Dân Phát Hoảng Trước Nguy Cơ DN Mua Cá Tra Vỡ Nợ
Ngày 27/8 hàng chục hộ dân nuôi và bán cá tra kéo đến Cty Chế biến thủy sản Sông Hậu (CBTSSH), phường Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (thuộc NT Sông Hậu cũ) để tìm gặp Ban giám đốc Cty yêu cầu giải quyết số nợ quá hạn kéo dài từ mấy tháng qua.
Trong đơn yêu cầu gửi cơ quan chức năng TP Cần Thơ ngày 16/8/2013 có 18 hộ đồng ký tên với tổng số nợ tiền mua cá tra của Cty CBTSSH hơn 38,5 tỷ đồng. Nhưng đến sáng ngày 27/8 có thêm 5 hộ bán cá tra bổ sung ghi thêm vào danh sách đòi nợ, tổng số nợ tiền cá của Cty tăng lên hơn 41 tỷ đồng.
Đó là chưa kể số tiền nợ của một số hộ dân chưa ghi tên vào đơn yêu cầu đòi nợ, vì còn hy vọng phía Cty sẽ thu xếp trả được. Sự việc diễn ra suốt gần một tháng qua, ngày nào cũng có người bán cá tra tới Cty CBTSSH túc trực đòi nợ nhưng vô vọng.
Trước đó ngày 2/8/2013, một số người bán cá tra đến đòi nợ khi hay tin nội bộ ban lãnh đạo Cty lục đục. Bà Trần Ngọc Sương nguyên là GĐ NT Sông Hậu trước đây, hiện là Chủ tịch HĐQT Cty CBTSSH có mời một số người bán cá vào Cty thông báo là đã đình chỉ chức danh GĐ Cty CBTSSH đối với ông Nguyễn Tấn Thanh và bà Sương sẽ thay thế ông Thanh điều hành Cty này.
Tuy nhiên, từ hôm đó đến nay nhà máy đã tạm ngưng hoạt động. Phía Cty cũng không thông báo thời điểm nào trả nợ tiền mua cá. Nhận thấy dấu hiệu bất thường, Cty CBTSSH có nguy cơ vỡ nợ, một số người bán cá hoang mang cùng cực, bởi họ đang bị áp lực nợ tiền vay, tiền lãi ngân hàng, chủ nợ đến tận nhà xiết nợ.
Ông Trần Văn Hon ở phường Thới An, quận Ô Môn (Cần Thơ) có ao nuôi cá tra 6.000 m2, nói: "Vào tháng 3 bán 200 tấn cá với số tiền 4,3 tỷ đồng phía Cty hẹn sau 45 ngày trả, nếu trả trễ tính thêm lãi suất. Lúc đầu Cty cũng trả dần, đến nay còn hơn 1,3 tỷ đồng và đã hơn một tháng qua không thấy hẹn ngày trả nợ".
Cùng cảnh ngộ, ở phường Thới Long, quận Ô Môn - ông Tống Văn Quang, còn hơn 412 triệu đồng quá hạn 3 tháng phía Cty chưa trả. Bà Huỳnh Thị Tuyết Mai còn 215 triệu đồng, ông Nguyễn Tấn Trung, phường An Hòa, TP Rạch Giá (Kiên Giang) còn 1,4 tỷ đồng Cty CBTSSH nợ dây dưa chưa trả.
Ông Hồ Văn Dướng ở phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt bị Cty nợ vợ ông đứng tên là bà Lê Thị Thanh Vân hơn 1,9 tỷ đồng và con gái ông là Nguyễn Thị Kim Thơ hơn 2,1 tỷ đồng. Ông Dướng đi đòi nợ vì ở nhà ông chủ nợ cho vay lãi cao hùng hổ kéo tới hăm he. Vợ và con gái ông sợ quá bỏ nhà đi lánh nợ. Ông Dướng van nài lãnh đạo Cty trả nợ: “Nếu không có tiền về trả nợ, gia đình tôi sẽ bị chủ nợ phá tan nát”.
Phần đông người bán cá tra cho biết, từ 4 - 5 năm qua đã từng làm ăn với Cty CBTSSH theo cách bán cá ghi nợ. Tuy Cty trả tiền chậm nhưng trả đủ vì vậy dân bán cá tin tưởng làm ăn. Thế nhưng hiện thời dấu hiệu tài chính Cty bất ổn. Trong khi đơn cầu cứu gửi các cơ quan vẫn chưa trả lời và có biện pháp khẩn cấp tháo gỡ khó khăn giúp người nuôi cá qua cơn khốn khó này.
Trong mấy ngày qua người dân bán cá kéo đến đòi nợ thì nhà máy đóng cửa không thấy bóng dáng công nhân làm việc. Ông L.T là người dân sống gần Cty CBTPSH cho biết: “Từ giữa tháng 7/2013 tôi thấy công nhân chế biến cá trong xưởng ngưng hoạt động. Mấy đứa cháu tôi trước đó từng làm cho Cty này, nay thất nghiệp đã xin làm công nhân ở khu công nghiệp Trà Nóc. Nếu chờ nhà máy hoạt động trở lại không biết tới khi nào”.
Bà Trần Ngọc Sương nhậm chức Chủ tịch HĐQT Cty CBTPSH từ ngày 2/8/2013, giải thích: Lý do trả nợ tiền cá chậm cho bà con vì trước đây ông Nguyễn Tấn Thanh làm GĐ Cty đã gây tổn thất tiền bạc. Cơ quan chức năng đang trong thời gian điều tra. Tiếp nhận Cty, chúng tôi xin nhận khoản nợ tiền mua cá của bà con nông dân và hứa sẽ trả dần đợt 1 từ nay đến ngày 15/9/2013 là 20% số nợ/hộ.
Có thể bạn quan tâm
Theo Sở NNPTNT Hậu Giang, vụ mía này, nông dân trong tỉnh trồng gần 11.500ha, tập trung nhiều ở huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ, thị xã Ngã Bảy. Đến thời điểm này, nông dân ở đây đã thu hoạch được gần 6.500ha, và giá mía đang ở mức cao từ 1.000 - 1.200 đồng/kg.
Bệnh sương mai đang phát sinh gây hại cây khoai tây vụ đông sớm. Vết bệnh có màu đen.
Trồng dưa leo Cúc 71 có nhiều ưu điểm vượt trội, thời gian trồng đến khi thu hoạch ngắn, quả to, có mùi thơm đặc trưng, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Không khó để tìm mua một bao "đất sạch" để trồng cây dọc các con đường lớn của TP.HCM, nhiều đại lý cây cảnh, bonsai đều có bán kèm.
Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định 36 về nuôi cá tra, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, theo phản ảnh của nhiều doanh nghiệp, những quy định tại nghị định này góp phần đưa ngành cá tra phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng của mặt hàng xuất khẩu này.