Đắk Nông Đã Khống Chế Được Dịch Cúm, Lở Mồm Long Móng Trên Vật Nuôi

Theo ông Đoàn Văn Đáp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh thì nhờ tập trung triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nên từ ngày 26 - 31/12, toàn tỉnh Đắk Nông không còn trâu, bò, gia cầm mới mắc bệnh. Về cơ bản, ngành chức năng và các địa phương đã khống chế được các loại dịch bệnh, không để lây lan ra diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Được biết, trước đó, đầu tháng 12/2014, qua kiểm tra và tiếp nhận thông báo của các hộ chăn nuôi, các địa phương trong tỉnh đã xảy ra hai loại dịch bệnh nguy hiểm là cúm gia cầm và lở mồm long móng (LMLM) ở gia súc.
Cụ thể, ngày 1/12, nhận được tin báo tại hộ ông Lê Văn Khanh thôn 2, xã Quảng Trực (Tuy Đức) có đàn gia cầm chết không rõ nguyên nhân, Chi cục Thú y đã cử cán bộ đến kiểm tra, xác minh. Kết quả, hộ này đã mua 50 con vịt của người bán rong không có nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch nên phát bệnh và lây lan sang đàn vật nuôi của gia đình làm 680 con vịt, gà mắc bệnh; hậu quả có 610 con bị chết.
Theo đó, Chi cục Thú y đã tiến hành lấy 3 mẫu bệnh phẩm gửi tới Cơ quan Thú y vùng V xét nghiệm, xác định 3 mẫu bệnh phẩm này đều dương tính với vi rút cúm gia cầm H5N6. Nhằm hạn chế dịch lây lan, việc tiêu hủy toàn bộ số gia cầm mắc bệnh, chết của hộ dân trên, tiêu độc khử trùng vùng phát dịch và xung quanh cũng đã được cán bộ thú y tiến hành nghiêm túc, khoa học. Chính vì thế, đến cuối tháng 12, dịch đã được khống chế hoàn toàn, không lay lan sang các hộ khác trong vùng.
Còn đối với dịch LMLM trên đàn gia súc, tính đến ngày 25/12, toàn tỉnh đã có 106 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó huyện Đắk Glong có 43 con tại 7/7 xã, Tuy Đức có 63 con tại 3/6 xã. Ngành chức năng, các địa phương đã yêu cầu các hộ chăn nuôi có gia súc mắc bệnh không được chăn thả, vận chuyển ra khỏi khu vực có dịch, thực hiện tiêu độc khử trùng tại vùng có dịch và vùng nguy cơ.
Đồng thời, bằng nguồn ngân sách của tỉnh trên 1,5 tỷ đồng, toàn bộ đàn trâu bò của hai huyện trên cũng đã và đang được tiêm phòng vắc xin LMLM tuýp 0 và A. Đến nay, lực lượng chức năng đã tiêm được hơn 2.830 liều; trong đó Đắk Glong: 1.612 liều, Tuy Đức: 1.218 liều.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã kiện toàn 6 chốt kiểm dịch động vật tại các cửa ngõ ra vào hai huyện Đắk Glong và Tuy Đức. Tại các chốt kiểm dịch, các lực lượng công an, thú y, dân quân tự vệ… tổ chức túc trực 24/24 giờ để ngăn chặn không để gia súc, sản phẩm gia súc ra, vào vùng dịch, tổ chức phun khử trùng các phương tiện vận chuyển ra, vào vùng dịch.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo UBND các huyện, thị xã chưa có dịch phải kiện toàn và duy trì hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật; chủ động thu thập thông tin, kiểm tra, giám sát để phát hiện sớm các ổ dịch bệnh xảy ra trên địa bàn các xã, phường; tổ chức tiêm phòng triệt để số gia súc trong diện tiêm phòng; phát động tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường toàn bộ các vùng chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm có nguy cơ phát sinh dịch bệnh; thành lập các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng dịch tại địa bàn xã, phường; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình giết mổ, buôn bán, vận chuyển gia súc và các sản phẩm gia súc để ngăn chặn việc vận chuyển, giết mổ, mua bán trái phép… Vì thế, đến nay, dịch LMLM trên địa bàn tỉnh đã được khống chế, không để lây lan ra diện rộng.
Related news

Ứng trước hơn 1,6 tỷ đồng tiền giống, phân bón để triển khai trên 160 ha lạc giống L14 vụ hè thu tại 6 xã: Hạ Thôn, Thượng Thôn, Hồng Sỹ, Sỹ Hai (Hà Quảng); Thái Học, Triệu Nguyên (Nguyên Bình).

Gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn ở thôn 3, xã Tâm Thắng (Chư Jút) nhờ nhiệt tình tham gia các lớp tập huấn của ngành nông nghiệp tổ chức mà đã nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, đem lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng một đơn vị diện tích.

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp ở huyện Tủa Chùa thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận: tổng sản lượng cây lương thực có hạt năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, diện tích, năng suất, sản lượng lúa nước tăng bình quân từ 3 - 5%/năm.

Nhận định ấy không phải là không có cơ sở, bởi cùng sống trong một môi trường, hoàn cảnh, điểm xuất phát như nhau; nhưng những người dân chăm lao động, không trông chờ ỷ lại vào chính sách của Nhà nước thì cuộc sống đã khá giả...

Trong phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2009-2014 của huyện Tủa Chùa đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi, trong đó có cựu chiến binh Lê Mạnh Cường, ở tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Tủa Chùa.