Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Công Điện Chỉ Đạo Chăm Sóc Lúa Vụ Đông Xuân 2014-2015 Các Tỉnh Phía Bắc

Công Điện Chỉ Đạo Chăm Sóc Lúa Vụ Đông Xuân 2014-2015 Các Tỉnh Phía Bắc
Ngày đăng: 06/03/2015

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công điện số 1846/CĐ-BNN-TT ngày 3/3/2015 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở phía Bắc về việc chỉ đạo chăm sóc lúa vụ Đông Xuân 2014-2015 các tỉnh phía Bắc trong điều kiện thời tiết ấm.

Công điện nêu rõ: Đến nay, các tỉnh Bắc Trung Bộ (BTB) gieo cấy được 99% diện tích, cơ bản đúng khung thời vụ. Các tỉnh Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) gieo cấy đạt 96% so với kế hoạch; trà Xuân sớm 17 nghìn ha, trong đó có hơn 3 nghìn ha gieo cấy trước 15/01/2015 với các giống nhóm Xuân sớm như Xi23, X21, VN10, 13/2. Các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc (TDMNPB) gieo cấy đạt 90% kế hoạch; trà Xuân sớm 14 nghìn ha; trà Xuân trung 15 nghìn ha, có khoảng 5 nghìn ha cấy trước 25/01/2015,… Như vậy, có khoảng trên 100 nghìn ha lúa gieo cấy sớm bao gồm trà Xuân sớm, Xuân trung và diện tích sử dụng giống ngắn ngày, gieo mạ dược, cấy sớm trước tiết Lập Xuân là những diện tích có nguy cơ giảm năng suất.

Dự báo trong tháng 3, tháng 4 năm 2015, nhiệt độ bình quân tiếp tục cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1 độ C. Thời tiết ấm đang ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất lúa vụ Đông xuân 2014-2015, đặc biệt diện tích lúa được gieo cấy sớm, diện tích lúa bị khô hạn thiếu nước, chăm bón không kịp thời sẽ có nguy cơ phân hóa đòng và trỗ bông sớm, có thể gặp rét cuối vụ ảnh hưởng đến năng suất lúa. Ngoài ra, sâu bệnh sẽ có những diễn biến phức tạp, cần đặc biệt quan tâm phòng trừ.

Nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết ấm, đảm bảo thắng lợi sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2014-2015, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở phía Bắc tập trung chỉ đạo một số nội dung sau:

1. Đối với các tỉnh vùng ĐBSH và TDMNPB: Với trà Xuân sớm gieo cấy trước 15/01/2015, trà Xuân trung vụ gieo cấy trước 25/01/2015 và diện tích sử dụng giống ngắn ngày, cấy sớm trước tiết Lập Xuân (4/02/2015) khẩn trương thành lập các đoàn cán bộ kỹ thuật đánh giá tình hình sinh trưởng của lúa; phân loại cụ thể các trà lúa, diện tích và giống lúa có nguy cơ trỗ sớm vào tuần 2 và đầu tuần 3 tháng 4 năm 2015. Đồng thời hướng dẫn nông dân tiến hành xử lý ngay bằng các biện pháp chăm sóc như: Đảm bảo đầy đủ nước dưỡng lúa, tạo điều kiện tối đa cho lúa đẻ nhánh; duy trì nước trong ruộng suốt thời gian sinh trưởng của lúa.

Đối với ruộng lúa sinh trưởng kém, biểu hiện thiếu dinh dưỡng có thể bón tăng lượng đạm khoảng 10% để thúc đẩy sinh trưởng và đẻ nhánh; bổ sung khoảng 10% lượng kali khi lúa phân hóa đòng. Theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh hại, nhất là bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá, rầy nâu để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Đối với diện tích lúa cấy, lúa gieo sạ từ sau tiết Lập Xuân đến trước Tết Nguyên đán cần duy trì mực nước trên mặt ruộng lúa từ 2-3 cm; tích cực chăm sóc, bón thúc và tỉa dặm kịp thời để đảm bảo mật độ, tránh để quá dầy sẽ tạo điều kiện cho các ổ bệnh phát sinh, nhất là với các giống mẫn cảm, giống chất lượng như BT7, HT1, BC15... Đối với diện tích cấy bằng mạ nền, mạ khay sau Tết Nguyên đán, cần kết thúc gieo cấy trước 10/3/2015, không cấy mạ quá tuổi; duy trì mực nước trên mặt ruộng lúa từ 2-3 cm, dặm và chăm sóc kịp thời khi thời tiết ấm.

2. Đối với các tỉnh vùng BTB cần đảm bảo ruộng lúa luôn đủ nước, bón thúc kịp thời, theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh hại. Với những diện tích lúa gieo cấy trước lịch thời vụ hoặc gieo sớm để tránh lũ tiểu mãn; nếu lúa sinh trưởng phát triển kém có thể bón tăng khoảng 10% lượng phân đạm và kali thúc cho lúa sinh trưởng phát triển tốt hơn.

3. Các địa phương tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa trên các phương tiện thông tin và hệ thống khuyến nông ở địa phương để nông dân biết và áp dụng; đặc biệt đối với các trường hợp gieo cấy sớm.

Chỉ đạo các đơn vị thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, tích trữ và sử dụng nước tiết kiệm, đảm bảo đủ nước tưới dưỡng cho lúa, đặc biệt đối với những diện tích gieo cấy sớm trước Lập Xuân; theo dõi chặt chẽ, phòng trừ kịp thời sâu bệnh và chuột hại trên lúa.


Có thể bạn quan tâm

Trên 30 ha ngô mất mùa, người dân lo lắng Trên 30 ha ngô mất mùa, người dân lo lắng

Năm 2015, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có công văn gửi UBND tỉnh Lào Cai về việc cấp không 80 tấn ngô giống (gồm 3 giống ngô nếp, 1 giống ngô tẻ) và 15 tấn hạt giống rau các loại từ nguồn giống dự trữ quốc gia để trồng trong vụ mùa.

01/11/2015
Hoang mang vì bệnh lạ trên cây nghệ vàng Chí Tân Hoang mang vì bệnh lạ trên cây nghệ vàng Chí Tân

Cây nghệ vàng vốn là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc là loại cây trồng truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân xã Chí Tân (Khoái Châu - Hưng Yên). Tuy nhiên gần đây, hàng trăm mẫu nghệ trong xã bỗng nhiên bị bệnh “lạ” tấn công khiến người dân vô cùng lo lắng.

01/11/2015
Cà phê mất mùa, mất giá Cà phê mất mùa, mất giá

Nông dân Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang vào vụ thu hoạch rộ cà phê. Thế nhưng, do năng suất thấp, giá bán giảm nên người trồng cà phê kém vui.

01/11/2015
Đắng ngắt quýt đường Đắng ngắt quýt đường

Quýt đường là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, được nhiều nông dân trong tỉnh chọn trồng. Trong đó, xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước được xem là “thủ phủ”.

01/11/2015
Hiệu quả kinh tế từ trồng cây đu đủ ở Hưng Yên Hiệu quả kinh tế từ trồng cây đu đủ ở Hưng Yên

Là loại cây dễ trồng và cho hiệu quả kinh tế cao, vài năm trở lại đây, nhiều nông dân Hưng Yên đã đưa cây đu đủ về trồng chuyên canh hoặc xen canh với các loại cây ăn quả lâu năm, cây rau màu cho thu nhập cao...

01/11/2015