Đâu Là Giống Cây Trồng Chủ Lực?
Sau hàng chục năm tìm kiếm, đến nay, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã xác định được một số giống cây trồng chủ lực. Thế nhưng, việc hỗ trợ cho người dân tập trung phát triển những giống cây này còn gặp nhiều khó khăn.
Những cây trồng thích nghi, cho thu nhập khá
Việc tìm giống cây trồng chủ lực là để tập trung sức phát triển loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa phương. Việc trồng các loại cây lương thực như: lúa, bắp, đậu, mì là chuyện bình thường bởi nơi nào cũng trồng được, nhưng để có loại cây chủ lực lại không dễ dàng.
Trong khi huyện miền núi Khánh Sơn đã tìm ra bộ cây trồng chủ lực từ rất lâu với sầu riêng, mía tím và cà phê, thì ở huyện Khánh Vĩnh, cơ quan chức năng và người dân đã mất rất nhiều năm tìm kiếm.
Do chưa tìm ra giống cây trồng chủ lực nên việc định hướng sản xuất ở huyện Khánh Vĩnh vẫn còn chưa rõ ràng, trồng đến đâu thử nghiệm đến đó. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đến thời điểm này, một số cây trồng có xu hướng thích nghi tốt với khí hậu, thổ nhưỡng ở Khánh Vĩnh, có thị trường tiêu thụ và được người dân quan tâm là: sầu riêng, bưởi da xanh và mít nghệ.
Hiện nay, tổng diện tích trồng cây sầu riêng trên toàn huyện gần 50ha, tập trung tại các xã: Sông Cầu, Khánh Nam và Khánh Trung. Đây là những nơi thích hợp cho loại cây trồng này, bởi có nhiều phù sa và nguồn nước tưới. Sầu riêng Khánh Vĩnh ngon không thua kém sầu riêng Khánh Sơn.
Giá bán bình quân tại vườn 25.000 - 30.000 đồng/kg; năng suất 6 - 8 tấn/ha; đầu tư trung bình 35 - 40 triệu đồng/ha... Bưởi da xanh là giống cây trồng có nhiều triển vọng, đã phát triển được hàng chục héc-ta, tập trung tại thị trấn Khánh Vĩnh và các xã: Sông Cầu, Khánh Nam, Khánh Trung, Khánh Hiệp, Khánh Đông...
Năm 2008, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ lập mô hình khảo sát tại xã Khánh Nam. Kết quả xác định, bưởi da xanh là cây có múi phù hợp với đất Khánh Vĩnh, cho chất lượng ngon, hiệu quả cao. Hiện nay, giá bán bưởi da xanh tại Khánh Vĩnh cao hơn bưởi từ miền Nam đưa ra. Tùy thời điểm, giá bưởi khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg, có bao nhiêu tư thương đều mua hết.
Ngoài ra, cây mít nghệ cũng mới được phát triển gần đây, với tổng diện tích khoảng 30ha. Những cây được trồng sớm nhất cũng chỉ mới 3 - 4 năm. Cây mít nghệ rất thích hợp với điều kiện canh tác ở miền núi bởi khả năng chịu hạn cao, có thể phát triển trên vùng gò, đồi, không cần nước tưới. Hiện nay, các xã: Sông Cầu, Khánh Phú, Khánh Nam đang phát triển mạnh cây mít nghệ, đặc biệt là giống mít Thái lá bàng...
Vẫn còn nhiều khó khăn
Theo ông Lê Văn Hùng - Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Khánh Vĩnh, địa phương đang phối hợp với một số viện, trường trong khu vực để chọn điểm khảo nghiệm mô hình cây ăn quả, từ đó có định hướng phù hợp. Bên cạnh đó, huyện có kế hoạch tập huấn, đào tạo kỹ thuật giúp nông dân sản xuất; tranh thủ nguồn vốn (nông thôn mới, miền núi, phát triển sản xuất...) để phát triển 3 loại cây này...
Tuy nhiên, hiện nay, khó khăn nhất ở Khánh Vĩnh vẫn là điều kiện thủy lợi. Do địa hình miền núi nên không thể dẫn nước như đồng bằng, cần phải mua sắm phương tiện bơm tưới. Trong khi đó, nguồn vốn của Nhà nước và người dân có hạn. Được biết, đến nay, huyện chỉ mới hỗ trợ được một mô hình tại xã Sông Cầu. Vì vậy, thời gian tới, các ngành chức năng cần hỗ trợ máy bơm, đào thêm hồ chứa để người dân bơm tưới...
Ông Phan Văn Thuận - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Cầu cho biết, đối với xã, cây mía vẫn là cây chủ lực với diện tích 400ha. Ngoài ra, còn có một số cây ăn quả khác như: sầu riêng, bưởi da xanh, mít nghệ, xoài... Vài năm gần đây, cây keo có giá nên người dân phát triển mạnh cây này. Ngoài ra, một số cây trồng hiệu quả kinh tế cao như chanh cũng được chú trọng. Nhìn chung, việc định hướng là một lẽ, nhưng người dân vẫn làm theo tín hiệu thị trường…
Ông Lê Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh: Thời gian qua, đã xuất hiện một số loại cây ăn quả thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của huyện và được người dân chọn lựa như: Sầu riêng, bưởi da xanh, mít nghệ... Huyện đã hợp đồng với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ khảo nghiệm bước đầu, sẽ có báo cáo trong quý I/2014.
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch nuôi tôm nước lợ ĐBSCL đến năm 2020, định hướng năm 2030 là vấn đề trọng tâm được thảo luận tại hội thảo do Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức tại Bạc Liêu.
Xã Xuân Hòa (Xuân Trường - Nam Định) có sông Sò chảy qua, đây là một nhánh sông nhỏ của sông Hồng chịu ảnh hưởng của thủy triều và nước mặn từ biển nên có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở cả nước mặn, nước lợ và nước ngọt.
Ngày 14 tháng 5 năm 2015, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 21/2015/QĐ-UBND về quy định chính sách khuyến khích áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong nông nghiệp và thủy sản.Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 5 năm 2015.
* Lợi nhuận mô hình cánh đồng lớn tăng thêm từ 1,2 -7,5 triệu đồng/ha Sáng 27-5, tại TP Cần Thơ, Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức hội nghị "Cánh đồng lớn".
Theo lời khen ngợi và chỉ đường của bà con nông dân xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), chúng tôi ghé thăm gia đình ông Nguyễn Đình Nhiên ở thôn Hải Hà.