Công Nghiệp Chế Biến Nông - Lâm - Thủy Sản
Mới đây, UBND tỉnh đã xác định phương hướng phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản đến năm 2020 sẽ đi vào chiều sâu, theo từng bước đi và quy mô phù hợp. Để từ đó tạo “đường băng” cho ngành cất cánh, làm ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng thông qua xuất khẩu, đáp ứng ngày càng đa dạng nhu cầu của thị trường trong lẫn ngoài nước…
Từ quy hoạch, xây dựng hạ tầng
Có thể nói, quy hoạch cho thấy tác động không nhỏ đến sự phát triển của lĩnh vực chế biến vì liên quan công nghiệp, giao thông, thủy lợi, phát triển nông thôn… Và nếu quy hoạch có bước đi cụ thể dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương thì công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản sẽ phát huy hiệu quả, huy động tối đa các nguồn lực cùng tham gia.
Với điều kiện hiện nay, địa phương sẽ định hướng quy hoạch phát triển hoàn chỉnh những vùng nguyên liệu phục vụ cho ngành vùng trồng thanh long, cao su, cây điều, cây trôm, vùng nuôi tôm thịt… Được biết, Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định 899 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của UBND tỉnh cũng đề cập vấn đề này.
Cụ thể đến năm 2020, Bình Thuận hình thành các vùng chuyên canh cho một số cây trồng lợi thế như thanh long 23.000 ha, cao su 50.000 ha (bao gồm cả trên đất lâm nghiệp). Đồng thời tiến hành cơ cấu lại đội ngũ tàu khai thác, giảm số lượng tàu cá công suất dưới 45 CV còn 25% và tăng tàu cá công suất trên 90 CV lên 50%, hướng đến sản lượng khai thác hải sản đạt 190.000 tấn/năm (đánh bắt xa bờ chiếm 60%).
Bên cạnh quản lý bảo vệ tốt 333.500 ha rừng và đất lâm nghiệp theo quy hoạch, địa phương còn thực hiện trồng 44.000 ha rừng tập trung, trong đó rừng sản xuất có khoảng 38.500 ha. Đồng thời hàng năm, phấn đấu nguồn nguyên liệu gỗ khai thác từ rừng trồng đưa vào chế biến đạt 100.000 m3.
Cũng trong thời gian tới, Bình Thuận tiếp tục rà soát quy hoạch các cụm công nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho dự án công nghiệp chế biến triển khai đầu tư, nâng cấp và xây mới cảng cá phục vụ thu mua, vận chuyển nguyên liệu hải sản.
Trước mắt tỉnh sẽ hình thành đưa vào sử dụng cảng vận tải tại TP. Phan Thiết, La Gi, xúc tiến xây dựng cảng tổng hợp Vĩnh Tân, hoàn thành một số khu, cụm công nghiệp có chức năng chế biến nông - lâm - thủy sản như: KCN Tuy Phong, Cụm công nghiệp Tân Bình 1 và Tân Bình 2, Cụm công nghiệp chế biến hải sản Mũi Né…
Đến khuyến khích đầu tư, khai thác
Đối với các khu, cụm công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, hiện Nhà nước đã có chính sách tạo thuận lợi để doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng mạnh dạn đầu tư hình thành. Vấn đề này còn được địa phương rà soát bổ sung, điều chỉnh hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh ban hành cho phù hợp tình hình thực tế ở Bình Thuận.
Trong đó có quan tâm khuyến khích doanh nghiệp chế biến đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, liên kết chặt chẽ và ký kết hợp đồng đảm bảo bao tiêu sản phẩm của các cơ sở sản xuất nguyên liệu. Với các doanh nghiệp tham gia chế biến sản phẩm lợi thế như thủy sản, bảo quản - chế biến thanh long… sẽ được hưởng một số chính sách ưu đãi về sử dụng đất, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất.
Một giải pháp mà Bình Thuận đang tăng cường nhằm đưa công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản của tỉnh cất cánh là tập trung xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu hiệu quả. Song song với việc giữ vững thị trường truyền thống, địa phương sẽ nghiên cứu hướng đến mở rộng tiêu thụ sản phẩm tại những thị trường mới.
Có thể kể đến thị trường Hoa Kỳ với thanh long và đồ gỗ xuất khẩu, thị trường châu Âu tiêu thụ mạnh mặt hàng thủy sản, thị trường Trung Đông chuộng nông sản và thủy sản, thị trường Ấn Độ là thanh long… Khi “đường băng” đã mở, việc đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản trên địa bàn Bình Thuận cần phải tính đến.
Không chỉ lực lượng doanh nghiệp mà hộ nông dân cũng sẽ có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay phục vụ sản xuất, người lao động được hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề. Được như vậy thì các nguồn nguyên liệu địa phương mới tăng năng lực chế biến, làm ra thêm nhiều sản phẩm mới có giá trị xuất khẩu hoặc sản phẩm đóng gói ăn liền đáp ứng tiêu dùng nội địa…
Nguồn bài viết: http://www.baobinhthuan.com.vn/vn/default.aspx?cat_id=510&news_id=71137
Có thể bạn quan tâm
Vườn cam canh 50 ha của ông Lâm Thành Thương (Bình Dương) có thể cho trái đến 60 năm.
Anh Lê Thanh Tùng đã phát triển được mô hình nuôi cà cuống, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Cứ 2 ngày lại hái quả 1 lần, với giá bán tại ruộng là 25.000 đồng/kg, giá bán lẻ 30.000 đồng/kg; trừ chi phí lãi trên 200 triệu đồng/ha.
Thời điểm này, các hộ dân ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) bước vào thu hoạch ngao chính vụ. Bình quân mỗi hộ nuôi đều thu lãi từ 300 - 500 triệu đồng/năm.
Gà lôi dễ nuôi, thị trường tiêu thụ mạnh, sau khi trừ chi phí đầu tư con giống, thức ăn và các chi phí khác, mỗi tháng thu lãi hơn chục triệu đồng