Đảm Bảo Cung Ứng Giống Cho Vùng Nuôi Thủy Sản Mặn Lợ Ở Nam Định
Năm 2012, diện tích nuôi thủy sản mặn lợ toàn tỉnh Nam Định đạt 6.157ha, sản lượng nuôi đạt hơn 26,5 nghìn tấn, giá trị sản xuất đạt trên 297 tỷ đồng. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của các trung tâm, cơ sở sản xuất giống hải sản trong tỉnh trong việc chủ động nguồn giống.
Hệ thống bể sản xuất giống của Cty TNHH nuôi trồng và chế biến thủy sản Liên Phong, xã Giao Phong (Giao Thủy).
Trung tâm Giống hải sản tỉnh (Sở NN và PTNT) có chức năng nghiên cứu, lai tạo, ứng dụng, tiếp nhận, sản xuất thử nghiệm, cung cấp các loại giống hải sản mới, phù hợp với môi trường, khí hậu và tập quán nuôi của nông dân trong tỉnh; thực hiện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất giống hải sản, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi thủy sản của các địa phương. Đến nay, Trung tâm đã sản xuất đại trà, mỗi năm từ 60-100 triệu con tôm sú giống chất lượng cao, đáp ứng được trên 30% nhu cầu giống tôm sú cho nhân dân trong tỉnh và cung ứng cho các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình.
Ngoài ra, mỗi năm Trung tâm sản xuất và cung ứng trên 2 triệu con cua biển giống cỡ C1, C2 cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Trung tâm đã nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao thành công công nghệ sinh sản nhân tạo giống cá bống bớp từ Viện Nghiên cứu Hải sản Hải Phòng (Bộ NN và PTNT). Đến nay, hầu hết các cơ sở sản xuất giống mặn lợ trong tỉnh đã sản xuất được giống cá bống bớp, đáp ứng đủ nhu cầu các vùng nuôi trong tỉnh và cung cấp cho các tỉnh lân cận.
Để đa dạng hóa các đối tượng nuôi mặn lợ, hướng tới xây dựng môi trường nuôi bền vững, Trung tâm còn ứng dụng thành công kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá vược và hoàn thiện quy trình nuôi cá vược bán thâm canh từ nguồn giống sinh sản nhân tạo với năng suất 6,8 tấn/ha. Công nghệ này đã được Trung tâm chuyển giao cho một số trại giống và các hộ nuôi ở các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng… Trung tâm còn làm chủ công nghệ sản xuất giống cá chim biển vây vàng và cá sủ đất theo chương trình phát triển sản xuất giống của Bộ NN và PTNT.
Đây là hai đối tượng con nuôi có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, có khả năng chịu rét tốt hơn cá vược, mở ra hướng mới cho phát triển nuôi thủy sản của tỉnh. Hiện nay, Trung tâm đang nghiên cứu, thử nghiệm, xây dựng mô hình nuôi bán thâm canh cá chim biển vây vàng và cá sủ đất tại Giao Thủy. Cùng với diện tích nuôi vùng mặn lợ được mở rộng, các cơ sở sản xuất con giống hải sản trong tỉnh cũng đang phát triển mạnh. Toàn tỉnh hiện có 30 cơ sở sản xuất giống hải sản.
Ngoài sản xuất giống tôm sú, cua, cá bống bớp, nhiều cơ sở sản xuất giống hải sản đã tiếp nhận, làm chủ công nghệ sản xuất giống một số loài nhuyễn thể như hàu, tu hài, ngao. Hiện các trung tâm, cơ sở sản xuất giống hải sản đang tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất các loại giống cá chẽm (cỏ vược), cá song, ghẹ…, đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa cơ cấu giống nuôi thuỷ sản vùng mặn lợ. Các cơ sở sản xuất giống hải sản trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn liên doanh, liên kết, đầu tư xây dựng cơ sở, vật chất, mua sắm trang thiết bị, nhập tôm sú giống bố mẹ về sản xuất.
Nhờ đó, sản lượng tôm sú giống hằng nằm không ngừng tăng. Năm 2012, các cơ sở sản xuất giống hải sản đã sản xuất được 155 triệu con tôm sú P15, đáp ứng 50-60% nhu cầu nuôi thả. Ngoài ra, các cơ sở còn sản xuất được 20 triệu con giống cua biển, 11 triệu con giống cá bống bớp hương và gần 7 tỷ con giống nhuyễn thể. Cty TNHH Nuôi trồng và chế biến thủy sản Liên Phong của anh Đinh Thanh Khiết, xã Giao Phong (Giao Thủy) đã đầu tư 200 triệu đồng cải tạo khu nuôi thủy sản để sản xuất tôm sú giống.
Sau hai năm hoạt động, Cty đã đáp ứng cơ bản nhu cầu tôm sú giống cho các hộ nuôi tôm trong xã. Bên cạnh đó, Cty còn làm chủ công nghệ và sản xuất thành công giống cá bống bớp, cua biển. Khi phong trào nuôi ngao ở Giao Thủy phát triển, anh Khiết tiếp tục đầu tư gần 10 tỷ đồng xây dựng trại sản xuất giống ngao và mở rộng quy mô sản xuất giống. Đến nay, tổng diện tích sản xuất giống hải sản theo hướng sản xuất công nghiệp của Cty được mở rộng tới 5ha.
Những năm gần đây, ngoài việc đáp ứng nhu cầu con giống cho nuôi thủy sản ở huyện Giao Thủy, Cty đã mở rộng thị trường cung ứng con giống thuỷ sản cho cả các hộ nuôi ở tỉnh ngoài. Từ đầu năm đến nay, các cơ sở sản xuất giống hải sản của tỉnh đã sản xuất 2 tỷ 821 triệu con giống, trong đó ngao đạt 2 tỷ 670 triệu con, 129 triệu con tôm sú P15, cua biển 8 triệu con, cá bống bớp 4 triệu con…; đang tiếp tục sản xuất các loại con giống còn thời vụ nuôi thả như: cá bống bớp, cua biển, cá sủ đất, hàu, tu hài, ngao…, phấn đấu đạt kế hoạch sản xuất 7 tỷ 082 triệu con giống cho vùng nuôi thủy sản mặn lợ của tỉnh trong năm 2013.
Đến nay, tỉnh đã hoàn thiện và triển khai thực hiện quy hoạch sản xuất giống hải sản. Cải tạo, nâng cấp và xây mới các cơ sở sản xuất giống hải sản theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu cả về chất lượng và số lượng cho các vùng nuôi mặn lợ.
Để phát triển sản xuất giống hải sản, thời gian tới tỉnh sẽ nâng cấp, bổ sung xây dựng Trung tâm Giống hải sản tỉnh ở Bạch Long (Giao Thủy); xây dựng vùng sản xuất giống ngao tập trung ở Giao Thủy; xây dựng mới trung tâm sản xuất giống cá biển ở Hải Hậu, trung tâm sản xuất giống nước mặn ven biển Bắc Bộ ở Giao Thủy và trung tâm quan trắc cảnh báo môi trường thủy sản ở Hải Hậu.
Khuyến khích các thành phần kinh tế liên doanh, liên kết hoặc đầu tư trực tiếp vào việc xây dựng các trại giống ở các địa phương để cung cấp kịp thời con giống khỏe, sạch bệnh và đúng mùa vụ cho các vùng nuôi thủy sản trong tỉnh. Đồng thời tổ chức khoanh vùng, bảo vệ các bãi ngao giống, cua giống, bãi tôm giống tự nhiên tập trung ở 2 huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng, đặc biệt là bãi tôm sú bố mẹ ở Giao Thủy bằng cách lập chương trình kiểm soát, khai thác bền vững đối với các bãi giống này.
Tiếp tục điều tra nguồn giống, loại bỏ đàn cá bố mẹ đã thoái hóa, giữ giống thuần, giống gốc và nhập đàn giống mới để đáp ứng đủ nguồn giống bố mẹ chất lượng tốt.
Hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất giống nhân tạo các đối tượng nuôi mới cho các trại sản xuất giống. Hướng dẫn các cơ sở xây dựng thương hiệu, công bố tiêu chuẩn chất lượng con giống sản xuất, truy xuất nguồn gốc, nhất là những loại giống nuôi như cua biển, ngao, cá bống bớp, cá vược… Các cơ sở sản xuất giống cần tập trung đầu tư nâng cấp trang thiết bị, chuẩn bị đủ đàn tôm, cá bố mẹ chất lượng tốt, kiểm dịch chặt chẽ, cho sinh sản sớm. Hoàn thiện và làm chủ công nghệ sản xuất giống hiện có, tiếp tục xây dựng và tiếp nhận các ứng dụng công nghệ sinh học để phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất giống thủy sản, đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô sản xuất theo hướng đa dạng hóa, nuôi nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm
Chọn dê đực giống dựa trên dòng giống, khả năng sinh trưởng và phát triển, ngoại hình, tính hăng và đặc biệt là khả năng phối giống thụ thai, phẩm chất đời con sinh ra tốt.
Ngoài một số giống dê nội và nhập ngoại quen thuộc như dê Bách thảo, Boer..., hiện chúng ta còn có một số giống dê nhập ngoại và lai tạo cho năng suất cao. Xin giới thiệu một số loại dê cho năng suất cao và cách chọn lựa loại giống dê này.
Theo Trường Đại học Cần Thơ, năm 1993 tỷ lệ số hộ nuôi thủy sản bị lỗ là 9,4%; giai đoạn 2002-2005 tỷ lệ trên tăng lên 25%; giai đoạn 2005-2009 là 30% và giai đoạn 2010-2012 lên tới gần 50%. Những con số này đưa ra tại hội thảo tháo gỡ khó khăn cho cá tra tổ chức ở Cần Thơ ngày 9-10.
Nuôi vịt là nghề truyền thống mang lại nguồn thu nhập cho rất nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, với phương pháp chăn nuôi chưa đảm bảo điều kiện an toàn sinh học như hiện nay rất dễ xảy ra dịch bệnh.
Từ thực tế ghi nhận được ở người dân nuôi tôm các tỉnh ĐBSCL có thể khẳng định, nếu bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) ở ĐBSCL bị "phá sản” và không triển khai nữa, thì đây là những "điểm nghẽn” lớn ảnh hưởng sự phát triển kinh tế biển của vùng vốn có thế mạnh nhất cả nước.