Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đăk Lăk Ồ Ạt Mở Thêm Nhà Máy Sắn

Đăk Lăk Ồ Ạt Mở Thêm Nhà Máy Sắn
Ngày đăng: 21/03/2014

UBND tỉnh Đăk Lăk lại đồng ý bổ sung quy hoạch thêm 3 nhà máy chế biến tinh bột sắn, nâng số nhà máy trên toàn tỉnh lên 7 trong thời gian tới.

Việc cây sắn phát triển ồ ạt và đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh bột đã tác động tiêu cực đến môi môi trường, đất đai. Thế nhưng mới đây UBND tỉnh Đăk Lăk lại đồng ý bổ sung quy hoạch thêm 3 nhà máy chế biến tinh bột sắn, nâng số nhà máy trên toàn tỉnh lên 7 trong thời gian tới.

Diện tích tăng mạnh

Sắn là loại cây dễ trồng, không kén đất và chịu hạn tốt rất thích hợp canh tác tại các vùng chưa có thủy lợi đặc biệt ở các vùng đồi dốc. Mặt khác những năm qua dù giá sắn lúc trầm lúc bổng nhưng vẫn hiệu quả hơn cây mía do đầu tư chi phí thấp.

Chính vì vậy, cũng như nhiều địa phương trong cả nước, những năm qua tại tỉnh Đăk Lăk diện tích cây sắn không ngừng được mở rộng, từ chỗ chỉ hơn chục ngàn ha mỗi năm, đến nay đã đạt gần 30.000ha. Tính bình quân trong 5 năm qua (2009 – 2013) diện tích sắn hàng năm đạt 27.534ha, tổng sản lượng mỗi năm 514.630 tấn, trong đó năm 2011 diện tích sắn của tỉnh này lên tới 31.988ha.

Diện tích trồng sắn tại Đăk Lăk mở rộng phi mã đã thúc đẩy 4 nhà máy chế biến tinh bột sắn ra đời. Trong đó 2 nhà máy thuộc sở hữu Cty CP Lương thực vật tư nông nghiệp Đăk Lăk, một cái đặt tại xã Ea Sô, huyện Ea Kar, nhà máy thứ hai xây dựng tại huyện Krông Bông, ngoài ra còn có nhà máy của Cty TNHH Thành Vũ xây dựng tại huyện Ea H’leo và Nhà máy chế biến tinh bột sắn Quán Quân, tại xã Ea Kiết, huyện Cư M’Gar. Tổng công suất của 4 nhà máy là 86.000 tấn tinh bột/năm, nhu cầu lượng sắn nguyên liệu hàng năm lên tới 300 – 350 ngàn tấn. Do vậy, sắn của người dân Đăk Lăk làm ra đến đâu được các nhà máy thu mua hết đến đó.

Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, nếu phát triển cây nguyên liệu sắn trên diện tích lớn sẽ là tác nhân gây nên tình trạng sa mạc hóa tài nguyên đất, xói mòn, lũ lụt cục bộ làm ảnh hưởng đến môi trường. Rễ sắn lấy các chất hữu cơ trong đất và thải ra một loại axít có hại cho cây trồng, đồng thời làm chai cứng nền đất, hủy diệt các loại vi sinh vật có lợi. Nếu canh tác liên tục thì sau đó cây sắn sẽ bị giảm năng suất nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, hầu hết các nhà máy chế biến tinh bột sắn đều tồn tại vấn đề “nhạy cảm” về ô nhiễm môi trường. Chính vì phát triển ồ ạt cây sắn dẫn đến hậu quả không tốt nên các Bộ ngành và địa phương khuyến cáo hạn chế tối đa mở rộng diện tích trồng sắn.

Vẫn thêm nhiều nhà máy ra đời

Ngày 24/1/2014, UBND tỉnh Đăk Lăk đã có công văn số 650/UBND-CN về việc đầu tư các dự án nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh. Theo đó giao cho Sở Công thương chủ trì phối hợp với các Sở, Ban ngành, địa phương liên quan lập đề án bổ sung quy hoạch cục bộ các dự án Nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn vào quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp tỉnh Đăk Lăk giai đoạn 2010 – 2020.

UBND tỉnh Đăk Lăk thống nhất theo đề xuất của Sở Công thương về chọn các nhà đầu tư triển khai các dự án Nhà máy chế biến tinh bột sắn. Cụ thể là Dự án của Cty XNK Nông lâm sản và Vật tư nông nghiệp có công suất 20.000 tấn tinh bột/năm tại xã Krông Jing, huyện M’Drăk; Dự án của Cty CP xuất nhập khẩu tổng hợp Bình Phước, công suất 20.000 tấn tinh bột/năm tại xã Krông Á, huyện M’Drăk và dự án của Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Yến Ngọc, công suất 860 tấn tinh bột/năm tại xã Cư Pui, huyện Krông Bông.

Bài toán nguyên liệu?

Do cây sắn trồng ở Đăk Lăk chưa được đầu tư quy trình thâm canh nên năng suất hiện nay đạt khoảng 20 tấn/ha, sản lượng hàng năm đạt trên 500 ngàn tấn. Ngoài 4 nhà máy chế biến tinh bột hiện tại nhu cầu nguyên liệu trên 300 – 350 ngàn tấn thì bên cạnh đó một số vùng người dân có thói quen thái lát phơi khô vì bán được giá hơn sắn tươi.

Mới đây, UBND huyện Ea Kar cũng có tờ trình gửi UBND tỉnh xin chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng thêm 1 nhà máy chế biến tinh bột sắn. Tuy nhiên do trên địa bàn huyện đã có 1 nhà máy chế biến nên UBND tỉnh thời điểm này chưa xem xét việc bổ sung vào quy hoạch và xây dựng mới nhà máy sắn tại huyện Ea Kar.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, mỗi năm có khoảng 20 – 30% sản lượng sắn toàn tỉnh được người dân thái lát phơi khô, đó là chưa kể đến hiện nay nhà máy cồn ở khu công nghiệp Tâm Thắng (Đăk Nông) cũng tham gia thu mua sắn tươi tại Đăk Lăk.

Theo Cty CP Lương thực vật tư nông nghiệp Đăk Lăk, đơn vị có 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn công suất khoảng 60.000 tấn/năm, mỗi năm Cty cần 200 – 240 ngàn tấn sắn nguyên liệu, hoạt động trong điều kiện đặc thù của Đăk Lăk thu hoạch sắn kéo dài khoảng 10 tháng trong đó cao điểm nhất là tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau.

Do thu hoạch không tập trung nên các vùng nguyên liệu trong tỉnh không đáp ứng đủ cho các nhà máy cùng thời điểm, vì vậy Cty phải thu mua thêm sắn tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đăk Nông, Lâm Đồng.

Như vậy, với việc UBND tỉnh Đăk Lăk đồng ý quy hoạch xây dựng mới 3 nhà máy chế biến tinh bột sắn thì mỗi năm nhu cầu sắn nguyên liệu tăng thêm cả trăm ngàn tấn và với năng suất hiện tại thì cần tiếp 5.000ha sắn mới đủ nguyên liệu.

Trong khi đó, theo Sở NN-PTNT Đăk Lăk, hiện tại tỉnh không còn quỹ đất để mở rộng diện tích cây sắn. Thực tế trong những năm qua khi diện tích cây sắn mở rộng thì nhiều diện tích cây trồng khác bị thu hẹp lại.

Do không còn đất để mở rộng diện tích trồng sắn, để đáp ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy trong thời gian tới thì việc thâm canh tăng năng suất là biện pháp duy nhất. Nếu không tăng năng suất sắn được thì khi các nhà máy mới ra đời tại Đăk Lăk có khả năng thiếu nguyên liệu trầm trọng.


Có thể bạn quan tâm

Hỗ Trợ Doanh Nghiệp Đầu Tư Nông Nghiệp Hỗ Trợ Doanh Nghiệp Đầu Tư Nông Nghiệp

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

20/06/2012
Mô Hình Trồng Sầu Riêng Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao Mô Hình Trồng Sầu Riêng Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Cách đây 7 năm, do giá nhãn tiêu quế bấp bênh nên nông dân Nguyễn Văn Tân đã quyết định đốn bỏ vườn nhãn đang trong thời kỳ xanh tốt và cho trái sai để thay thế bằng cây sầu riêng. Điều đó đã làm cho nhiều hộ ở ấp Sơn Phụng, xã Sơn Định (Chợ Lách - Bến Tre) - nơi ông sinh sống không khỏi ngạc nhiên. Những kết quả hôm nay đã chứng minh rằng: năng động và nhạy bén là một trong những yếu tố quan trọng để đi đến thành công.

13/04/2012
Hơn 7.200 Tấn Vải Thiều Xuất Khẩu Qua Cửa Khẩu Lào Cai Hơn 7.200 Tấn Vải Thiều Xuất Khẩu Qua Cửa Khẩu Lào Cai

Theo thông tin từ Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, từ đầu vụ vải thiều đến nay, có khoảng 7.200 tấn vải sớm được xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế này.

20/06/2012
Cam Canh Trụ Vững Ở Vùng Cao Cam Canh Trụ Vững Ở Vùng Cao

Quan sát vườn cam Canh, nói đúng hơn là đồi trồng cây ăn quả các loại rộng hơn 1ha của gia đình Chỉnh, chúng tôi thấy anh sắp xếp rất khoa học. Phần diện tích trên dốc cao anh trồng vải U Hồng, giống vải chín sớm, có chất lượng thơm ngon; phần dưới chân đồi anh dành để trồng cam Canh, cùng bưởi Diễn, cam Vinh

12/11/2011
Vũng Tàu: Mô Hình Trồng Thanh Long Ruột Đỏ Theo Tiêu Chuẩn VIETGAP: Hiệu Quả Nhưng Nông Dân Chưa Mặn Mà Vũng Tàu: Mô Hình Trồng Thanh Long Ruột Đỏ Theo Tiêu Chuẩn VIETGAP: Hiệu Quả Nhưng Nông Dân Chưa Mặn Mà

Vườn thanh long ruột đỏ trồng theo tiêu chuẩn VIETGAP của gia đình anh Nguyễn Đình Lưu chuẩn bị cho ra trái vụ mới.

20/06/2012