Còn Nhiều Cơ Hội Cho Đầu Tư Trồng Rau Sạch
Trong khi các tiểu thương tại các chợ truyền thống không mặn mà bán rau sạch, rau an toàn vì không thu hút được người mua thì các hợp tác xã, công ty sản xuất rau sạch vẫn nhìn thấy nhiều cơ hội và đã liên tiếp mở rộng diện tích, tăng thị phần nhờ xây dựng được kênh phân phối đến người tiêu dùng.
Khảo sát mới đây của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) cho thấy, hầu như các tiểu thương tại các chợ truyền thống khi được khảo sát đã trả lời rằng lý do họ không mặn mà với những sản phẩm rau sạch là vì người tiêu dùng hiện nay không phân biệt được sản phẩm rau sạch, rau an toàn với rau trồng theo thông thường. Theo Ipsard, có đến 73% số người được hỏi ý kiến đã cho biết là họ không phân biệt thế nào là rau an toàn.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online với những hợp tác xã, cơ sở sản xuất rau sạch, rau an toàn thì hiện tại lượng hàng bán ra mỗi tuần đều ổn định và đang có xu hướng tăng lên. Dĩ nhiên, những cơ sở, hợp tác xã này không xem việc đưa hàng vào chợ truyền thống là kênh bán hàng chính mà thường đưa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi và tự xây dựng hệ thống riêng để bán hàng.
Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Thỏ Việt, TPHCM cho biết, thời gian đầu, Thỏ Việt phải phân phối sản phẩm rau sạch qua chợ truyền thống theo cách ký gởi nhờ các tiểu thương bán, đến cuối ngày thì nhận về số hàng chưa bán hết.
Tuy nhiên, một thời gian sau đó, Thỏ Việt đã ký được những hợp đồng dài hạn với các siêu thị trên địa bàn TPHCM, như Co.op Mart, Big C, Metro, FiviMart, Lotte đã nhận hàng của Thỏ Việt khiến lượng hàng bán ra ngày càng nhiều. Đến năm 2012, sau hai năm thành lập, Thỏ Việt đã có 70 héc ta sản xuất rau sạch với gần 20 loại rau, quả khác nhau với số lượng trên 30 tấn/ngày.
Trước nhu cầu ngày càng lớn với những sản phẩm rau, quả đạt VietGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), Thỏ Việt mở rộng thêm 50 héc ta, nâng tổng số lên 120 héc ta, đồng thời sẽ đầu tư máy móc, cơ giới hóa để giảm giá thành.
Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ rau sạch ở Hà Nội đang có dấu hiệu tăng, năm 2010, ông Nguyễn Tiến Hưng thành lập Công ty TNHH thực phẩm sạch Biggreen. Để có những sản phẩm rau sạch cho thị trường, Biggreen đã kết hợp với Viện Môi trường nông nghiệp thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam để sản xuất và cung ứng rau sau cho người tiêu dùng.
Ngoài việc mở cửa hàng, Biggreen còn mở thêm kênh bán hàng trực tuyến (online) và giao hàng miễn phí. Dự kiến năm nay, Biggreen sẽ có doanh thu 20 tỉ đồng, gấp gần 3 lần so với năm 2010. Hiện cũng có những công ty như Nông Phẩm Xanh (TPHCM) tập trung bán hàng cho các nhà hàng, khách sạn và bán trực tiếp cho người tiêu dùng thông qua các cửa hàng tiện lợi.
Tự trồng rau để ăn
Trong thời gian qua, ngoài những công ty có đầu tư trồng rau đạt VietGap cung cấp cho thị trường, một số gia đình đã chủ động tự trồng rau tại nhà để cung cấp rau xanh, sạch cho gia đình khi mua giống, giá thể (xơ dừa, đất) ở siêu thị, cửa hàng bách hóa…
Ông Hồng Văn, Gò Vấp, TPHCM, nói rằng khi biết được những thông tin về nhiều sản phẩm rau quả được bán trên thị trường không an toàn, có hàm lượng các loại các chất hóa chất cao, gia đình ông quyết định tự trồng một số rau tại nhà để dùng. Cách này giúp gia đình ông có rau xanh, theo cách gọi của ông đó là rau hữu cơ vì không dùng phân hóa học cũng như thuốc bảo vệ thực vật cho vườn rau của gia đình.
Ngoài ra, hiện có một số gia đình lại chọn phương cách trồng rau sạch không cần đất, còn gọi là thủy canh (nước và các chất dinh dưỡng) để trồng. Theo bà Võ Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn thủy canh, TPHCM, chi phí để có một vườn rau thủy canh rộng 2 mét vuông khoảng 5-6 triệu đồng, có thể trồng 100 giỏ rau, sau một tháng cho năng suất từ 15- 25kg (tùy từng loại rau), bằng năng suất của 10- 12 mét vuông trồng rau trên đất. Hiện công ty đang là nhà cung ứng sản phẩm thường xuyên cho khoảng 300 khách hàng ở TPHCM.
Bà Hà cho biết, ở Hà Nội nhu cầu trồng rau thủy canh cũng đang phát triển mạnh nên công ty đã mở đại lý để đáp ứng nhu cầu này.
Có thể bạn quan tâm
Khi “nhiễm bệnh” từ tác động bên ngoài, cây dó bầu tiết ra chất nhựa chống lại và hình thành một loại sản phẩm đặc biệt gọi là trầm hương. Căn cứ vào sự hóa nhựa nhiều hay ít mà có sản phẩm như trầm tóc, trầm hương hay kỳ nam. Do bị khai thác gần như tận diệt nên các phu trầm đã đem loại cây rừng này về trồng tại vườn nhà với kỳ vọng sẽ tạo được trầm từ chính bàn tay con người.
Sự phát triển đáng nể của ngành nông nghiệp trong hơn 2 thập niên qua, với hàng loạt mặt hàng nông sản top đầu thế giới cả về sản lượng, năng suất như lúa gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, khoai mì (sắn) khiến nhiều nước vừa kinh ngạc, vừa khâm phục.
Nhóm nghiên cứu đề tài “Xây dựng quy trình và mô hình quản lý tổng hợp sâu đục củ khoai lang ở tỉnh Vĩnh Long” thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Vĩnh Long và Bộ môn BVTV- Khoa Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) vừa tổ chức hội thảo báo cáo công tác nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp phòng trị sâu đục củ khoai lang, bước đầu cho nhiều kết quả khả quan.
Trong lúc nhiều nông dân ở ĐBSCL trồng lúa không có lãi do giá thành quá cao thì nhiều hộ dân ở huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) và Phú Tân (An Giang)... cùng rủ nhau trồng lúa theo mô hình “một phải, sáu giảm” vì giúp giảm đáng kể giá thành, tăng thu nhập.
Mấy chục năm có mặt ở Đà Lạt, phương thức trồng dâu tây của nông dân vẫn không có gì thay đổi. Đó là trồng ở ngoài ruộng và nhân giống bằng cách tách thân bò và cây con từ cây chính để trồng lại. Sau nhiều năm, giống dâu tây phát sinh nhiều thứ bệnh như héo lá, đốm đỏ, vàng mép lá, đặc biệt virus xoắn lá làm giảm năng suất và phẩm chất trái dâu. Điều này buộc người nông dân ngày càng sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật hơn, đặc biệt là các loại thuốc diệt nấm.