Cơn Lốc... Tôm Chân Trắng
Giá tôm thẻ chân trắng năm 2013 tại ĐBSCL, đặc biệt ở Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng… chạm mốc kỷ lục 200.000 đ/kg. Người nuôi tôm lời hàng trăm triệu đồng chỉ sau 3 tháng thả nuôi. Con tôm thẻ chân trắng đã “soán ngôi” con tôm sú về năng suất, sản lượng.
Ưu điểm thời gian nuôi ngắn, ngưỡng chịu mặn rộng, lợi nhuận trước mắt cao hơn tôm sú đã tạo nên sức hút mới đối với nông dân. Thế nhưng, bên cạnh tiềm năng đang mở ra một thách thức mới đang đặt ra cho nhà khoa học, nhà quản lý, nông dân khi diện tích phát triển ồ ạt, phá vỡ quy hoạch liệu con tôm thẻ chân trắng có “đột quỵ” như con tôm sú khi môi trường ô nhiễm, dịch bệnh tràn lan…
Tôm sú “đột quỵ”- tôm chân trắng lên ngôi!
Thu hoạch trên 60 tấn tôm thẻ chân trắng với diện tích nuôi 8ha, bán được trên 7 tỷ đồng, trừ chi phí đầu tư ban đầu lãi ròng hơn 3,5 tỷ đồng, ông Lương Văn Tốt (Ấp 4, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang- Trà Vinh) được xếp vào tốp 10 “kiện tướng” nuôi tôm chân trắng có mức lợi nhuận cao nhất tỉnh.
Ông Tốt kể: Trước đây, tôi từng nuôi tôm sú nhưng thành công thì ít, thất bại thì nhiều. Năm 2013, ban đầu đầu tư thả nuôi hơn 3,2 triệu con giống tôm chân trắng. Sau 3 tháng nuôi 1ha cho thu nhập tương đương 850 triệu đồng. Con tôm thẻ chân trắng đang lên ngôi, có sức hấp dẫn cực mạnh đối với nông dân.
Qua nhiều năm nuôi tôm sú năm được năm mất, năm 2013, ông Ngô Văn Kim (ấp Đồng Cò, xã Hiệp Mỹ Đông- Cầu Ngang) chuyển 4,5 công đất nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Sau gần 3 tháng nuôi, ông thu lời hơn 330 triệu đồng.
Thời gian nuôi ngắn hơn tôm sú 1,5- 2 tháng, nhưng lợi nhuận thì hấp dẫn không thua tôm sú. Không riêng ông Tốt, ông Kim, tại các địa phương như: Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Đông, Hiệp Mỹ Tây (Cầu Ngang); Long Toàn, Long Vĩnh, Hiệp Thạnh, Long Hữu,… (Duyên Hải) sau hơn 1 năm chuyển đổi nuôi thử nghiệm tôm thẻ chân trắng, vụ tôm năm 2013, nhiều nông dân đạt lợi nhuận từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha.
Ông Dương Văn Đởm- Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Cầu Ngang đánh giá, năm 2013 trên địa bàn huyện có 5.458 lượt hộ thả nuôi hơn 508 triệu con tôm sú giống trên diện tích 3.203ha.
Trong này có hơn 53% diện tích thả nuôi bị thiệt hại. Sản lượng tôm thương phẩm thu hoạch được 4.152 tấn, đạt 55,66% kế hoạch đề ra.
Trong khi đó mô hình nuôi tôm chân trắng có 2.133 lượt hộ thả nuôi với khoảng 556 triệu con giống, diện tích thả nuôi trên 1.442ha (chỉ bằng 45% diện tích nuôi tôm sú) nhưng sản lượng tôm thương phẩm đạt khoảng 8.000 tấn (gần gấp 2 lần sản lượng tôm sú), hơn 83,90% hộ nuôi có lãi.
Đây là thành công bước đầu, mở ra triển vọng mới trong đa dạng con nuôi thủy sản ở Cầu Ngang. Và là lần đầu tiên tôm thẻ chân trắng vượt mặt tôm sú cả về sản lượng lẫn giá trị kinh tế xuất khẩu...
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Trà Vinh, năm 2013, toàn tỉnh có trên 26.000 lượt hộ thả nuôi hơn 2,14 tỷ con tôm sú giống trên tổng diện tích hơn 26.0000ha mặt nước. Tổng sản lượng tôm sú đạt gần 14.000 tấn, tăng hơn 41% so với năm 2012. Riêng tôm thẻ chân trắng năm 2013, Trà Vinh có 3.700 lượt hộ thả nuôi gần 1,1 tỷ con tôm thẻ chân trắng.
Tuy diện tích thả nuôi tôm chân trắng khoảng 2.323ha (chưa bằng 10% diện tích tôm sú), nhưng tổng sản lượng tôm thương phẩm đạt gần 10.500 tấn, tăng khoảng 10.000 tấn so với năm 2012.
Tiềm năng đang mở, thách thức đặt ra!
Có thể nói, tiềm năng, hiệu quả kinh tế nuôi tôm thẻ chân trắng thay cho tôm sú trong mục tiêu đa dạng con nuôi thủy sản vùng ven biển theo chỉ đạo của UBND tỉnh là hướng đi đúng, đáng mừng. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng đang mở ra, thách thức mới lại đặt ra.
Tỷ phú tôm chân trắng Lương Văn Tốt (Ấp 4, xã Mỹ Long Nam- Cầu Ngang) chia sẻ: “Quy trình nuôi tôm thẻ thâm canh, bán thâm canh (công nghiệp, bán công nghiệp) cũng giống như tôm sú, nhưng thời gian nuôi ngắn hạn chế được rủi ro “đánh đố với trời”, giá cả cũng hấp dẫn.
Đây là ưu điểm vượt trội so với tôm sú. Thế nhưng, để nuôi thành công tôm thẻ chân trắng phải hội đủ điều kiện: vốn đầu tư cao hơn tôm sú do quy trình nuôi chủ yếu là công nghiệp, bán công nghiệp, mật độ nuôi dày từ 60- 150 con/m2 (tùy quy trình nuôi) nên nguồn điện phải đảm bảo (điện 3 pha), nếu sử dụng máy nổ chi phí sẽ cao gấp 2- 3 lần giá điện, lợi nhuận giảm đi.
Một vấn đề quan trọng trong nuôi tôm chân trắng là ngoài con giống sạch bệnh thì việc xử lý môi trường, nguồn nước ao nuôi, dịch bệnh là yếu tố tiên quyết mang lại thành công.
Bởi lẽ, ngoài các dịch bệnh giống như tôm sú thì hội chứng Taura trên tôm thẻ chân trắng cũng rất nguy hiểm.
Có chung tâm trạng như ông Tốt, tỷ phú tôm chân trắng Cao Hữu Hiền (xã Mỹ Long Nam- Cầu Ngang) lo lắng: “Tôi có 4ha nuôi tôm chân trắng. Năm 2013, thả nuôi 3 triệu con giống, 30% diện tích bị nhiễm bệnh chết, tôi phải thả lại lần 2, cuối vụ thu hoạch 31 tấn tôm thương phẩm, bán được 3,5 tỷ đồng, lời hơn 1 tỷ đồng.
Do mật độ nuôi dày 150 con/m2 nên dịch bệnh dễ xảy ra, nếu con giống không tốt, môi trường bất lợi… con tôm chân trắng cũng “đổ bệnh” như tôm sú.
Mùa tôm mới năm 2014 ở Cầu Ngang, Duyên Hải,… (Trà Vinh) đang vào vụ, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng đang phát triển nóng, ồ ạt và nguy cơ phá vỡ quy hoạch, vượt khả năng kiểm soát của ngành chức năng là điều có thể xảy ra.
Đây cũng là điều mà các nhà quản lý nông nghiệp, chính quyền địa phương lo lắng khi diện tích tôm thẻ chân trắng dự báo tăng đột biến trong vụ nuôi năm 2014. Thực tế hiện nay, trong khi nội tại nguồn lực nông dân, quản lý nhà nước như: cơ sở hạ tầng điện, thủy lợi, vốn, con giống, kỹ thuật còn nhiều bất cập thì việc phát triển tôm thẻ chân trắng đại trà không tuân theo quy hoạch như hiện nay là một thách thức lớn.
Với tốc độ phát triển con tôm chân trắng chạy theo phong trào như hiện nay đã và đang đặt ra cho ngành chức năng về nguy cơ vượt tầm kiểm soát, dịch bệnh có thể bùng phát trở lại.
Thạc sĩ Phạm Minh Truyền- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trà Vinh phân tích: Năm 2014, theo dự báo của Tổng cục Thủy sản- Bộ Nông nghiệp và PTNT và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thì tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên thế giới sẽ khôi phục lại ở các nước Trung Quốc, Thái Lan.
Từ đó sản lượng tôm thẻ chân trắng sẽ tăng lên. Trong nước, từ thắng lợi vụ nuôi năm 2013, các tỉnh ĐBSCL sẽ đẩy mạnh diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, dẫn đến sản lượng tôm sẽ tăng mạnh.
Tại Trà Vinh, khuyến cáo nông dân chỉ phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình thâm canh, bán thâm canh (công nghiệp, bán công nghiệp) theo cơ cấu hợp lý giữa tôm sú và tôm chân trắng.
Cụ thể, toàn tỉnh hiện có hơn 7.500ha nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh. Như vậy diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng không vượt quá 3.750ha. Theo các nhà khoa học khuyến cáo: sự phát triển tôm thẻ chân trắng ồ ạt, không tuân thủ quy hoạch có thể gây những tác hại về đa dạng sinh học cũng như nguồn nguyên liệu tôm sú bản địa.
Hiện diện tích tôm thẻ chân trắng đang phát triển nóng ở Trà Vinh gây ra sự cạnh tranh gay gắt giữa 2 loại tôm nội và ngoại. Môi trường ngày một ô nhiễm trước tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, nếu không có giải pháp quy hoạch, phát triển đồng bộ, quản lý chặt chẽ vùng nuôi,… liệu con tôm thẻ chân trắng có phát triển bền vững như kỳ vọng đặt ra? Con giống tôm chân trắng đang là vấn đề nóng đối với ĐBSCL.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo- Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II- Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng: “Việc phát triển tôm thẻ chân trắng ở Việt Nam gây nhiều quan ngại. Việt Nam chưa chủ động được nguồn giống tôm này. Chi phí cho con giống khá lớn mà hiệu quả chưa ổn định. Nuôi trồng bền vững trước hết phải hạn chế được dịch bệnh. Ở Thái Lan chỉ cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng quy mô công nghiệp khép kín. Ở Indonesia cũng tương tự, họ chỉ cho phép nuôi ở khu nuôi công nghiệp riêng biệt.
Từ thành công bước đầu năm 2013 và trước sức hút trúng mùa, tôm thương phẩm được giá, hiện tôm chân trắng cỡ 60- 70 con/kg đang được mua cao nhất với giá 165.000 đ/kg, cỡ 100- 110 con/kg có giá 140.000 đ/kg (cao gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2012 và là giá cao nhất từ trước đến nay) đã tạo ra “cơn lốc” nhà nhà, người người đua nhau nuôi tôm thẻ chân trắng.
Có thể bạn quan tâm
Theo tiến sĩ Lê Quý Tùy, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Lâm Đồng, Trung tâm này đã nhân giống thành công các giống dâu năng suất cao, được lai tạo từ các giống dâu địa phương của Lâm Đồng cùng các giống dâu nhập từ Ấn Độ, Trung Quốc.
Giá thu mua lợn hơi đã tăng thêm 2.000 đồng/kg so với cách đây 2 tháng, nhưng người chăn nuôi hiện vẫn phải chịu lỗ từ 500.000 - 600.000 đồng/tạ thịt.
Sau hơn 2 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), tổng kinh phí đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để xây dựng các tiêu chí NTM trên địa bàn 7/7 xã của TP Cà Mau trên 154 tỷ đồng.
“Thấy những sản phẩm thải ra từ trại gà phải vứt đi nghĩ cũng uổng phí”, anh Nguyễn Thanh Hùng (ấp Bà Phái, xã Long Nguyên, Bến Cát, Bình Dương) mang niềm trăn trở đi tìm một mô hình chăn nuôi kết hợp “đặng làm sao tận dụng được nguồn thức ăn phong phú từ trại gà”!
Gặp chúng tôi, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Thanh Nưa, ông Vi Văn Nhọt phấn khởi khoe về mô hình khoanh nuôi, bảo vệ rừng của Chi hội người cao tuổi Hạ Thanh. Tuy là tự phát nhưng được duy trì và phát triển hiệu quả là nhờ tinh thần lao động hăng say, ý thức trách nhiệm, lòng kiên trì không ngại vất vả của tất cả các hội viên trong chi hội. Điều đó mang lại lợi ích to lớn và thiết thực cho người dân Hạ Thanh và là tấm gương trong công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng.