Cựu Vận Động Viên Quyền Anh Làm Giàu Từ Trồng Gấc
Vị giám đốc chưa đến 30 tuổi nhưng đã có 10 năm lập nghiệp từ nghề trồng gấc. Đến nay, công việc kinh doanh của anh phát triển sang nhiều lĩnh vực khác, mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng.
Sinh năm 1986 tại Bắc Giang, sau đó lớn lên tại Hà Nội nhưng anh Ngô Sỹ Đạt từng theo học trường Văn hóa thể thao Hà Nội (nay gọi là trường Năng khiếu Thể thao Hà Nội) và đã trở thành vận động viên quyền anh quốc gia. Có lúc đã xác định đây là nghiệp theo đuổi nhưng sau 3 năm gắn bó, anh nhận thấy khó có thể làm giàu từ nghề này.
"Hơn nữa, hoạt động thể thao cũng chỉ có thời, phát triển được vài ba năm thôi nên năm 2005 mình quyết định từ giã nghiệp quyền anh và quyết định về quê trồng gấc. Đây cũng là thời điểm gia đình mình đang gặp khó khăn về kinh tế", Đạt kể lại.
Anh cho biết, ý tưởng làm giàu từ gấc nảy ra sau một lần tình cờ xem chương trình truyền hình, với khách mời là một doanh nhân thành đạt từ cây trồng này. Lúc đó Đạt có ý nghĩ, tại sao mình lại không bắt đầu từ công việc đó.
Tuy nhiên, mọi người trong gia đình đều không dám tin kế hoạch của anh sẽ thành công. Bố Đạt khi đó còn cho rằng, cậu con trai lớn lên ở thành phố, chưa hề nhúng tay vào công việc đồng áng, trồng trọt thì khó mà triển khai được, hơn nữa lại còn mong làm giàu từ đó.
Đầu năm 2006, Đạt về khu đất hơn 20.000m2 của gia đình ở làng Quế, xã Hướng Đạo, Tam Dương (Vĩnh Phúc) để trồng thử nghiệm hơn 200 gốc gấc. Chàng trai 20 tuổi lớn lên ở thủ đô tự tay đào đất, đóng cọc tre làm giàn cho cây.
Tuy nhiên, do trồng đúng lúc trời nắng nên cây gấc cứ héo úa. Đạt tưởng mình thất bại nên tìm mua cả giống cây susu về trồng lấy ngọn và quả đem bán để có nguồn thu. Đến mùa mưa, vườn gấc mới tươi tốt trở lại và phát triển tốt. Lúc đó, anh mới mày mò đi tham khảo, học hỏi thêm nhiều mô hình trồng gấc ở các tỉnh và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Được sự hỗ trợ kỹ thuật của một viện nghiên cứu anh quyết định mở rộng thêm diện tích và nhập thêm giống về trồng. Một năm sau, vườn gấc được thu hoạch và cho doanh thu khi đó là 80 triệu đồng.
Những năm sau đó anh mày mò tìm thêm được đầu ra sản phẩm nên ngày càng phát triển số gốc cây, đồng thời động viên bà con quanh vùng trồng gấc. "Khi đó, nhận thấy nhu các doanh nghiệp dược phẩm có nhu cầu lớn về gấc, mình đã tìm hướng để chào bán sản phẩm. Từ đó đến nay, anh mình vẫn duy trì hợp đồng cung cấp cho họ. Có thời điểm không đủ hàng để cung ứng", anh kể lại.
Không chỉ ở Vĩnh Phúc, Đạt còn phát triển vùng nguyên liệu đi các tỉnh thành khác và đến mùa thu hoạch lại đi thu gom về sơ chế rồi cung cấp cho doanh nghiệp. Để thuận lợi cho công việc kinh doanh, tháng 3/2008, Công ty TNHH Gấc Việt được thành lập.
Đến năm 2011, anh có thêm một số kế hoạch mới như cung cấp gỗ nghiền cho các doanh nghiệp đốt lò hơi cho doanh nghiệp sữa và thu mua cam từ Hà Giang về bán . Do đó anh quyết định chuyển về phát triển vùng nguyên liệu gấc tại Yên Thế, Bắc Giang. Còn trên Vĩnh Phúc anh chuyển sang trồng cam canh.
Anh cho biết, hiện mỗi năm thu mua khoảng 500 tấn gấc nguyên liệu và bán cho doanh nghiệp dược với giá dao động từ 150.000 đến 200.000 đồng mỗi kg loại sơ chế. Ngoài vụ thu mua gấc và cam vào khoảng 3-4 tháng cuối năm, công việc cung cấp gỗ nghiền vẫn được duy trì. Những năm làm ăn thuận lợi, việc kinh doanh của anh có thể đạt được lợi nhuận một tỷ đồng.
Vị giám đốc trẻ cũng cho biết, khi còn nhỏ, gia đình gặp khó khăn về kinh tế nên anh bỏ học rất sớm, khi chưa hết lớp 10. Do đó, để điều hành tốt công việc kinh doanh, anh đã trang bị kiến thức cho mình bằng việc tham gia thêm các khóa đào tạo ngắn hạn tại các trường đại học.
Có thể bạn quan tâm
Trong khi hàng loạt trái cây như thanh long, chôm chôm, mít, nhãn, vải, xoài… rớt giá, thì nông dân trồng bưởi da xanh lại đang “hốt bạc” vì giá bán tại vườn lên tới 50.000 - 60.000 đ/kg!
Tháng 3 năm nay, cùng với nhiều DN khác, DNTN Thanh Lịch (Đồng Tháp) đã tham gia đấu thầu cung ứng gạo cho chương trình mua gạo dự trữ quốc gia (kế hoạch 2014). Chương trình do các Cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước thực hiện.
Ông Phạm Văn Châu, Phó chủ tịch UBND xã Tam Giang (H.Núi Thành, Quảng Nam), cho biết những ngày gần đây nhiều tàu câu mực khơi tại địa phương sau khi cập bến đã xuất đi hàng trăm tấn mực khô với giá khá cao.
Gạo phẩm cấp trung bình từ 15 - 20% tấm vẫn đang là chủng loại gạo xuất khẩu chủ lực của Việt Nam khi đạt trên 306 ngàn tấn trong tháng 6 (chiếm 45,72%), tiếp đó là gạo chất lượng cao 3-10% tấm (trên 151 ngàn tấn; 22,52%), gạo thơm gần 102 ngàn tấn (15,2%)…
Năm 2011, gia đình ông Nguyễn Trung Thành ở thôn 6, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) đã đầu tư vốn nuôi bò. Những năm đầu, nuôi bò sinh sản; nhưng sau khi đi tìm hiểu về cách chăn nuôi bò ở các hộ làm ăn hiệu quả, ông đã mạnh dạn chuyển sang hướng vỗ béo bò thịt.