Con Hàu Tiếp Sức Cuộc Sống Người Dân Đất Mũi
Con hàu không hề là một loài hải sản xa lạ với người dân Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Vùng đất bồi lắng phù sa này được thiên nhiên ưu đãi nguồn giống hải sản vô cùng phong phú, trong đó có con hàu. Nhưng đã từ lâu, loài hải sản này ít được chú ý đến, khó ai ngờ rằng, có ngày nó lại giúp được không ít người bước ra khỏi cảnh đói nghèo.
Đến kinh Lạch Vàm, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, điều dễ nhận thấy là có rất nhiều bè lồng nối nhau được đóng trên kinh, một hình ảnh chỉ mới xuất hiện gần đây. Những chiếc bè trên là sản phẩm của bà con xã viên Hợp tác xã (HTX) nuôi hàu lồng, bên trong của nó là tâm huyết, niềm hy vọng của rất nhiều con người đang lớn dần lên từng ngày theo quá trình phát triển của con hàu.
Con hàu lên ngôi
Nghề nuôi hàu lồng có mặt trên mũi đất chót cùng của Tổ quốc từ năm 2005. Nó bắt nguồn từ sự trăn trở của các cấp lãnh đạo xã Đất Mũi, muốn tìm một mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, nhằm giúp cho bà con thoát cảnh nghèo. Địa phương đã cử đoàn cán bộ đi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi hàu ở Vũng Tàu và một vài nơi khác có cách làm hay, hiệu quả. Khi về, anh em bắt tay vào làm ngay.
Do nuôi hàu lồng cần vốn khá lớn, hơn nữa đây là lần đầu tiên áp dụng chưa biết có thành công không nên nhiều cán bộ xã, chủ yếu là đảng viên xung phong làm trước. Ông Nguyễn Văn Hôn, Chủ nhiệm HTX nuôi hàu lồng Đất Mũi, cho biết: "Như là một giải pháp thoát nghèo nên ban đầu chúng tôi làm mẫu trước, nếu thành công mới nhân rộng. Anh em chấp nhận rủi ro để tìm một hướng mở cho kinh tế địa phương".
Không ngờ con hàu lại phát triển và bén duyên nhanh chóng đến mức chỉ 2 năm sau, từ chỗ chỉ là tổ hợp tác sản xuất đã thành lập HTX nuôi hàu lồng ăn nên làm ra, trở thành một điển hình trong cách làm ăn mới.
Ông Nguyễn Văn Hôn bày tỏ: "Ban đầu chỉ thả nuôi có vài bè thí điểm nhưng đạt hiệu quả rất cao. Năm 2007, HTX thả nuôi 63 tấn giống, lợi nhuận 600 triệu đồng. Sau thu hoạch, HTX tiếp tục thả nuôi 13 bè, vốn đầu tư bình quân 100 triệu đồng/bè và đạt sản lượng hơn 200 tấn hàu thương phẩm, doanh thu trên 2 tỷ đồng".
Đến thời điểm hiện nay, số bè nuôi hàu của HTX đã lên con số 17, trung bình mỗi bè có 40 lồng, khoảng 680 vỉ. Tính trung bình mỗi năm HTX thu hoạch được từ 200 - 250 tấn hàu thương phẩm, thời giá hiện tại là từ 20.000 đồng/kg trở lên.
Và ước mơ xóa nghèo
Ông Nguyễn Văn Hôn hồ hởi: "Trong 3 năm gần đây, con hàu cho lợi nhuận trên 6 tỷ đồng. Tính bình quân, hằng năm chia lãi theo cổ phần cho từng xã viên, người ít nhất là 30 triệu đồng, cao nhất trên 120 triệu đồng".
Nhờ tận dụng nguồn hàu giống tại địa phương để thả nuôi nên tiết kiệm được rất nhiều tiền giống và sản lượng thu hoạch cũng tăng lên. Ban đầu, HTX lấy giống từ các trại sản xuất hàu giống của Vũng Tàu đem về nuôi, sau một thời gian thả nuôi nhận thấy do ảnh hưởng điều kiện khí hậu, môi trường nên tỷ lệ hàu sống thấp, sinh trưởng, phát triển chậm. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển lớn dẫn đến hiệu quả nuôi không cao.
au một thời gian nghiên cứu, thử nghiệm giống hàu tại chỗ, điều bất ngờ thú vị đã xảy ra khi con hàu phát triển rất nhanh, năng suất tăng cao hơn trước gấp nhiều lần. Từ đó, HTX chuyển hẳn sang thu mua hàu giống tại chỗ để sử dụng, không những năng suất tăng cao mà còn làm lợi cho một số người dân sinh sống bằng nghề khai thác hàu giống.
Ở Đất Mũi có rất nhiều người không có đất sản xuất, sống chủ yếu dựa vào biển bằng nghề mò cua, sò… hoặc khai thác rừng trái phép để hầm than. Nhận thấy hiệu quả từ việc nuôi hàu lồng nên nhiều bà con tin tưởng và xin vào làm ăn trong HTX.
Ông Nguyễn Văn Hôn bộc bạch: "Mục đích hình thành HTX là giúp bà con xóa đói giảm nghèo nên sau khi thành công, chúng tôi tạo mọi điều kiện để bà con tiếp cận được với nghề nuôi hàu lồng. Đến nay chúng tôi đã giúp cho nhiều hộ như thế được tham gia vào HTX và có của ăn của để".
Ông Hôn còn cho biết thêm, để nuôi được hàu lồng thì tổng chi phí đầu tư ban đầu vào khoảng 130 - 180 triệu đồng, sau 8 tháng nuôi có thể thu hồi lại vốn. Người nuôi hàu lồng chỉ đầu tư bè 1 lần nên chỉ cần 2 vụ là đã có lãi ròng. Đến nay, HTX đã giúp được 5 hộ không có đất sản xuất thoát nghèo, bằng cách đầu tư vốn cho họ tham gia làm xã viên.
Với lợi thế của địa phương là có nguồn hàu giống tại chỗ dồi dào, giá lại rẻ, nhiều sông rạch, thích hợp cho việc nuôi hàu lồng, Đất Mũi đang có lợi thế lớn để giúp dân thoát khỏi cảnh nghèo. Tuy nhiên, vấn đề vốn đang là niềm mong mỏi của người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Văn Hôn bức xúc: "Mặc dù xã đã có chủ trương phát triển nghề nuôi hàu lồng giúp dân thoát nghèo nhưng hiện chỉ một số bà con có vốn tham gia, những hộ nghèo rất khát vốn, cần được Nhà nước quan tâm đầu tư để họ có cơ hội phát triển cuộc sống".
Có thể bạn quan tâm
Công đoàn các KCN & Chế xuất Trà Nóc (Cần Thơ) và Cty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) tổ chức cuộc họp với các đối tác và đại diện các hộ nông dân bán cá tra.
Thành công bước đầu của việc trồng xen canh cây sa nhân tím dưới tán rừng, và rừng xoan đã cho kết quả tốt, hứa hẹn một sự khởi đầu thuận lợi, đồng thời mở ra hướng đi mới, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân đồng thời gắn kết tăng hiệu quả công tác bảo vệ rừng
Nằm về phía tây tỉnh Quảng Trị, Hướng Hóa đến nay vẫn là huyện biên giới miền núi nghèo. Để tìm lời giải cho bài toán xóa đói giảm nghèo, huyện Hướng Hóa đã và đang phát huy nội lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa tập trung. Thực hiện có hiệu quả lộ trình xây dựng nông thôn mới, để giảm nghèo bền vững ở những xã đặc biệt khó khăn.
Sau khi tiến hành khảo nghiệm trên cả diện hẹp và diện rộng, các đơn vị nghiên cứu loại ngô biến đổi gen có chung ý kiến rằng loại cây này không ảnh hưởng đến hệ sinh thái xung quanh. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cảnh báo, kết quả nghiên cứu còn chưa đủ tin cậy và cần tiếp tục tiến hành khảo nghiệm thêm trước khi trồng đại trà.
Nuôi cá đồng đã góp phần nâng cao thu nhập của nhiều hộ gia đình ở nông thôn. Lượng cá nuôi này đã cung ứng một lượng lớn cho thị trường nội địa. Phát triển nuôi cá đồng theo hướng bền vững được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong kinh tế nông nghiệp ở mỗi địa phương