Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đánh kẻng gọi lợn rừng

Đánh kẻng gọi lợn rừng
Ngày đăng: 03/10/2015

Nằm dưới chân dãy núi Tam Đảo, xã Đạo Trù (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) là vùng đất cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Thành ra, chuyện một người đàn ông trở thành đại gia nhờ tuyệt kỹ nuôi lợn rừng khá thú vị.

Giống chuẩn

Chiều sâm sẩm, tiếng kẻng sắt vang vọng khắp núi rừng Tam Đảo.

Từ trên núi, từng đàn lợn rừng ước tính hàng trăm con lục tục kéo về một khu trang trại rộng gần chục ha.

Lợn rừng trông xa, chen chúc và bé như đàn kiến, đến gần con nào con nấy đen lùi lũi và rất biết nghe lời.

Chủ trang trại là Trương Quang Sinh (52 tuổi) người vẫn được mệnh danh là "vua lợn rừng dưới chân Tam Đảo". Tiếng kẻng là cách mà ông thuần phục, gọi lợn rừng từ trên núi về chuồng.

Ông Sinh bén duyên với lợn rừng từ 8 năm trước. Vốn là lão nông cần mẫn, chịu khó chịu khổ nhưng ở xứ này nếu chỉ trông vào nương sắn, mảnh ruộng thì gia đình rất khó sống.

Trong thâm tâm ông Sinh luôn khao khát tìm cách chế ngự những khó khăn từ vùng đất bán sơn địa dưới chân dãy núi Tam Đảo.

Sau nhiều lần thử sức thất bại với các mô hình trồng trọt, năm 2008 ông Sinh được tham gia vào đoàn nông dân đi tham quan mô hình nuôi lợn rừng ở xã Ngọc Thanh (thị xã Phúc Yên).

Thấy ngon ăn quá mới vay mượn tiền bạc mua được đôi lợn rừng giống với giá tròn 10 triệu đồng. Nhưng về nuôi dăm bữa nửa tháng thì con lợn cái lăn ra ốm rồi chết.

Hóa ra, dù chỉ cách nhau có mấy chục cây số thôi nhưng lợn rừng nuôi ở Ngọc Thanh thì được, còn nuôi ở Tam Đảo có vẻ không hợp thời tiết.

Chỉ còn lại con lợn đực ngày càng còi cọc, ông Sinh mổ bán vớt vát mấy đồng vốn và xem như việc thử sức với lợn rừng thất bại. Vậy nhưng trong đầu ông luôn suy nghĩ, dưới chân dãy Tam Đảo này, đất đai rộng lớn, không nuôi lợn rừng thì ở đâu nuôi được?

Vấn đề có lẽ là do giống. Nghe người ta mách nước trên cao nguyên đá Hà Giang có giống lợn rừng khá chuẩn, ông Sinh năn nỉ vợ đi mượn tiền làm một chuyến ngược ngàn tìm hiểu, nếu không được nữa thì chấp nhận bỏ hẳn.

"Lên trên đó, thấy người ta đào hào, giăng lưới thép nuôi lợn rừng tôi mê mẩn luôn. Trở về bàn với vợ cầm cố nhà cửa, vay ngân hàng 100 triệu đồng, đầu tư bài bản để khuất phục lợn rừng.

Ban đầu bà nhà tôi cản, không cho tôi cứ liều. Phải thuyết phục mãi bà ấy mới đồng ý, không ngờ lại thành công ngoài mong đợi", "vua lợn rừng Tam Đảo" nhớ lại.

Chăn thả tự nhiên

Với 100 triệu đồng vay vốn ngân hàng, ông Sinh mua 4 tấn lưới thép B40, thuê nhân công xây chuồng, tường rào và đào hào ngăn cách trên núi Tam Đảo tạo thành một trang trại khép kín với quy mô gần chục ha.

Bên trong trang trại, những dãy địa đạo, hào thành được đào bới chi chít làm lối đi lại cho lợn rừng lên xuống núi. Nương đồi, ruộng lúa đều được quy hoạch thành vùng nguyên liệu, trồng rau, ngô làm thức ăn cho lợn rừng.

Đàn lợn rừng con

Sau hơn 5 năm, từ một đôi lợn giống, trang trại của ông Sinh đã phát triển về mọi mặt. Lúc cao điểm trang trại nuôi hơn 200 con lợn các loại. Mỗi năm trung bình cung cấp ra thị trường gần 10 tấn thịt lợn rừng.

Không chỉ ở Vĩnh Phúc mà ở các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang hay thậm chí Hà Nội đều biết đến trang trại lợn của ông Sinh.

“Lợn rừng là loại thích hoạt động, nuôi nhốt trong chuồng nhiều lợn sẽ chậm lớn và không ngon thịt. Tôi tận dụng diện tích đồi của gia đình để tạo thành một trang trại khép kín.

Ban ngày tôi thả lợn cho đi lên núi tự do, đến giờ cho ăn tôi dùng kẻng “gọi” lợn về, cách này tôi học được từ một gia đình nuôi lợn nhiều năm mãi trên Hà Giang”, ông Sinh vừa cười vừa kể về cách nuôi lợn không giống ai của mình.

Thú vị nhất là mùa lợn rừng sinh sản. Năm đầu tiên nuôi lợn rừng quy củ, một sáng ngủ dậy, ông Sinh tá hỏa khi phát hiện một số lợn cái đang chửa bỏ đi đâu mất.

Vợ chồng, con cái lên núi tìm nhưng không hề có dấu vết gì. Tưởng bọn trộm khoắng mất ông còn chạy báo công an xã. Nghĩ đến số tiền vay mượn ngân hàng bà vợ gào khóc rất thảm thiết.

Nói về dự định sắp tới, ông Sinh cho biết sẽ tiếp tục phát triển thêm khoảng 30 con lợn rừng sinh sản, 5 lợn đực giống và 300 con lợn thịt, lợn giống để cung cấp được nhiều hơn cho nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Từ 100 triệu đồng tiền mượn ngân hàng, ông Sinh trở thành đại gia lợn rừng dưới chân Tam Đảo.

Thế rồi độ chừng 1 tháng sau thì đám lợn chửa tự về chuồng. Không những vậy, chúng còn dẫn theo cả chục con lợn con loắt choắt. Mừng hơn bắt được của, từ đấy vợ chồng ông mới biết lợn rừng khi sinh đẻ phải tìm nơi thích hợp trên núi mới có thể trở dạ.

Bây giờ, trang trại lợn rừng của ông Sinh lúc cao điểm lên đến vài ba trăm con, bao gồm lợn sinh sản, lợn thịt, lợn phối giống và lợn giống... Mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng chục tấn lợn thương phẩm.

Về đầu ra và giá cả thịt lợn rừng cũng luôn ổn định và cao hơn nhiều so với giá lợn nhà, khoảng 120.000 - 140.000 đồng/kg. Mỗi năm, gia đình ông Sinh bán không dưới 800 triệu đồng tiền bán lợn và thu lãi khoảng 250 - 300 triệu đồng.

“Điều cần lưu ý nhất khi nuôi lợn rừng là điều chỉnh làm sao để mỗi tháng lợn chỉ tăng từ 2,5 - 3 kg/con. Nếu tăng ít hơn, lợn sẽ bị gầy, mất ngon và không có lãi. Nếu tăng nhiều hơn, thịt sẽ nhiều mỡ, không đảm bảo độ dai, giòn.

Kinh nghiệm là khi lợn nuôi được khoảng 10 - 15 kg, chỉ cho ăn 3 lạng cám xát/ngày. Lợn rừng ngon thì tai thường nhỏ, mõm dài, chân dài, bụng bé và lông cứng.

Ngoài ra, nhờ hấp thụ những chất bổ dưỡng từ nguồn thức ăn tự nhiên nên thịt lợn rừng lai nhiều nạc, mềm, rất ít mỡ, lớp da dày nhưng rất giòn, không cứng như thịt lợn nhà. 

Thịt lợn rừng lai thơm, không chỉ người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng mà nhu cầu xuất khẩu đi các thị trường trên thế giới cũng rất lớn", ông Sinh chia sẻ.


Có thể bạn quan tâm

Kêu gọi nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật Kêu gọi nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật

Lời kêu gọi này được tiến sĩ Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) đưa ra tại Hội nghị sơ kết 5 năm “Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội NDVN và Bộ Khoa học - Công nghệ (KHCN) giai đoạn 2011 – 2015 tổ chức ngày 16.11 tại Hưng Yên.

18/11/2015
Hàng trăm tấn chuối ở Vĩnh Phúc bị thương lái chạy làng Hàng trăm tấn chuối ở Vĩnh Phúc bị thương lái chạy làng

Những ngày qua, hàng chục hộ dân trồng chuối trên địa bàn xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc đứng ngồi không yên bởi hàng trăm tấn chuối đã đến lúc tiêu thụ mà không có thương lái hỏi mua hoặc nếu có thì giá thu mua cũng ở mức “bèo”.

18/11/2015
Độc đáo nuôi heo bằng máy lạnh Độc đáo nuôi heo bằng máy lạnh

Sau nhiều năm thất bại nặng nề vì nuôi heo thịt với phương pháp thủ công, anh Nguyễn Duy Tuấn (SN 1982, quê thôn 5, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cùng vợ quyết chí thực hiện một quyết định táo bạo là nuôi heo... bằng hệ thống lạnh khép kín nhập giống về từ Mỹ. Mô hình độc đáo này đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

07/09/2015
Giá sầu riêng tăng gấp đôi sau 2 tháng Giá sầu riêng tăng gấp đôi sau 2 tháng

Nếu cách đây 2 tháng giá sầu riêng cơm vàng hạt lép Ri6, sầu riêng Thái Lan (Monthong) loại 1 chỉ dao động quanh mức 30.000 - 38.000 đồng/kg thì hiện tại đã tăng cao, lên mức 80.000 đồng/kg.

18/11/2015
Sản xuất gà đồi Yên Thế theo chuỗi tăng sức cạnh tranh trong hội nhập Sản xuất gà đồi Yên Thế theo chuỗi tăng sức cạnh tranh trong hội nhập

Các dự án thí điểm chuỗi liên kết “Chăn nuôi - giết mổ, chế biến - tiêu thụ”, “Chăn nuôi - thu mua - tiêu thụ” gà đồi Yên Thế được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt đã tạo bước chuyển mới trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm gà đồi, để người chăn nuôi tự tin bước vào sân chơi TPP.

18/11/2015