Đặc Sản Cam Xoàn Mùa Tết

Khoảng 4 năm nay, một số nhà vườn ở quận Ô Môn đã chịu khó học hỏi về kỹ thuật và tìm loại cây ăn trái giống mới thích hợp với vùng đất ở đây. Trong số đó, ông Trần Văn Hiện (Bảy Hiện) là người đầu tiên chuyển sang trồng cam xoàn tại khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn - TP Cần Thơ.
Sau khi nghiên cứu kỹ về đặc tính của cây cam xoàn, tháng 11 năm 2009, ông Bảy Hiện bắt đầu trồng thử nghiệm 300 gốc. Chuẩn bị đón Tết năm 2013, ông thu hoạch lứa đầu được 6 tấn trái, bán trên 150 triệu đồng, kết quả thật không ngờ. Đón Tết Giáp Ngọ 2014 sắp tới, ông phấn khởi cho biết vườn cam đạt khoảng 7 tấn trái, thương lái thu mua tại chỗ với giá 39.000 đồng/kg/loại tốt, thu về trên 200 triệu đồng, chưa kể vụ kế tiếp.
Cùng khu vực với ông Bảy Hiện, nông dân Nguyễn Văn E (Hai E) cũng vừa thu hoạch trên 1 tấn cam xoàn vụ Tết Giáp Ngọ. Những ngày này, ông Hai E đang chăm chút cho lứa cam lạc hậu dự kiến thu hoạch vào khoảng tháng hai âm lịch. Ngoài cam xoàn, ông Hai E còn trồng thêm bưởi thanh kiều, một loại bưởi trái to từ 3 - 5 kg, mỗi vụ Tết hái trên 2 tấn, thu nhập tổng cộng trên 100 triệu đồng.
Theo ông Bảy Hiện, cam xoàn trồng bằng cây chiết, sau ba năm sẽ cho trái, nhưng muốn cho năng suất cao, chất lượng bảo đảm, người trồng cần phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật một cách khắt khe, nhất là khâu xử lý đất, phân, thuốc sao cho hợp lý và mang tính bền vững. Giống cam này thích đất màu mỡ, tốt nhất là đất thịt pha cát. Để giúp cho cây xanh tươi, sai trái, chất lượng bảo đảm, người trồng phải chủ động về nguồn nước tưới tiêu, chú ý giữ cho nền đất khô ráo, tuyệt đối không để bị úng.
Đặc điểm của cam xoàn là vỏ dầy, trái tròn, ít hột, thơm ngon và ngọt nhất trong tất cả các loại cam. Từ ưu điểm đó, cam xoàn dễ tiêu thụ, khách hàng rất ưa chuộng, có bao nhiêu thương lái cũng đặt cọc với giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, cao hơn quýt hồng và gấp đôi cam sành (nếu bán lẻ giá sẽ cao hơn).
Ngày Tết, mâm trái cây trên bàn thờ vừa có quýt hồng màu son rực rỡ kết hợp với màu cam xoàn phớt vàng sẽ giúp cho mâm ngũ quả trở nên tươi tắn và thể hiện ý nghĩa tràn đầy sức sống.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng khu vực Thới Hòa, cho biết: Thới Hòa là vùng đất pha cát rất thích hợp với nhiều loại cây ăn trái, nhất là cây có muối. Do đó, nhiều nhà vườn ở đây đã có hướng chuyển sang trồng cam xoàn. Hy vọng trong một ngày gần đây loại cam này sẽ được nhân rộng, hướng tới xuất khẩu, mang lợi ích kinh tế về cho bà con nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Hàng trăm hộ nuôi cá điêu hồng trên sông Tiền đang điêu đứng vì giá cá giảm mạnh, không tiêu thụ được. Khó khăn còn chồng chất khi đại lý không cho nợ tiền thức ăn nuôi cá nữa.

Có nhiều điều bất thường về nạn sâu cuốn lá nhỏ được ghi nhận ở Thái Bình trong vụ lúa này. Bất thường thứ nhất là ngay từ 21-26/3, mật độ bướm sâu cuốn lá đã đạt trung bình 3-4 con/m2, có chỗ bu đặc tới 30-60 con/m2- gấp 10-30 lần so với trung bình nhiều năm. Điều đặc biệt, khả năng đẻ của lũ bướm này cũng rất "dữ dội", tỷ lệ nở của trứng gần như 100% nên sâu non xuất hiện với mật độ trung bình từ 100-150 con/m2, nơi cao từ 400-500 con/m2 trên một diện tích cực lớn mà trọng điểm là các huyện như Thái Thuỵ, Tiền Hải, Kiến Xương, Vũ Thư.

Đã vào mùa trồng cây ăn trái, năm nay nhà vườn thích giống cây ngoại nhập hơn giống nội địa, với lý do trái cây ngoại vừa dễ bán, lại được giá cao.

Nhiều diện tích lúa hè thu (HT) sớm ở ĐBSCL đã bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL) với tỷ lệ gây hại từ 10-30%. Nếu không có biện pháp quản lý tốt thì nguy cơ dịch bệnh lây lan sang diện tích lúa HT chính vụ (xuống giống trong tháng 5, 6) là rất lớn.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong năm nay nếu ngành cá tra được ưu tiên vốn, đồng thời lãi suất về dưới 15%/năm thì giá thành sản xuất sẽ có khả năng cạnh tranh, và kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 2 tỉ Đô la Mỹ.