Đậu Đỏ Mất Mùa, Người Trồng Ngó Lơ

Đậu đỏ (có nơi gọi đậu gạo) trước đây trồng phổ biến ở các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân (Phú Yên). Thế nhưng do ảnh hưởng khí hậu nên loại cây trồng này liên tiếp bị mất mùa, bây giờ ở nhiều nơi không còn bóng dáng cây đậu đỏ.
Suốt một ngày, vợ chồng ông Ma Lang ở xã Ea Ba (Sông Hinh) lui cui đập cho nẻ trái, dồn lại nhưng không được nửa thúng hạt đậu đỏ. Ma Lang buồn bã nói: “Năm nay đậu đỏ dây nhiều mà trái ít. Trồng 2 sào đậu nhưng thu hoạch khoảng 50kg hạt”. Cũng theo Ma Lang, mấy năm nay đậu đỏ khi thời điểm chuẩn bị ra hoa thì trời không mưa, ban đêm thì lạnh, khiến đọt đậu xoăn lại, không ra hoa.
Còn bà Hờ Leng ở xã Ea Trol (Sông Hinh) cho biết, không như các năm trước, 1 sào đậu đỏ (1.000m2) có thể thu gần 1 tạ hạt, còn nay cũng 1 sào đậu đó nhưng chỉ thu được khoảng 10kg, đủ hấp cơm cho các thành viên trong gia đình ăn trong vài ngày.
Theo nhiều nông dân ở các huyện miền núi, đậu đỏ dễ trồng, không kén đất vì vậy đậu được trồng trên các vùng gò đồi. Tháng 7, 8 (âm lịch), khi trời mưa, nông dân tiến hành làm đất, xuống giống, đậu tự vươn lên mà không tốn công chăm sóc, làm cỏ và khoảng tháng 2 năm sau là thu hoạch. Ngoài ra, đậu đỏ còn là cây trồng lấp khoảng trống ở những vùng đất trồng sắn bị chết, không thể trồng dặm.
Ông Trương Văn Dũng ở xã Xuân Phước (Đồng Xuân) cho hay: “Là thân dây leo nên khi cây sắn chết do nắng hạn thì có thể đem đậu đỏ trỉa vào, dây mọc lên quấn vào các thân cây bụi, trái càng sai hơn là trồng ở nơi đất trống. Năm nay nắng hạn kéo dài, sắn chết nhiều nhưng nhiều người tìm không ra giống đậu đỏ để trỉa những khoảnh đất trống”.
Tuy nhiên, do năng suất giảm mạnh khiến nhiều người không còn mặn mà với loại cây trồng này, vì vậy diện tích ngày càng thu hẹp. Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, năm 2014 toàn huyện trồng 1.065ha đậu đỏ, năng suất đạt 4 tạ/ha, giảm gần một nửa về diện tích và sản lượng so với cách đây 4 năm. Còn tại huyện Sông Hinh, năm 2010 địa phương này có 2.500ha đậu đỏ, còn nay chưa đến 1.000ha.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Phước, trước đây đậu đỏ được trồng rất nhiều ở vùng đồi núi, nhưng nay nông dân trong xã không còn trồng nữa. Còn ông Nguyễn Văn Bình, Phó phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết, hiện chỉ còn vài hộ ở xã Phú Mỡ giữ giống đậu đỏ để trồng, 10 xã và thị trấn còn lại của huyện không ai trồng loại đậu này nữa.
Đậu đỏ là thức ăn giàu protein cho người, gia súc, đồng thời là cây phân xanh phủ đất, rất tốt đối với vùng đất đồi núi. Hạt đậu đỏ có giá trị dinh dưỡng cao, có dược tính chữa viêm gan, vàng da, lợi tiểu, tiêu độc, kháng khuẩn và ngăn ngừa ung thư...
Related news

Những năm gần đây, phát triển kinh tế tổng hợp đã mang lại cho bà con nông dân ở Thanh Thủy đời sống ấm no, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ những mô hình làm ăn có hiệu quả.

Ngày 1.4, Tổ dự án nuôi ghẹ xanh trên biển do Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn chủ trì, đã thả trên 6.000 con ghẹ xanh giống để nuôi tại khu vực đảo Hòn Khô - Nhơn Hải (nuôi bằng hình thức thả đăng, ảnh).

Sáng nay (2.4), tại thành phố Tuy Hòa, diễn đàn “tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên tổ chức đã đề cập nhiều vấn đề liên quan đến khai thác, thu mua, chế biến và thiêu thụ cá ngừ. Đây là cơ hội để ngư dân nêu lên những bất cập trong nghề khai thác cá ngừ hiện nay.

Xã Minh Thanh (Sơn Dương) có diện tích rừng chiếm 2/3 diện tích đất tự nhiên. Nhân dân đã tập trung phát triển kinh tế rừng, thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ và phát triển rừng, coi đây là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương..

Thực hiện kế hoạch tổ chức lại sản xuất trên cơ sở liên kết giữa các nông hộ sản xuất lúa nhỏ lẻ thành một cánh đồng lớn, thời gian qua, tại huyện Chư Jút và Krông Nô, việc triển khai theo mô hình này đã đạt được những kết quả bước đầu.