Cúm Gia Cầm Lên Mức Báo Động Đỏ
"Tình hình dịch cúm gia cầm hiện nay đang rất nguy hiểm bởi nguy cơ xâm nhập virus cúm A/H7N9 từ Trung Quốc vào Việt Nam là rất cao, còn trong nước, dịch cúm gia cầm H5N1 chưa lên đến đỉnh".
Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 18/2.
Chặn cúm A/H7N9 từ biên giới
Mối lo ngại về tình hình virus cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam qua biên giới phía Bắc ngày càng gia tăng khi chính đại diện Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO) vừa gửi thư cảnh báo tới Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát. Tại hội nghị trực tuyến, nhiều tỉnh giáp biên giới thông báo đã lên kế hoạch ứng phó với chủng virus nguy hiểm này ở mức "báo động đỏ".
Ông Lý Vinh Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, toàn tỉnh có đường biên giới dài 231km giáp Trung Quốc với nhiều đường mòn, lối tắt nên hoạt động buôn lậu gia cầm qua biên giới diễn biến phức tạp. Để ngăn virus cúm A/H7N9 xâm nhập, Lạng Sơn đã chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm soát chặt ngay từ biên giới, nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, tặng, cho gia cầm qua đường mòn, lối mở và đường chính ngạch cửa khẩu...
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, ngoài nỗ lực dập tắt ổ dịch cúm gia cầm H5N1 đang bùng phát tại 4 xã với hơn 7.000 con gia cầm bị chết, toàn tỉnh còn phải lo đối phó với nguy cơ xâm nhập virus cúm A/H7N9 từ Trung Quốc qua đường biên giới dài hơn 200km. Trước mắt, tỉnh đã xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp với chủng virus này, đề ra giải pháp cụ thể cho cả 4 tình huống khẩn xảy ra. Đồng thời, thành lập các khu cách ly để xử lý gọn nếu dịch lây lan.
Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương cần quan tâm nhiều hơn tới cúm A/H7N9 bởi chủng virus này không có biểu hiện lâm sàng, chỉ có thể phát hiện bằng xét nghiệm. Theo đó, các tỉnh biên giới phía Bắc cần siết chặt kiểm soát việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, lập "vành đai an toàn" cho cả nước.
Ngăn cúm A/H5N1 lây lan
Trong khi virus cúm A/H7N9 ngày càng đáng lo ngại thì tình hình dịch cúm A/H5N1 trong nước vẫn có xu hướng gia tăng. Tính đến hết ngày 18/2, cả nước có 49 ổ dịch tại 14 tỉnh với tổng số 51.880 con gia cầm mắc bệnh (gần tương đương so với cả năm 2013).
Tại hội nghị, hầu hết các địa phương đang có dịch cúm H5N1 đều thể hiện rõ sự quyết tâm trong công tác phòng chống dịch như tập trung bao vây ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vaccine trong vùng dịch và vùng lân cận… Bà Mai Hoan Niê K'dăm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắk cho biết, tỉnh đã chỉ đạo nếu địa phương nào không làm tốt công tác tuyên truyền, để xảy ra dịch phải chịu trách nhiệm và không được nhận sự hỗ trợ của tỉnh.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, công khai tình hình dịch bệnh để người dân nắm bắt và hợp tác trong công tác phòng chống với phương châm "phòng là chính, dân là chính, cơ sở là chính".
Nhận định tình hình đang ở mức nghiêm trọng, tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đề nghị các bộ, ngành, địa phương chưa ban hành kế hoạch hành động ứng phó với các chủng virus cúm gia cầm cần ban hành ngay trong tháng 2. Đồng thời yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và UBND các tỉnh rà soát toàn bộ các chợ, kiên quyết làm tốt công tác tiêu độc, khử trùng và phân tách địa điểm bán gia cầm sống. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu trước hết phải khống chế được dịch cúm H5N1, kiên quyết không để dịch lây lan sang người.
Trong 2 tháng đầu năm 2014, Bộ NN&PTNT đã cấp 4,5 triệu liều vaccine cúm gia cầm H5N1 cho các địa phương để tiêm phòng bao vây khẩn cấp các ổ dịch.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin Việt Nam thắng thầu 2 gói thầu cung cấp gạo cho Philippines (450.000 tấn) và Indonesia (1 triệu tấn) được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhìn nhận là dấu hiệu tích cực cho xuất khẩu gạo từ nay đến tháng 3-2016.
Xu thế đồ thị trong ngắn hạn phát tín hiệu giảm điểm.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện nay tập trung vào 5 thị trường chủ lực là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc
Nhờ mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên nông dân Lê Văn Thảo, SN 1964 (ngụ An Thạnh, Long Thới, Chợ Lách, Bến Tre) thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm nhờ sản xuất cây giống phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.
Lo cho “đầu cơ nghiệp” của mình bị thiếu thức ăn khi mùa đông đến, sau khi thu hoạch lúa, đồng bào vùng cao chủ động lấy rơm khô về dự trữ cho trâu, bò. Đây là nguồn thức ăn quan trọng thay thế cho cỏ tươi trong mùa rét.