nguồn lực cho các mô hình thế mạnh của địa phương. Bắt đầu từ việc đầu tư từng phần và có trọng điểm”.
Theo ông Phạm Ái Việt, người nuôi cá rô vẫn có khả năng tồn tại nếu có nguồn vốn mạnh và nuôi theo quy trình khép kín. Do đó, nếu có chính sách hỗ trợ, khả năng phát triển nghề một cách bền vững là điều có thể thực hiện được. Vấn đề đặt ra là bao giờ các ngành chức năng có cơ chế tác động đồng bộ từ nhiều mặt để người nuôi không quay lưng với loại đặc sản này ?
Tính đến nay, tổng diện tích nuôi thủy sản của huyện Vị Thủy là 1.488ha, trong đó cá rô đầu vuông chỉ có 15,38ha với khoảng 66 hộ nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Sau một thời gian tìm đến các mô hình sản xuất, chăn nuôi trang trại lớn ở trong huyện, trong tỉnh học tập kinh nghiệm, đến năm 2008 ông Chương đã mạnh dạn bàn bạc với gia đình vay thêm vốn đầu tư xây dựng trang trại để chăn nuôi lợn với tổng số vốn gần 1 tỷ đồng.
Diện tích tự nhiên hơn 4.800ha, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn có 3.006 hộ với 12.084 khẩu sinh sống ở 22 khu dân cư, trong đó dân tộc Kinh chiếm 48%, Mường 46%, còn lại là dân tộc Dao và dân tộc khác.
Hiện nay ở Sóc Trăng phần lớn diện tích hè thu đang giai đoạn đẻ nhánh. Thời tiết đang tạo điều kiện thuận lợi để bệnh đạo ôn bộc phát gây hại trên nhiều ruộng lúa.
Với mục tiêu thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, mới đây, Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch hành động với 8 nhiệm vụ cụ thể, trong đó có 6 nội dung sẽ thực hiện trong 2 năm (2014 và 2015) và 2 nội dung được thực hiện hằng năm.
"Khi Trung Quốc ngừng thu mua chắc chắn doanh nghiệp sẽ chết 100%, vì nếu không bị lệ thuộc cũng rơi vào tình trạng bị ép giá không có lãi"- Bầu Đức nói.