Củ quả giá bèo đầy đường, nông dân ngậm đắng nuốt cay
Sau dưa hấu, hành tây tại Lâm Đồng rớt giá thê thảm. Khoảng hai tuần trở lại đây, trên rất nhiều tuyến đường tại TP. HCM, nhiều loại nông sản như bắp, khoai được bán nhiều la liệt với giá rẻ một nửa so với trước đây.
Bắp, khoai giá rẻ ồ ạt về Sài Gòn
Trên đường Tân Sơn Nhì (quậnTân Phú), chị Nguyễn Thị Nhị chọn một góc ngã tư, rồi bày mấy bao tải lớn khoai, bắp ra bán.
Theo chị Nhị, bắp được nhập về dưới chợ đầu mối khoảng 1.500 đồng/trái, tất cả đều là bắp Mỹ, về bán lẻ 10.000 đồng/4 trái lớn, hoặc 10.000 đồng năm trái bắp nhỏ hơn.
“Đang vào mùa nên mấy thứ này rẻ, hết mùa bán 5.000 - 6.000 đồng/trái bắp là bình thường” - chị Nhị cho hay.
Tương tự, khoai cũng được giới thiệu là khoai Nhật, khoai miền Tây nhưng giá chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, rẻ hơn một nửa so với trước đây.
Ghi nhận tại nhiều tuyến đường như Quang Trung (quận Gò Vấp) cho thấy bắp sống được tiểu thương nhập về rất nhiều chủ yếu bán lẻ, bán lề đường với mức giá chỉ 2.000 -2.500 đồng/trái được người dân lựa mua nhiều.
Chị Ngọc (quận Gò Vấp) cho hay: "Chừng một tuần nay giá bắp rẻ nên chị thường xuyên mua về sử dụng. Bắp tươi, giá rẻ, luộc lên thì ngọt giống như bắp Mỹ ”.
Chúng tôi ghi nhận thị trường khoai đỏ miền Tây hay khoai giống Nhật giá rẻ lượng tiêu thụ nhiều gấp 2-3 lần so với thời điểm trước đây do giá rẻ.
Theo các tiểu thương chợ Hóc Môn, bắp hiện nay được mua về chủ yếu từ các nhà vườn ở Đồng Nai, Tây Ninh, tất cả đều giống của Mỹ nhưng do rộ vụ nên giá rẻ, lượng tiêu thụ lớn lên tới vài chục tấn mỗi đêm.
Hành tây 500 đồng/kg
Đến chiều 12-4, nhiều nông dân trồng dưa tại Bình Sơn (Quảng Ngãi) vẫn phải bán dưa với giá 300- 500 đồng/kg.
Trong khi dưa dồn đống, chưa tìm được hướng ra thì đến lượt hành tây Đà Lạt và hành tím Sóc Trăng rớt giá thê thảm.
Hiện đang vào cao điểm thu hoạch hành tây của nông dân ở Đơn Dương và TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Trong đó, huyện Đơn Dương, nơi trồng hành tây nhiều nhất Lâm Đồng, bước vào thời điểm thu hoạch rộ, diện tích hành tây đang vào kỳ thu hoạch khoảng 400 ha (trong tổng số 700 ha gieo trồng loại nông sản này). Tuy nhiên, càng thu hoạch nhiều bao nhiêu thì giá hành tây lại càng giảm bấy nhiêu.
Hành tây bán ra tại ruộng đến nay chỉ còn 1.000 đồng/kg, nhiều chỗ hành tây loại 2 chỉ ở mức giá 500 đồng/kg.
Cái gì cũng rớt giá, đầu ra sản phẩm ở đâu?
Từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 khi Lâm Đồng thu hoạch rộ hành tây thì giá loại nông sản này giảm từng ngày. Năm 2014, nông dân Đà Lạt cũng phải đổ bỏ hành tây vì bán không ai mua.
Trước đó, cuối tháng rồi hành tím ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng giảm giá chỉ còn 5.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất là 6.000 đồng/kg. Nông dân phải ngậm đắng nuốt cay vì mất trắng tiền công cũng như lỗ tiền vốn (lỗ 1.000 đồng/kg hành so với giá sản xuất).
Gạo cũng không thoát được tình trạng chung. Trong tháng 3, Chính phủ phải quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa) để giúp nông dân miền Tây tiêu thụ được lúa đông xuân.
Thương tâm nhất là vụ rau của nông dân các tỉnh miền Bắc trong đợt tết vừa qua. Tại nhiều nơi như Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa… giá rau giảm xuống mức khó tưởng tượng.
Cứ sau mỗi đợt nông sản ùn ứ hàng, giá rớt mạnh, các cơ quan chức năng lại nói đến vấn đề đầu ra sản phẩm, quy hoạch và xuất khẩu.
Tuy nhiên, đa số biện pháp đưa ra vẫn chỉ ở mức độ giải quyết tình thế như bán hộ dưa cho người dân Quảng Ngãi, kêu gọi người dân ăn thêm nhiều vải để tiêu thụ cho người dân Hải Dương.
Sau đó, khi mùa thu hoạch rộ đi qua, giá cả tăng trở lại thì mọi người "quên" cần phải có một giải pháp dài hạn giúp nông dân, để bài học không lặp lại trong những năm sắp tới.
Tình trạng này đã lặp lại nhiều năm mà không có cách giải quyết rốt ráo, cuối cùng nông dân vẫn là những người chịu khổ.
Có thể bạn quan tâm
Khi ở nhiều nơi nuôi gà khó "đầu ra" thì các trang trại nuôi gà sao vẫn bán đều đều. Họ cho biết: Khách ăn một lần gà sao là lần sau vẫn thích ăn gà sao. Thịt gà sao ăn ngon và ngọt thịt hơn. Nguồn gốc nó từ gà rừng.
Tháng 8/2012, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Kiên Giang hỗ trợ nông dân nuôi thí điểm cá chạch lấu hay còn gọi là cá chạch bông. Sau gần một năm thực hiện, bước đầu, mô hình mang lại hiệu quả, mở ra hướng phát triển mới cho nông dân trong nghề nuôi thủy sản nước ngọt.
Năm 1984, ông Phạm Quang Hành ở thôn Hòa Bình, xã Hùng Sơn (Thanh Miện - Hải Dương) nuôi thử 5 đàn ong để lấy mật bồi dưỡng sức khoẻ.
Châu Thành (Tiền Giang) được xem là “vương quốc rau” của tỉnh và đây cũng là một trong những địa phương đầu tiên triển khai mô hình sản xuất rau an toàn. Thế nhưng, qua hơn 10 năm từ khi mô hình đầu tiên được triển khai quá trình xây dựng vùng rau an toàn vẫn loay hoay tìm hướng đi.
Đến nay, vụ lạc ở Thừa Thiên - Huế đã thu hoạch xong được hơn 1 tháng, nhưng do giá xuống quá thấp và thương lái ít thu mua nên người dân khó bán được lạc.