Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cung Vượt Cầu - Giá Dưa Hấu Giảm Mạnh

Cung Vượt Cầu - Giá Dưa Hấu Giảm Mạnh
Ngày đăng: 08/05/2013

Hơn 3 tuần qua, dưa hấu tại Tiền Giang đã mất giá tới 7.000 - 8.000 đồng/kg, từ mức khá cao là 11.000 - 12.000 đồng/kg xuống 4.000 - 5.000 đồng/kg. Người trồng dưa vô cùng lo lắng vì khó tiêu thụ và đối diện với nguy cơ thua lỗ.

Giá dưa hấu giảm mạnh

Dưa hấu là loại cây màu phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long nên được ngành chức năng khuyến khích đưa xuống chân ruộng với cơ cấu 2 vụ lúa - một vụ màu để nâng cao hiệu quả kinh tế nông hộ cũng như cải tạo độ màu mỡ của đất. Tuy nhiên, khi diện tích trồng dưa hấu tăng vọt dẫn đến cung vượt cầu khiến giá dưa giảm mạnh, nông dân trồng dưa đang đứng trước nguy cơ thua lỗ.

Ông Nguyễn Thành Đạt, nông dân có 5.000m2 trồng dưa ở xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết: Hơn 3 tuần qua, giá dưa hấu loại I (nặng hơn 2,2kg, tròn đều, da bóng đẹp, không bị xốp ruột) được đóng thùng tiêu thụ ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Bắc liên tục giảm mạnh từ mức 11.000 - 12.000 đồng/kg xuống mức 7.000 - 8.000 đồng/kg, rồi tiếp tục giảm xuống mức giá hiện nay là 4.000 - 5.000 đồng/kg (tùy thương lái). Đối với dưa loại II được thương lái thu mua tại ruộng với giá 2.000 - 2.500 đồng/kg, giảm tới 5.000 - 6.000 đồng/kg so với nửa tháng trước. Trường hợp, chủ dưa bán theo kiểu bán xô (bán hết cả ruộng dưa không cần chọn lựa) thì chỉ được thương lái thu mua với giá 3.000 - 3.500 đồng/kg.

Theo nhiều nông dân trồng dưa, giá dưa trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua nằm ở mức cao 11.000 - 12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí nông dân trồng dưa lãi tới 20 - 30 triệu đồng/ha nên nhiều diện tích làm lúa khu vực ĐBSCL đã chuyển sang trồng dưa hấu khiến sản lượng dưa hấu cung ứng cho thị trường tăng mạnh. Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Hoa, thương lái thu mua dưa hấu ở chợ An Hữu (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), thời điểm này, dưa hấu ở khu vực ĐBSCL và các tỉnh miền Trung đang thu hoạch rộ, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ dưa hấu các tỉnh phía Bắc cũng như xuất khẩu sang Trung Quốc giảm nên dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá dưa hấu giảm mạnh.

Do vụ dưa hấu này thời tiết không thuận lợi, chi phí tăng cao, giá thành sản xuất tăng gấp đôi so với vụ dưa Tết trong khi năng suất bình quân chỉ đạt 20 - 25 tấn/ha. Hiện nay, chi phí sản xuất một ký dưa khoảng 4.500 đồng, nên với giá dưa hiện nay nông dân trồng dưa bị lỗ nặng, chỉ có những hộ trồng dưa đạt năng suất cao mới mong hòa vốn.

Tiêu thụ gặp khó

Giá dưa giảm, việc bán dưa cho thương lái cũng gặp khó khăn. Ông Lê Văn Đực, xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, cho biết: Khi giá dưa thấp muốn bán phải hỏi nhiều thương lái mới có một người chịu mua. Tuy nhiên, họ cũng chọn lựa rất kỹ, dạt "thẳng tay" nên dưa loại I cũng không được bao nhiêu. Nếu bán xô thì họ ép giá theo kiểu không cần mua, bắt buộc nông dân phải bán vì không trữ lại được.

Đối với những hộ trồng dưa đã nhận đặt cọc với giá cao từ trước cũng không bán được dưa với giá thỏa thuận ban đầu mà thương lái "bẻ kèo" bằng cách ép giá thấp. Ông Nguyễn Tiến Anh, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, cho biết: Thương lái bây giờ đặt cọc mua dưa với mức vài triệu đồng mỗi héc-ta. Khi giá dưa giảm họ không mua theo giá đã thỏa thuận trước đó mà ép giá xuống mức thấp, thậm chí họ sẵn sàng bỏ tiền cọc nếu không thỏa thuận được.

Ông Nguyễn Tiến Anh kể: "Hôm 19 - 4 vừa qua, thương lái tìm đến ruộng dưa hấu của tôi xem xét tình hình phát triển của dưa rồi đặt cọc đồng ý mua với giá 7.000 đồng/kg đối với dưa loại I. Tuy nhiên, đến ngày cắt dưa vào ngày 24 - 4 họ chỉ đồng ý mua với giá 4.500 đồng/kg, nếu không chịu họ sẽ bỏ cọc. Dù biết họ ép giá nhưng giá dưa trên thị trường chung đang trong xu hướng giảm giá nên tôi đành chấp nhận bán".

Vụ dưa hấu này tiếp tục diễn ra điệp khúc "được mùa, mất giá", nông dân trồng dưa hấu gặp không ít khó khăn, khi giá dưa liên tục giảm mạnh, thậm chí dưới giá thành sản xuất khiến người trồng dưa lỗ nặng.


Có thể bạn quan tâm

Quyết tâm làm giàu từ biển Quyết tâm làm giàu từ biển

Một trong những mục tiêu quan trọng được tỉnh xác định từ nay đến năm 2020 là đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển.

29/10/2015
Bàn giải pháp phát triển cá nước lạnh bền vững Bàn giải pháp phát triển cá nước lạnh bền vững

Ngày 23/10/2015, tại Đà Lạt, Bộ NN và PTNT đã tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch phát triển cá nước lạnh và bàn giải pháp phát triển bền vững cá nước lạnh trong thời gian tới.

29/10/2015
Hơn 93ha nuôi trồng thủy sản được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế Hơn 93ha nuôi trồng thủy sản được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế

Theo số liệu ngành nông nghiệp, toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 93,2ha nuôi trồng thủy sản được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGAP/ASC/BMP) và tiêu chuẩn VietGAP.

29/10/2015
 25 tàu cá sẽ đồng loạt ra khơi khai thác cá ngừ đại dương 25 tàu cá sẽ đồng loạt ra khơi khai thác cá ngừ đại dương

Ngày 27.10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà cho biết, tỉnh Bình Định đã tiếp nhận 25 bộ thiết bị, ngư lưới cụ của hệ thống gây sốc cá ngừ (TTS) do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tài trợ.

29/10/2015
Phần lớn hộ đầu tư nuôi tôm bị lỗ vốn Phần lớn hộ đầu tư nuôi tôm bị lỗ vốn

Phòng NN-PTNT huyện Tuy An (Phú Yên) cho biết, đến thời điểm này, 2 vụ nuôi tôm năm 2015 trên địa bàn huyện đã cơ bản kết thúc, với phần lớn hộ đầu tư nuôi tôm bị lỗ vốn do gặp nhiều yếu tố bất lợi.

29/10/2015