Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cởi trói lúa gạo Việt Nam cởi trói cần bắt đầu từ đâu

Cởi trói lúa gạo Việt Nam cởi trói cần bắt đầu từ đâu
Ngày đăng: 11/09/2015

Bài 5: 'Cởi trói' cần bắt đầu từ đâu?

Tuần Việt Nam tiếp tục cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn  (IPSARD).

VFA giữ trọng trách lớn

Nhiều ý kiến cho rằng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đang là trở lực cho một thị trường gạo lành mạnh, cạnh tranh, mang lại nhiều lợi ích cho nông dân. Quan điểm của ông?

- VFA là một hiệp hội tổ chức theo mô hình liên kết ngang, tập hợp các nhà chế biến và kinh doanh xuất khẩu gạo. VFA có quyền lực và ảnh hưởng rất lớn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và xuất khẩu của ngành hàng giữ vị trí số 1 của Việt Nam. 98% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước là do hội viên của VFA thực hiện, được Chính phủ trực tiếp giao nhiệm vụ triển khai các chính sách quốc gia, quản lý ngành hàng để đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực.

Với đặc thù của một ngành hàng tác động lớn đến vấn đề an ninh lương thực quốc gia nên VFA được giao nhiều quyền đối với việc quản lý xuất khẩu gạo ở Việt Nam được thể hiện qua Nghị định số 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 4/11/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo. 

Trong đó VFA giữ một vai trò điều hành quan trọng như giám sát việc đăng ký các hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp, có quyền phân bổ 80% khối lượng gạo xuất khẩu theo hợp đồng tập trung (G2G) giữa các hội viên, công bố giá hướng dẫn (giá sàn) để các doanh nghiệp làm cơ sở đàm phán và ký kết hợp đồng, giám sát theo dõi tiến độ và cập nhật số liệu thống kê báo cáo các bộ ngành liên quan. 

Ngoài ra, VFA cũng tham gia vào quá trình thực hiện chương trình mua tạm trữ mỗi khi biện pháp này được áp dụng. Như vậy, VFA hoạt động như một cơ quan quản lý ngành hàng nhất là quản lý việc kinh doanh xuất khẩu gạo dựa trên các biện pháp hành chính là chủ yếu.

Điều này đôi lúc đã làm cho thị trường lúa gạo của nước ta bị bóp méo, cứng nhắc thiếu sự năng động đối với thị trường trong và ngoài nước. Trong khi đó, VFA đã bỏ qua một số vai trò mà các hiệp hội ngành hàng phải tham gia như xây dựng chiến lược phát triển ngành hàng, xây dựng và quảng bá thương hiệu, phát triển và ổn định nguồn cung trong nước, mở rộng hội viên theo liên kết dọc nhằm kết nối hợp tác và phát triển theo chuỗi giá trị ngành hàng hiệu quả hơn … 

Bên cạnh đó, thành viên của VFA chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn, chưa đại diện cho tất cả các tác nhân sản xuất và kinh doanh trong chuỗi giá trị lúa gạo như đại diện của các địa phương sản xuất lúa gạo, đại diện doanh nghiệp nhỏ, nông dân, hợp tác xã.

Gạo trên thị trường Việt Nam.

Cần tách rời chức năng thương mại và xã hội của Vinafood

Có ý kiến chúng ta nên ‘phân biệt gạo thương mại và gạo dự trữ (an ninh lương thực), các công ty lương thực như Vinafood cần tập trung vào hoạt động điều phối, tích trữ gạo; không thực hiện hoạt động xuất khẩu; nhường hoạt động xuất khẩu cho các doanh nghiệp tư nhân’, ông có bình luận gì?

- Hiện tại Vinafood vẫn chủ yếu tập trung vào xuất khẩu gạo theo hợp đồng chính phủ. Khách hàng chính của hợp đồng chính phủ là các thị trường nhập khẩu truyền thống của VN như Philippines, Indonesia. Các khách hàng này quan tâm chủ yếu đến giá rẻ, không đòi hỏi cao về chất lượng gạo.

Do đó, Vinafood chủ yếu chú trọng quan hệ mua bán thương mại, chưa chú trọng đến liên kết phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng gạo như phát triển giống lúa, kiểm soát chất lượng, và chia sẻ lợi ích với người nông dân.

Về chính sách thu mua tạm trữ, các doanh nghiệp được phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ chủ yếu thu mua qua thương lái, sau đó doanh nghiệp thu mua lại từ thương lái. Như vậy, người được hưởng lợi không là nông dân và nhiều trường hợp cũng không là doanh nghiệp mà chính là các thương lái đã mua với giá rẻ và bán với giá cao.

Hơn nữa, Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp mua tạm trữ trong một khoảng thời gian (3 tháng) nhưng giá thu mua vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng ký được hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp. Thực tế khảo sát ở nhiều địa phương cho thấy, mức tăng này không ổn định do đầu ra hạn chế, đặc biệt vào thời điểm giá xuất khẩu gạo thấp, doanh nghiệp lo ngại bị lỗ nếu thu mua tạm trữ mà giá không tăng trở lại. Do đó, hiệu quả của chính sách thu mua tạm trữ còn chưa cao.

Để hỗ trợ cho thực hiện tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, cần phân biệt rõ và tách rời các mục tiêu và chức năng thương mại ra khỏi các mục tiêu và chức năng xã hội của Vinafood.

Có bằng chứng cho thấy hai mục tiêu này bị lẫn lộn vào nhau thì sẽ không đạt cả mục tiêu chính sách công lẫn nguyện vọng của khu vực tư. Như vậy, Vinafood cần được cải cách theo 2 hướng: (i) cổ phần hóa mạnh mẽ phần hoạt động thương mại để hoạt động như các công ty tư nhân khác; (ii) tách phần còn lại riêng của Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ dự trữ lúa gạo quốc gia.

Theo ông, vai trò độc quyền của Vinafood 1 và Vinafood 2 trên thị trường thu mua lúa gạo có hợp lý không? Có cần tác động vào để tạo sự cạnh tranh và thêm cơ hội cho người nông dân hơn?

- Hiện nay trong lĩnh vực thu mua xuất khẩu gạo của nước ta có rất nhiều doanh nghiệp kể các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân tham gia. Năm 2011 Bộ Công thương đã phê duyệt danh sách hơn 140 doanh nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Xét về mặt thể chế Nhà nước không khuyến khích độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh lúa gạo nhưng trong thực tế điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật, kinh nghiệm kinh doanh, v.v… có thể tạo cho một doanh nghiệp có ưu thế hơn.

Như vậy vấn đề cơ hội của các doanh nhân hoặc người nông dân ở đây là cơ hội tham gia nhiều hơn vào các hợp đồng tập trung (G2G). Hiện tại theo Nghị định 109 doanh nhân ký kết được thực hiện xuất khẩu trực tiếp 20% giá trị hợp đồng, số còn lại (80%) do VFA phân bổ cho các doanh nhân khác thực hiện.

Như vậy vẫn tồn tại quyền phân bổ chứ không phải là hoạt động theo cơ chế thị trường nên chăng áp dụng hình thức đấu thầu cạnh tranh trong khâu này để tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp để người nông dân được hưởng lợi nhiều hơn.

Theo ông Nhà nước có cần những chính sách quảng bá tầm quốc gia cho thương hiệu gạo Việt Nam không? Hay để cho thị trường tự quyết định?

- Ngày 21/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 706/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 trong đó xác định vai trò của nhà nước là tổ chức và hỗ trợ thực hiện các hoạt động quảng bá, giới thiệu thương hiệu gạo Việt Nam trong và ngoài nước, hỗ trợ bằng chính sách để giúp các tổ chức, cá nhân (doanh nghiệp, hiệp hội, người sản xuất…) thúc đẩy mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh, uy tín và thị phần của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Doanh nghiệp đóng vai trò chủ chốt trong xây dựng, sử dụng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam thông qua xây dựng, phát triển thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm gạo để tổ chức, quản trị sản xuất, chế biến, phát triển thị trường, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.


Có thể bạn quan tâm

Nông Dân Trồng Đao Riềng Điêu Đứng Vì Giá Thấp Nông Dân Trồng Đao Riềng Điêu Đứng Vì Giá Thấp

Dịp cuối năm, trong khi hàng loạt các loại hàng hóa tiêu dùng thi nhau tăng giá, các sản phẩm chăn nuôi, nông nghiệp khác cũng bị thương lái găm hàng đẩy giá lên thì lại xảy ra một nghịch lý với cây đao riềng.

30/12/2013
Phát Hiện Thêm Một Trường Hợp Vận Chuyển Trứng Cút Trái Phép Phát Hiện Thêm Một Trường Hợp Vận Chuyển Trứng Cút Trái Phép

Như vậy, đầu năm đến nay, Đội kiểm tra lưu động Trạm Thú y huyện Châu Thành A phát hiện 65 trường hợp vi phạm vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép qua địa bàn, xử phạt với tổng số tiền hơn 70 triệu đồng.

10/12/2013
Vui Mùa Ngô Ngọt Trên Đất Ngọc Châu (Bắc Giang) Vui Mùa Ngô Ngọt Trên Đất Ngọc Châu (Bắc Giang)

Vụ ngô đông này, nông dân Ngọc Châu phấn khởi khi mỗi 1 kg ngô ngọt có giá bán 8 nghìn đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm này năm ngoái.

30/12/2013
Trồng Sen Thu 5 - 6 Triệu Đồng/công Trồng Sen Thu 5 - 6 Triệu Đồng/công

Hiện gương sen có giá từ 23.000-25.000 đồng/kg, thời điểm cao nhất có lúc 37.000 đồng/kg, cùng với ngó có giá 13.000-15.000 đồng/kg. Trung bình mỗi công sen vừa bán gương và ngó cho thu nhập 5-6 triệu đồng/công. Nguồn thu nhập tương đối ổn định đối với những khu vực vùng trũng.

10/12/2013
Sử Dụng Chế Phẩm Sinh Học MF3 Trồng Keo Nâng Cao Năng Suất Sử Dụng Chế Phẩm Sinh Học MF3 Trồng Keo Nâng Cao Năng Suất

Thông qua mô hình này, trung tâm sản xuất 80.000 cây keo lai hom, trong đó dòng BV10: 30.000 cây, BV16: 20.000 cây, BV32: 30.000 cây. Số lượng cây này phân bổ cho các huyện Phú Hòa, Tuy An, Đông Hòa và TP Tuy Hòa để cấp phát cho dân bố trí trồng phân tán.

10/12/2013