Đang Tồn Kho Gần 339 Ngàn Tấn Đường

Do lượng đường tồn kho lớn, tiêu thụ khó khăn, giá bán buôn đường kính trắng loại 1 tại nhà máy đường giảm so với tháng trước từ 500 - 1.000 đồng/kg
Theo Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, tính đến ngày 15/01/2015 toàn bộ các nhà máy đường đã vào sản xuất niên vụ 2014-2015, các nhà máy đã ép được 5.618.900 tấn mía, sản xuất được 505.950 tấn đường. So với cùng kỳ năm trước, lượng mía ép giảm 1.359.100 tấn, lượng đường giảm 97.650 tấn.
Lượng đường tồn kho các nhà máy đến ngày 15/01/2015 là 338.530 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 12.470 tấn.
Lượng đường các nhà máy bán ra từ 15/12/14 đến 15/01/15 là 158.170 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 13.330 tấn.
Hai tháng vừa qua lượng tiêu thụ đường thấp hơn năm trước do việc xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn.
Do lượng đường tồn kho lớn, tiêu thụ khó khăn, giá bán buôn đường kính trắng loại 1 (có VAT) tại nhà máy đường giảm so với tháng trước 500 – 1.000 đ/kg, ở mức từ 11.000 – 11.500 đ/kg.
Giá mua mía 10 CCS tại ruộng hiện vẫn ổn định: Nghệ An: 780.000 – 810.000 đ/T; Cao Bằng, Sơn La: 800.000 - 870.000đ/T; Tuyên Quang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Gia Lai, Tây Ninh: 900.000 đ/T; Đồng bằng sông Cửu Long: 750.000 đ/T; Phú Yên: 920.000 đ/T.
Mới đây, trước thông tin Bộ Công Thương đề nghị cho nhập khẩu 50.000 tấn đường từ Lào với mức thuế 0%, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã có công văn gửi Thủ tướng đề nghị tạm thời chưa cho nhập khẩu đường từ Lào
Theo VSSA, vụ mía đường 2014-2015 dự báo tổng nguồn cung là 2 triệu tấn chưa kể đường nhập khẩu không chính thức, đường nhập lậu trong khi mức tiêu thụ năm 2015 khoảng 1,3-1,4 triệu tấn. Như vậy lượng đường dư thừa trong năm 2015 sẽ trên 600.000 tấn.
Đây là nguyên nhân làm giá đường liên tục giảm kéo theo giá mía giảm sâu, dẫn đến tình trạng nông dân thua lỗ và phá bỏ mía. Do đó, VSSA kiến nghị Thủ tướng tạm thời chưa cho nhập lượng đường này để xem xét các yếu tố ảnh hưởng liên quan đến thời điểm, cơ chế, chính sách...
Có thể bạn quan tâm

Liên tiếp là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ trồng rừng mới, với độ che phủ đạt 64%, song hiện nay tỉnh Tuyên Quang bị “tố” vì các dự án trồng rừng kém hiệu quả, nhiều nơi đã lợi dụng trồng mới để... phá rừng.

Như NTNN đã đưa tin, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) đang xuất hiện tình trạng sâu đục thân mình trắng (Xylotrechus quadripes Chevrolat) tàn phá cây cà phê, gây thiệt hại nặng cho nông dân. Theo các chuyên gia nông nghiệp, loại sâu này hoạt động quanh năm và phát triển mạnh ở những khu vực nhiệt độ cao và nhiều ánh sáng.

Chỉ với 4 con chim trĩ giống nuôi từ năm 2011, đến nay anh Trần Văn Chức, xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đã nhân thành công mô hình nuôi chim trĩ hàng hóa và trở nên khấm khá.

Hồi đầu năm 2014, trước mức giá hấp dẫn của khoai môn (dao động từ 14.000 – 15.000 đồng/kg, có lúc lên đến 18.000 đồng/kg), nhiều nông dân ở An Giang đổ xô đi trồng khoai.

Ngày 19.7, Sở NNPTNT Thanh Hóa, cho biết ngành nông nghiệp tỉnh này khuyến cáo tuyệt đối không được trồng rộng rãi cây mắc ca ở những diện tích chưa qua khảo nghiệm.