Đắk Lắk Hướng Tới Nâng Cao Hiệu Quả Và An Toàn Dịch Bệnh Trong Chăn Nuôi
Dak Lak đang hướng đến nâng cao hiệu quả kinh tế và an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm thông qua các giải pháp về con giống, phương thức chăn nuôi, thị trường tiêu thụ… để gia tăng giá trị cho sản phẩm vật nuôi.
Còn nhiều thách thức
Những năm gần đây, chăn nuôi Dak Lak phát triển ổn định, riêng 9 tháng năm 2014, tổng đàn gia súc đã phát triển lên gần 897.000 con, trong đó đàn trâu 33.962 con; bò 166.788 con, bò lai chiếm 13,76% tổng đàn, riêng đàn bò sữa hiện có 93 con, trong đó bò cái cho sữa 57 con, chiếm 61,3 % tổng đàn bò sữa; đàn heo trên 696.000 con, tỷ lệ heo nái chiếm 12,47% tổng đàn, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 46.426 tấn; đàn gia cầm 8.675.771 con.
Đáng chú ý là cơ cấu giống vật nuôi có sự chuyển biến từ giống truyền thống năng suất, chất lượng thấp sang giống mới, giống lai cho năng suất và chất lượng tốt hơn. Đặc biệt là đàn heo phát triển tương đối đều, hình thức chăn nuôi chủ yếu theo quy mô nhỏ lẻ và gia trại, tuy nhiên gần đây cũng đã xuất hiện khá nhiều trang trại quy mô lớn, kết hợp nuôi heo nái sinh sản và heo đực giống để chủ động nguồn giống; đàn gia cầm cũng phát triển tốc độ nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao…
Mặc dù đạt kết quả khả quan, nhưng chăn nuôi ở Dak Lak vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, đó là nguồn thức ăn xanh cho trâu, bò còn thiếu, vì những đồng cỏ tự nhiên đang bị thu hẹp dần, năng suất, chất lượng cũng giảm theo do không được chăm sóc, cải tạo.
Trong khi diện tích trồng cỏ chỉ mới phát triển ở một số địa phương, khả năng tận dụng phụ phế phẩm nông nghiệp chế biến làm thức ăn gia súc còn ít; phụ thuộc nhiều vào nguồn thức ăn tổng hợp của các công ty trong và ngoài nước mà giá thì luôn biến động ở mức cao làm ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi. Bên cạnh đó, nguồn giống cũng chưa đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng, nhất là các giống bò, heo, gia cầm chất lượng cao.
Trên thực tế, ở hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có các cơ sở sản xuất giống hoặc thụ tinh nhân tạo, phối trực tiếp, tuy nhiên, do công tác quản lý giống còn bị thả nổi, nhiều cơ sở sản xuất giống không bảo đảm chất lượng, trong khi các trại giống gốc của tỉnh thì chưa đáp ứng được nhu cầu con giống của người chăn nuôi… nên người dân vẫn phải mua con giống trôi nổi, kém chất lượng để chăn nuôi nông hộ.
Mặt khác, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn liên tục xảy ra, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng và một số bệnh thông thường khác ở mức độ nhỏ, lẻ trên quy mô hộ chăn nuôi gia đình. Mặc dù, ngành nông nghiệp đã triển khai các biện pháp dập dịch kịp thời nhưng nhiều hộ chăn nuôi, chủ trang trại cũng bị thua lỗ nặng, khiến họ ngần ngại không dám mở rộng quy mô sản xuất.
Giải pháp hướng đến chăn nuôi tập trung
Theo đánh giá của Sở NN - PTNT, chăn nuôi nhỏ lẻ đang chiếm tỷ trọng lớn, gần 80% đối với đàn trâu, trên 50% với đàn bò và gia cầm, gần 35% tổng đàn heo, nên việc kiểm soát, quản lý chặt chẽ hình thức chăn nuôi này ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về môi trường và dịch bệnh, do vậy, phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung là hết sức cần thiết.
Hiện các địa phương đang khuyến khích các hộ gia đình đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, có sử dụng công nghệ, kỹ thuật cao và mang tính hàng hóa. Tính đến tháng 9-2014, toàn tỉnh có 382 trang trại, chủ yếu là chăn nuôi gia cầm và heo, bình quân thu nhập của một trang trại khoảng trên 200 triệu đồng.
Mặc dù số lượng vật nuôi theo hình thức này còn chiếm tỷ lệ thấp so với tổng đàn, song đã mang lại hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh cao, đồng thời giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn. Theo dự báo của ngành chăn nuôi, về lâu dài, hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ tự giảm dần đến mức thấp nhất do giá thành cao, chăn nuôi không theo quy trình kỹ thuật, sản phẩm không đồng đều và không đáp ứng số lượng và chất lượng ngày càng cao của thị trường và dễ gây ô nhiễm môi trường.
Chăn nuôi tập trung sẽ khắc phục được các yếu kém này, đồng thời gắn với quy hoạch vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh để tạo được nguồn cung cấp con giống và sản phẩm thịt, sữa, trứng chất lượng tốt, an toàn, có thị trường tiêu thụ ổn định và mang lại hiệu quả cao.
Chính vì vậy, Đề án phát triển chăn nuôi đến năm 2020 của tỉnh cũng đã tập trung phát triển ngành chăn nuôi theo định hướng: vùng chăn nuôi, giống vật nuôi, phương thức chăn nuôi và thị trường. Trong đó, chú trọng đến phát triển chăn nuôi tập trung sử dụng kỹ thuật cao và an toàn dịch bệnh như chuồng kín hoặc chuồng kín tự động, máng ăn tự động, sử dụng đệm lót chuồng sinh học, thực hiện nghiêm túc các quy định về thú y…
Đồng thời, người chăn nuôi tiếp tục được sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để thực hiện chương trình cải tạo đàn bò, phát triển bò lai, chương trình nạc hóa đàn heo và phòng trừ dịch bệnh gia súc, gia cầm…
Diện tích đất dành cho phát triển các trang trại đến năm 2015 là 3.539 ha và 8.594 ha vào năm 2020, các trang trại chăn nuôi sẽ được hưởng chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh và Chính phủ, đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế chuyển đổi diện tích đang sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi trang trại; rà soát và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trang trại chăn nuôi đủ điều kiện…
Đây được coi là những giải pháp để ngành chăn nuôi đạt hiệu quả cao nhất, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và gia tăng giá trị sản phẩm vật nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình sản xuất lúa có bón phân dúi được Trạm Khuyến nông – khuyến lâm huyện Tây Giang triển khai thực hiện tại 3 thôn Pơ’ning, A Rớt, Nal (xã Lăng) với 103 hộ đồng bào Cơ Tu tham gia trên tổng diện tích 10ha.
Ngày 16-6, đoàn đại biểu HĐND 3 cấp tỉnh Đồng Nai, huyện và xã do bà Quách Ngọc Lan, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, làm trưởng đoàn đã có các buổi gặp gỡ với cử tri tại xã Gia Canh, Phú Tân (huyện Định Quán).
Nắng hạn kéo dài gây thiệt hại nặng nề cho cây trồng, hoa màu và ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của nông dân. Vì vậy, Thăng Bình đang triển khai các giải pháp cấp bách chống hạn, cứu cây trồng.
Hiện nay, khóm đang vào mùa nhưng rớt giá mạnh. Tại chợ Vị Thanh, giá khóm bán ra giảm hơn 1/2 so với hơn 1 tháng trước. Khóm loại 1 chỉ còn 4.000-5.000 đồng/trái (trong khi hơn tháng trước từ 10.000-12.000 đồng/trái).
Bởi lẽ đây là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp thuộc dạng tốp đầu ở miền Bắc với rất nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản chiếm tỉ trọng lớn, quan trọng.